Việt Nam dẫn đầu bảng số hóa doanh nghiệp ở Đông Nam Á
Không chỉ là quốc gia phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ nhất Đông Nam Á mà Việt Nam còn đang dẫn đầu bảng về số hóa doanh nghiệp.
Các nhà phân tích của Tập đoàn tài chính Robocash đã thực hiện một nghiên cứu đối với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á để xác định mức độ ảnh hưởng của số hóa doanh nghiệp đối với “sức khỏe kinh tế” của các nước trong khu vực này. Kết quả cho thấy, Việt Nam và Philippines là những quốc gia có triển vọng nhất ở phương diện số hóa các hoạt động doanh nghiệp, theo sau là Indonesia và Ấn Độ.
Theo nghiên cứu này, Việt Nam là quốc gia phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ nhất với 26,81 điểm, và dẫn đầu bảng về số hóa doanh nghiệp với 5,73 điểm, theo sát bởi Philippines với 5,3 điểm.
Nghiên cứu này đã cho thấy tiềm năng phát triển khổng lồ của Việt Nam, một quốc gia với chỉ số tăng trưởng GDP đáng kinh ngạc - xấp xỉ 5,2% mỗi năm trong vòng 10 năm qua (Mỹ - 3,1%, Trung Quốc - 4,9%). Nền kinh tế quốc gia cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ trước rất nhiều biến động trên thế giới. Trong thời kỳ bùng nổ dịch Covid-19 toàn cầu vào năm 2020, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 3,5%.
Theo dữ liệu về số hóa trích từ Statista, người dân Việt Nam dành trung bình trên 6 tiếng mỗi ngày cho các hoạt động trực tuyến, chủ yếu từ các kết nối di động. Người Việt Nam cũng rất quen thuộc với các hoạt động mua bán cũng như sử dụng đa dạng các loại hình dịch vụ trực tuyến từ các quốc gia khác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, một trong những hướng phát triển nổi bật của Việt Nam để số hóa hơn các hoạt động kinh doanh ở đây là “thành phố thông minh”. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án phát triển đô thị địa phương thông qua việc tăng ngâng sách của chính phủ cho công nghệ kỹ thuật số. Kế hoạch được thực hiện theo ba giai đoạn gồm: 2016 – 2020 là giai đoạn soạn thảo chính sách pháp luật và cơ sở hạ tầng trí tuệ để áp dụng vào thí điểm; 2020 – 2025 là giai đoạn hoàn thiện các quy định pháp luật và ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển “thành phố thông minh”; 2025 – 2030 dự kiến hoàn thành giai đoạn đầu tiên của thí điểm, hình thành mạng lưới “thành phố thông minh” trên toàn quốc.
Theo các chuyên gia, với những tiềm năng về kinh tế đến từ các hoạt động số hóa doanh nghiệp, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, chia sẻ bên lề Hội nghị Savills Cross-Border Tenant Advisory APAC 2022 tại TP. Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 8 vừa qua, ông Dominic Harding - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới Savills Hoa Kỳ - cho biết: Các doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam và đưa ra những đánh giá về thị trường này. Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với đội ngũ người lao động chất lượng, phân phối tốt và sức cầu của thị trường cao. Với các doanh nghiệp này, đây là thị trường với sức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp để kinh doanh tiếp tục đầu tư trong thời gian dài.
“Một trong những lợi thế lớn mà Việt Nam có được ở thời điểm hiện tại là năng lực sản xuất nhóm ngành công nghệ cao. Savills cũng nhận thấy sản phẩm thô ở Indonesia, ngành ô tô và nông nghiệp ở Thái Lan nhưng ngành điện tử đang phát triển ở Việt Nam. Ngành công nghệ đang được thúc đẩy bởi lực lượng lao động có trình độ cao. Hiện nay, chi phí sản xuất và logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn. Nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu hàng hóa đang bắt đầu cải thiện nhờ mạng lưới logistics nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Và khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực, có thể thấy chi phí đầu tư tại Việt Nam rất phù hợp. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tìm đến những thị trường thay thế và Việt Nam đang làm rất tốt trong việc đón đầu các xu hướng đó, đặc biệt sau đại dịch”- ông Christopher J Marriott - Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á cho biết.
Mai Ca