Yêu cầu các đơn vị ngành giao thông chủ động phòng, chống thiên tai

Trước tình hình mưa to bão lớn ở một số tỉnh thành gây ngập sâu cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giao thông và đời sống của nhân dân, mới đây Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới có công điện yêu cầu các đơn vị trong ngành lên phương án chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành rà soát và có các giải pháp khắc phục các điểm gây cản trở đến việc thoát lũ, gây ngập cho các khu dân cư và làm ách tắc giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, các tuyến đường cao tốc và tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Các đơn vị này cần chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng như: dầm thép, rọ đá, đá hộc, đá dăm, đường ray, tà vẹt… và máy móc thiết bị bố trí ở những vị trí thường xuyên bị ách tắc giao thông do mưa lũ để sẵn sàng sử dụng khi có tình huống thiên tai. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần phải rà soát, hoàn thiện phương án đảm bảo giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt; phương án tăng bo, chuyển tải hành khách; quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương trong việc đảm bảo giao thông trên các tuyến thường xuyên bị ách tắc giao thông khi có mưa lũ.

Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương có phương án tổ chức, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở… kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến đường bộ.

Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước...

Khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới xảy ra, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương nắm chắc số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy đang neo đậu tại vùng neo đậu, các cửa sông, cửa biển, vùng nước quanh các đảo hoặc đang hành trình trong khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai, để hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn hoặc hướng dẫn di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra sân bay, nhà ga, hệ thống thông tin liên lạc, công tác điều hành, chỉ huy bay để kịp thời phát hiện và xử lý khắc phục các sự cố; chỉ đạo các hãng hàng không điều chỉnh lịch bay, tuyến bay và ga đến cho phù hợp nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn hoạt động bay khi có thời tiết xấu do thiên tai gây ra.

Các Sở giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, khu quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc… để tham gia khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra.

Cùng với đó, các đơn vị cần tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương được giao quản lý, tổ chức hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các khu vực giao thông bị ngập nước, các bến đò để đảm bảo an toàn, phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách và hàng hóa ngay khi lũ rút.

Đồng thời, các đơn vị rà soát xác định các vị trí hư hỏng nặng mà việc sửa chữa đảm bảo giao thông không giải quyết được triệt để; đề xuất giải pháp, quy mô và kinh phí khắc phục, gửi cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo. Sau các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài vào đầu năm, thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi, nhất là tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai xảy ra đã làm 104 người chết và mất tích (phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn), thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8 năm 2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.

Dương Tươi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/yeu-cau-cac-don-vi-nganh-giao-thong-chu-dong-phong-chong-thien-tai-post521061.html