Việt Nam dự kiến nâng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản từ Hoa Kỳ
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản khẩn trương kết nối với đối tác Hoa Kỳ để tìm kiếm cơ hội nhập khẩu nhiều hơn từ thị trường này.
Ngày 9-5, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp tổ chức hội nghị “Thúc đẩy thương mại mặt hàng nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đồng chủ trì hội nghị.
Nỗ lực hài hòa cán cân thương mại hai chiều
Bộ Công Thương cho biết việc tổ chức hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất của các tập đoàn, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp kinh doanh và xuất nhập khẩu về khả năng thúc đẩy thương mại hai chiều đối với ngành hàng nông lâm thủy sản.
Trong đó bao gồm việc nâng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản của Hoa Kỳ, thể hiện thiện chí của Việt Nam trong nỗ lực hài hòa cán cân thương mại hai chiều. Hướng đến mục tiêu cuối cùng là duy trì ổn định thị trường Hoa Kỳ, bảo vệ lợi ích dài hạn của ngành hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: BCT
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng ở mức 46%, Chính phủ và các Bộ, ngành đã quyết liệt vào cuộc, tích cực tham vấn và đàm phán với Hoa Kỳ để tìm ra tiếng nói chung, mang lại lợi ích cho người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng cả hai nước.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có nhiều phương án, trong đó ban hành Đề án thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nội dung nhấn mạnh việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng và vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng.
Cùng với đó là việc xây dựng thương hiệu ngành hàng dựa trên tính tuân thủ và phát triển bền vững; thúc đẩy các chương trình chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Sớm rà soát, gỡ bỏ các rào cản thương mại
Sau khi nghe các báo cáo tổng quan về tình hình nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cùng với nhiều ý kiến phát biểu của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông lâm thủy sản của Việt Nam với số lượng lớn, đồng thời cũng là thị trường có tiềm năng xuất khẩu lớn các sản phẩm ngũ cốc, thịt, sữa, gỗ…”.
Bộ trưởng cho biết nhập khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản từ Hoa Kỳ không chỉ có tác dụng trong ngắn hạn trong việc đáp ứng nhu cầu thị hiếu tiêu dùng trong nước của mỗi bên, góp phần cân bằng thương mại và thúc đẩy đàm phán đạt kết quả tốt nhất mà còn cả trong dài hạn. Bởi đây là cơ sở, nền tảng để Việt Nam - Hoa Kỳ có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực nông lâm thủy sản theo hướng công nghệ cao, tuần hoàn và phát triển bền vững.
Để nâng kim ngạch xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông lâm thủy sản giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng của hai nước cần sớm rà soát, gỡ bỏ các rào cản thương mại.
Đồng thời, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh và khả thi, như chính sách về thuế, ưu đãi vốn, hỗ trợ logistics… để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phát triển.
Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản khẩn trương kết nối với đối tác Hoa Kỳ để tìm kiếm cơ hội nhập khẩu nhiều hơn từ thị trường này.
Thông qua hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản giữa hai nước, cần tranh thủ tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ trong lĩnh vực xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng xanh, sạch, giá trị tăng cao và bền vững, trong đó, chú trọng cả khâu sản xuất và chế biến tiêu thụ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng kêu gọi các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cùng đoàn kết, đồng hành và thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hòa Kỳ ổn định, bền vững.
Bộ trưởng khẳng định Chính phủ, các Bộ ngành, nhất là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Môi trường luôn cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp trong các nỗ lực nêu trên.
Trước hết là việc khẩn trương, kiên quyết gỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa cho các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hoa Kỳ, đơn giản hóa thủ tục hành chính để các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng có điều kiện gia tăng giao thương với thị trường này.