9 huyệt vị giúp giảm đau đầu do căng thẳng

Đau đầu do căng thẳng thường xuất hiện vào cuối ngày hoặc sau stress. Bên cạnh các phương pháp điều trị dùng thuốc, châm cứu, người bị đau đầu do căng thẳng cũng có thể tự day ấn huyệt để cải thiện tình trạng này.

Day ấn huyệt giảm đau đầu như thế nào?

Đau đầu do căng thẳng là một trong số những loại đau đầu phổ biến nhất, xảy ra khi cơ thể bị căng thẳng quá mức. Loại đau đầu này thường được đặc trưng bởi cơn đau âm ỉ, nặng đầu, siết chặt hai bên thái dương, có cảm giác như vòng siết quanh đầu, có thể đau cả đầu hoặc đau vùng trán - đỉnh - gáy, nhưng không theo mạch đập, không kèm buồn nôn, nôn hay sợ ánh sáng.

Đông y nhìn nhận đau đầu do căng thẳng có nhiều nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân này lại thường kết hợp với nhau, trong đó có 4 nguyên nhân thường gặp là can dương thượng cang, khí trệ huyết ứ, huyết hư phong động và đàm thấp trở trệ.

Day ấn huyệt vừa giúp lưu thông khí huyết tại chỗ, vừa giúp điều trị nguyên nhân, từ đó rất hiệu quả trong việc hỗ trợ cải thiện tình trạng đau đầu do căng thẳng.

Đau đầu do căng thẳng thường gặp vào cuối ngày hoặc sau stress.

Đau đầu do căng thẳng thường gặp vào cuối ngày hoặc sau stress.

Một số huyệt giúp cải thiện tình trạng đau đầu do căng thẳng

Huyệt bách hội

Vị trí: Trên đỉnh đầu, điểm giao nhau của đường nối hai đỉnh tai và đường dọc giữa đầu.

Bách hội là một huyệt quan trọng của cơ thể, có tác dụng bình can, thăng khí, thanh thần, khai khiếu. Đối với người bị đau đầu do căng thẳng, day ấn huyệt bách hội có thể giúp bình can dương, trấn thống, cải thiện tình trạng đau đầu do can dương vượng, huyết hư, đồng thời cũng là vị trí huyệt giúp cải thiện tình trạng đau vùng đỉnh đầu.

Huyệt đầu duy

Vị trí: Ở chân tóc góc trán, cách bờ chân tóc 0.5 thốn, trên đường khớp đỉnh trán.

Đầu duy là huyệt có tác dụng khu phong, tiết hỏa, trấn thống, đối với người đau đầu do căng thẳng huyệt này có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng đau đầu vùng trán, cạnh trán, đặc biệt hiệu quả với những trường hợp do can hỏa và phong đàm.

Vị trí xác định huyệt đầu duy.

Vị trí xác định huyệt đầu duy.

Huyệt thái dương

Vị trí: Chỗ hõm sau giao điểm của đuôi lông mày và đuôi mắt khoảng 1 thốn, khi ấn vào thấy có cảm giác ê tức.

Huyệt thái dương có tác dụng sơ giải đầu phong, thanh nhiệt, trấn thống, làm sáng mắt. Đây là huyệt thường được sử dụng trong điều trị các chứng đau đầu. Đối với đau đầu do căng thẳng, day ấn huyệt thái dương giúp giảm đau vùng thái dương, đồng thời giải uất và làm dịu thần kinh.

Huyệt suất cốc

Vị trí: Phía trên tai khoảng 1.5 thốn.

Suất cốc là huyệt trên kinh đởm - kinh có quan hệ biểu lý với kinh can, có tác dụng thanh nhiệt trừ phong, trấn kinh an thần, thư cân hòa lạc. Khi day ấn huyệt suất cốc có thể giúp giảm đau vùng đỉnh, vùng cạnh đầu, giáng can dương, trấn thần chí, thư giải cơ vùng cổ - vai- cạnh đầu từ đó cải thiện tình trạng đau đầu do căng thẳng.

Huyệt phong trì

Vị trí: Sau gáy, chỗ hõm ở giữa bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang.

Huyệt phong trì có tác dụng khu phong, giải biểu, thanh nhiệt, sơ giải tà khí, giúp tai tinh mắt sáng. Đối với người bị đau đầu do căng thẳng, day ấn huyệt phong trì có thể giúp giải uất, bớt căng vùng cổ gáy, giảm đau do khí trệ, can hỏa thượng cang.

Huyệt ấn đường

Vị trí: Giữa hai đầu lông mày.

Huyệt ấn đường cũng là huyệt thường xuyên được sử dụng trong hỗ trợ điều trị các chứng đau đầu. Huyệt này có tác dụng khai khiếu, định thần, trấn thống, giúp thư giãn và giảm đau vùng trán, cải thiện giấc ngủ.

A thị huyệt (huyệt ở chỗ đau)

Vị trí: A thị huyệt là nơi có cảm giác đau nhất, đối với đau đầu do căng thẳng, a thị huyệt thường nằm tại thái dương, đỉnh đầu, sau gáy. A thị huyệt có giá trị rất lớn trong điều trị các chứng đau nói chung, trong đó có đau đầu do căng thẳng, giúp khai thông khí huyết tại chỗ, giải uất trệ, giảm đau.

Huyệt thái xung

Vị trí: Trên mu chân, giữa kẽ ngón chân 1 và 2 đo lên 1.5 thốn.

Huyệt thái xung tuy không nằm trên đầu nhưng có vai trò hết sức quan trọng trong điều trị đau đầu do căng thẳng. Huyệt thái xung có tác dụng sơ can, lý khí, bình can tiềm dương, đối với đau đầu do căng thẳng có tác dụng bình can dương, nhanh chóng làm dịu cơ đau do stress tinh thần.

Huyệt hợp cốc

Vị trí: Ở điểm cao nhất của vùng cơ giữa ngón tay trỏ và ngón tay cái khi khép hai ngón cạnh sát nhau.

Hợp cốc cũng là huyệt rất quan trọng trong Đông y, tuy không nằm trên đầu nhưng có ý nghĩa rất lớn trong điều trị các chứng đau đầu. Day ấn huyệt hợp cốc có tác dụng khu phong, hành khí, giảm đau, giúp giảm đau vùng đầu mặt, giúp khí huyết lưu thông, hỗ trợ giảm đau đầu do căng thẳng.

Day ấn huyệt hợp cốc giúp khí huyết lưu thông, hỗ trợ giảm đau đầu do căng thẳng.

Day ấn huyệt hợp cốc giúp khí huyết lưu thông, hỗ trợ giảm đau đầu do căng thẳng.

Cách tự day bấm huyệt

Trước hết xoa bóp nhẹ nhàng toàn bộ vùng đầu, có thể dùng một số dụng cụ hỗ trợ như cây gãi đầu, lược massage, máy massage đầu cầm tay…
Dùng đầu ngón tay cái hoặc ngón trỏ, day ấn mỗi huyệt 1–2 phút, lực vừa đủ sao cho có cảm giác căng tức.
Có thể làm 2–3 lần/ngày, kết hợp hít thở sâu, thả lỏng cơ thể.
Không bấm khi đang quá đói, quá no, hoặc ngay sau vận động mạnh.

Cần đặc biệt lưu ý phân biệt đau đầu do căng thẳng với các đau đầu khác có những biểu hiện đôi khi rất giống nhau như đau nửa đầu, đau đầu do tăng huyết áp, đau đầu cụm…

Một số trường hợp đau đầu chỉ là dấu hiệu cảnh báo của một vấn đề nghiêm trọng, vì vậy tuyệt đối không được chủ quan, đặc biệt với các dấu hiệu như đau đầu dữ dội bất thường, kéo dài liên tục, ngày càng nặng hơn, kèm theo các triệu chứng bất thường như sốt cao, cứng cổ, các triệu chứng thần kinh như mờ mắt, yếu tay chân… Trong những trường hợp này cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mời bạn xem tiếp video:

Kết hợp đông tây y trong điều trị đau đầu | SKĐS

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/9-huyet-vi-giup-giam-dau-dau-do-cang-thang-169250508114101172.htm