Xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp thời trang Việt Nam hơn 40ha

Ngày 9-7, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), TPHCM, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức Hội thảo 'Phát triển Công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp thời trang Việt Nam'.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài, cùng đại diện các hiệp hội và hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày trong nước và quốc tế.

 Trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp thời trang Việt Nam rộng hơn 40ha. Ảnh: CAO LƯƠNG

Trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp thời trang Việt Nam rộng hơn 40ha. Ảnh: CAO LƯƠNG

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn, cho biết, ngành Công nghiệp Dệt may - Da giày là hai ngành hàng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 72 tỷ USD năm 2024, tăng trưởng trung bình 10%, có 16.348 doanh nghiệp thu hút gần 5 triệu công ăn việc làm, chiếm 22% lao động ngành công nghiệp Việt Nam, đóng góp đáng kể vào phát triển thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, trải qua hơn 40 năm phát triển, hai ngành này đã giúp Việt Nam đạt được vị trí là quốc gia sản xuất giày dép, may mặc tốp đầu của thế giới, song vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: CAO LƯƠNG

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: CAO LƯƠNG

Đánh giá được tầm quan trọng của 2 ngành hàng xuất khẩu lớn, ngày 29-12-2022 Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2035 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6-8-2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành, trong đó xác định rõ các mục tiêu và kế hoạch hành động cần thiết phải triển khai để nâng cấp chuỗi cung ngành thời trang Việt Nam theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, chủ động và ngày càng bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: CAO LƯƠNG

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: CAO LƯƠNG

Để triển khai chiến lược này, Lefaso đã lập phương án xây dựng "Trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp thời trang Việt Nam" giai đoạn 2026-2030.

Đây là dự án mang tầm chiến lược của quốc gia, Trung tâm được xây dựng tại phường Tân Vạn và phường Đông Hòa, TPHCM, với quy mô hơn 40 ha. Khi được đưa vào vận hành, Trung tâm sẽ hỗ trợ doanh nghiệp với 7 chức năng chính. Cụ thể: Kết nối và phát triển chuỗi cung ứng thời trang; Trưng bày, giới thiệu, thử nghiệm nguyên phụ liệu và công nghệ mới; Tạo không gian sáng tạo và nghiên cứu phát triển cho ngành thời trang; Tổ chức hội chợ triển lãm, sự kiện của ngành thời trang; Đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực ngành; Thúc đẩy xu hướng thời trang bền vững và ứng dụng công nghệ; Thúc đẩy hợp tác quốc tế và xuất khẩu.

 Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn cùng các đối tác. Ảnh: CAO LƯƠNG

Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn cùng các đối tác. Ảnh: CAO LƯƠNG

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ ý kiến nhằm hoàn thiện giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành công nghiệp thời trang một cách hiệu quả nhất. Từ đó giúp cho ngành thời trang Việt Nam có những bước đi đột phá, tạo ra giá trị ngày càng cao, mang lại lợi ích cho ngành và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xay-dung-trung-tam-nghien-cuu-phat-trien-chuoi-cung-ung-nganh-cong-nghiep-thoi-trang-viet-nam-hon-40ha-post803105.html