ADB dự báo lạm phát châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục hạ nhiệt
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố ấn phẩm Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 7/2025, trong đó điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong hai năm tới, đồng thời ghi nhận tín hiệu tích cực từ xu hướng giảm của lạm phát nhờ giá dầu giảm.
Theo ADB, tăng trưởng kinh tế khu vực dự kiến đạt 4,7% trong năm 2025, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4. Dự báo cho năm 2026 cũng được hạ nhẹ, từ 4,7% xuống 4,6%. Việc điều chỉnh này phản ánh xuất khẩu sụt giảm do Mỹ tăng thuế nhập khẩu, nhu cầu nội địa yếu hơn kỳ vọng, và môi trường thương mại toàn cầu thiếu ổn định.

Ảnh minh họa.
Mặc dù triển vọng tăng trưởng suy yếu, lạm phát tại các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục hạ nhiệt nhờ giá dầu giảm và sản lượng nông nghiệp cải thiện. ADB cho biết, lạm phát khu vực có thể chỉ ở mức 2,0% năm 2025 và 2,1% năm 2026, thấp hơn so với dự báo trước đó là 2,3% và 2,2%.
Ông Albert Park - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định: “Châu Á - Thái Bình Dương đang ứng phó khá tốt trước những thách thức từ môi trường bên ngoài, tuy nhiên các rủi ro ngày càng tăng như thuế quan, căng thẳng địa chính trị và bất động sản Trung Quốc khiến triển vọng kinh tế trở nên mong manh hơn”. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hội nhập khu vực và cải cách kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Trong số các nền kinh tế lớn, Trung Quốc được giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 4,7% cho năm 2025 và 4,3% cho năm 2026, với kỳ vọng các biện pháp kích cầu sẽ phần nào bù đắp tác động từ thị trường bất động sản đang suy yếu. Ấn Độ bị điều chỉnh nhẹ, còn 6,5% trong năm 2025 và 6,7% năm 2026, do ảnh hưởng từ thuế quan và bất ổn thương mại.
Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á được dự báo chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ điều kiện thương mại suy giảm. Tăng trưởng của tiểu vùng này được điều chỉnh xuống 4,2% trong năm 2025 và 4,3% trong năm 2026, giảm 0,5 điểm phần trăm so với các dự báo trước.
Đối với Việt Nam, ADB đánh giá triển vọng vẫn tích cực dù phải đối mặt với những áp lực ngắn hạn từ môi trường thuế quan mới. Trong nửa đầu năm 2025, tăng trưởng xuất - nhập khẩu, giải ngân đầu tư công và FDI đều đạt mức cao. Tuy nhiên, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Việt Nam dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm và năm 2026. Dù vậy, nếu các cải cách trong nước được đẩy mạnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng duy trì sự ổn định trong trung hạn.