Xuất khẩu phục hồi đẩy cổ phiếu logistics và khu công nghiệp vào đà tăng giá

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế thuộc VinaCapital, xuất khẩu của Việt Nam phục hồi đã thúc đẩy giá cổ phiếu ngành logistics. Giá cổ phiếu của các công ty logistics như Gemadept (GMD), Cảng Sài Gòn (SGP) và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn tập trung vào thương mại quốc tế đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng 20% của chỉ số VN-Index.

Trong báo cáo mới đây, ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital cho biết việc phục hồi xuất khẩu đã có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam, đã phục hồi từ mức giảm 21% trong quý I/2023 lên mức tăng 24% trong quý I/2024.

Tăng trưởng xuất khẩu thúc đẩy khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển của Việt Nam, ước tính lần lượt tăng 40% và 30% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2024.

VinaCapital kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục sau năm 2024. Nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy xuất khẩu trên khắp châu Á và nhập khẩu của Mỹ tăng trưởng với tốc độ đáng chú ý là 7% trong quý I/2024 và có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay. Vào tháng 4, chỉ số “đơn đặt hàng mới” của PMI các thị trường mới nổi toàn cầu của S&P đạt mức cao nhất trong hơn 3 năm, trong đó số lượng đơn đặt hàng mới ở Việt Nam đạt mức cao nhất trong gần 2 năm.

Cũng theo chuyên gia VinaCapital, cuối năm 2023, sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu khi quá trình giảm tồn kho kết thúc. Đến đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng 15% và doanh thu từ dịch vụ xếp dỡ hàng hóa đường hàng không và đường biển tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Đó là một lý do khiến cổ phiếu của các công ty logistics tăng vọt trong năm nay, thậm chí tăng mạnh hơn VN-Index.

Khoảng 1/3 doanh thu của các công ty logistics tập trung vào thương mại quốc tế (trái ngược với các doanh nghiệp tập trung vào vận chuyển nội địa) có nguồn gốc từ việc vận chuyển hàng hóa. Các hợp đồng được ký trong giai đoạn 2020-2021 hiện sắp kết thúc, vì vậy VinaCapital kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu chung của các công ty đó gần như không đổi trong năm nay, bất chấp hoạt động vận chuyển tăng trưởng mạnh mẽ và phí xử lý cảng cao hơn.

VinaCapital nhấn mạnh: “Các nhà đầu tư đang nhìn xa hơn sự tăng giảm bất thường về giá cước vận chuyển và hào hứng với các yếu tố khác, bao gồm triển vọng tăng thêm phí cảng do Chính phủ quy định và việc tăng công suất, nâng cao hy vọng Việt Nam có thể trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế như Singapore".

Về công suất, tại khu phức hợp cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, cách TPHCM 60km, bao gồm các bến do Gemadept (GMD), Cảng Sài Gòn (SGP) và các công ty logistics khác sở hữu và vận hành, VinaCapital dự báo tăng hơn 10% vào năm 2025. Công suất tại khu phức hợp cảng nước sâu Lạch Huyện gần Hải Phòng do một số doanh nghiệp nhà nước sở hữu và vận hành dự kiến tăng gấp 1.5 lần vào năm 2025, bao gồm việc dự kiến tăng công suất 80% vào cuối năm 2024.

Báo cáo của VinaCapital cho biết, Chính phủ cũng đang xem xét xây dựng một cảng trung chuyển chuyên dụng tại Cần Giờ, gần Cái Mép -Thị Vải. Điều này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh với Singapore và Hồng Kông về kinh doanh trung chuyển vì phí xử lý cảng của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng một nửa so với Singapore ngay cả sau khi tăng khoảng 10% phí xử lý cảng – đã có hiệu lực vào đầu năm nay.

Ngoài ra, việc xây dựng Sân bay Long Thành mới của TP.HCM vẫn đang tiến triển với một nhà ga hàng hóa mới dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm nay. Tất cả đều là một phần trong các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ. Chi tiêu cơ sở hạ tầng của Chính phủ đã tăng khoảng 33% lên 24 tỷ USD (hoặc 6% GDP) vào năm ngoái và kỳ vọng mức chi tiêu tương tự trong năm nay.

Minh Tuệ

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/xuat-khau-phuc-hoi-day-co-phieu-logistics-va-khu-cong-nghiep-vao-da-tang-gia-d111658.html