Yên Mô, nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân
Xác định việc trang bị kỹ năng, kiến thức để người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số là rất quan trọng, huyện Yên Mô đã tập trung nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số và phát triển nhân lực số.
Hiện nay, huyện Yên Mô có 1.378 công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm làm về công nghệ thông tin, quản trị mạng và chuyển đổi số có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Tại các thôn, xóm, tổ dân phố có 232 tổ công nghệ số cộng đồng với 1.012 thành viên.
Để giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn huyện nhận thức được ý nghĩa và sự cần thiết phải chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên truyền được huyện Yên Mô chú trọng, không chỉ thông qua các buổi truyền thông mà còn tập trung vào việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn cách thức thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử… cho cả người dân và cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ.
Thời gian qua, huyện đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn về công tác chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện tại 17/17 xã, thị trấn; tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin mạng cho Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện, lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị…
Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân về công tác xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn huyện.
Đến làm thủ tục tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Yên Thắng, chị Đinh Thị Hiền (xóm Vân Du Thượng) cho biết: Tôi được hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thấy rất thuận lợi, người dân không cần phải đến UBND xã mà có thể ở nhà hay ở công ty cũng có thể làm được. Sau lần này, tôi sẽ tìm hiểu kỹ, nhờ sự hướng dẫn của Tổ công nghệ số cộng đồng để thành thạo hơn trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử…
Cùng với việc tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dân có thêm kiến thức, kỹ năng số phục vụ chuyển đổi số, từ các cơ quan, đơn vị cho đến các thôn, xóm đã duy trì và khai thác có hiệu quả tài khoản Zalo OA “Chuyển đổi số huyện Yên Mô”, giúp người dân nắm bắt, cập nhật kịp thời các chủ trương, định hướng, thông tin về các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành và của tỉnh, của huyện. Bên cạnh đó, các thông tin, thông báo tình hình, hội họp... cũng được triển khai qua hệ thống Zalo nhóm ở các thôn, xóm, phố đã giảm được các thủ tục về giấy mời, văn phòng phẩm.
Đồng chí Đinh Quang Mạch, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận xóm Tràng Yên, xã Yên Đồng cho biết: Trong quá trình hoàn thiện các tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu, xóm Tràng Yên đã chú trọng xây dựng xóm thông minh, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn thông qua các tiện ích 4.0.
Qua sự vào cuộc của Tổ công nghệ số cộng đồng, người dân Tràng Yên đã đăng ký, cài đặt và biết cách sử dụng tài khoản VneID. Các nền tảng mạng xã hội, các nhóm Zalo, Facebook của chi bộ, chính quyền, các đoàn thể của xóm được thành lập đã phát huy hiệu quả trong việc thông tin, tuyên truyền, triển khai nhanh chóng, kịp thời các nhiệm vụ, tình hình hoạt động tới cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như công tác tuyên truyền của xóm một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Cùng với các giải pháp nâng cao nhận thức, năng lực số cho người dân, để hỗ trợ người dân tham gia môi trường số ngày càng nhiều và đạt hiệu quả, phục vụ thuận lợi cho sinh hoạt, đời sống cũng như các giao dịch về TTHC, huyện Yên Mô đã đầu tư, nâng cấp đưa hệ thống mạng wifi phủ khắp trên địa bàn.
Mỗi xã, thị trấn trong huyện bố trí 5-7 điểm công cộng được lắp mạng wifi miễn phí đáp ứng tốt về chất lượng dịch vụ, các điều kiện kỹ thuật khai thác và bảo đảm an toàn thông tin theo các quy định hiện hành.
Tại các xã NTM kiểu mẫu của huyện đều đã xây dựng mô hình thôn thông minh. Trong đó có trên 85% số hộ gia đình sử dụng hạ tầng mạng Internet băng rộng cáp quang; 95% người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh, trên 70% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử…
Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của các xã, thị trấn đã thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả đối với các TTHC thuộc thẩm quyền theo quy định, tăng dần tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến.
Đồng chí Bùi Khắc Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết: Cải cách thủ tục hành chính tại xã Yên Thắng đã gắn liền với chuyển đổi số. Hiện nay, UBND xã có 117/117 thủ tục hành chính được niêm yết công khai. Việc thực hiện quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, trao đổi văn bản trên môi trường mạng, số hóa kết quả thủ tục hành chính nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí.
Hiện nay, 95% cán bộ, công chức xã đều có tài khoản trao đổi văn bản nội bộ, UBND xã thực hiện tiếp nhận văn bản của UBND cấp huyện và chuyển giao văn bản trên phần mềm quản lý văn bản VNPT-ioffice, tăng cường thực hiện chữ ký số. Do đó, người dân đến giao dịch TTHC đều được hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử, thanh toán online…