Bác Hồ tự học và học tập suốt đời

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc. Ảnh: TƯ LIỆU

Bác Hồ, Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, nhà tư tưởng giáo dục, nhà sư phạm thực tiễn vĩ đại, đồng thời là một tấm gương sáng ngời về tự học và học tập suốt đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định mục đích của tự học và học tập suốt đời: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân (1),”ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình (2), “học tập để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm (3), “phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi” (4).

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 6/5/1950, Người nói: “Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người phải ghi nhớ và thực hành điều đó” (5). Người còn cho treo trong phòng họp lời dạy của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” (6). Người coi lời dạy của Lênin và Khổng Tử là phương châm sống và hành động trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Cũng tại hội nghị này, Người nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học” (7). Người còn xác định: “Không phải có thầy thì học, không thầy đến thì đùa. Phải biết tự động học tập” (8).

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), khi nói về cách học tập, Người viết: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào” (9).

Thân phụ của Người, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là thầy dạy chữ Hán cho Người. Nhờ chăm học và học rất giỏi, sau này Người sử dụng thành thạo chữ Hán trong sáng tác thơ Đường. Quách Mạt Nhược, nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc, đã từng nói rằng, nếu để một số bài thơ Đường trong tập Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh những bài thơ Đường bất hủ thì e khó mà phân biệt nổi.

Khi theo thân phụ vào Huế, Người học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, rồi Trường Quốc học Huế, Người rất yêu thích học tiếng Pháp. Trong cuộc biểu tình chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, Người đã từng làm phiên dịch giúp cho những người biểu tình đề đạt nguyện vọng, đấu tranh với viên Khâm sứ Pháp.

Ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911), trên tàu Latouche Tréville, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên mới Văn Ba đã nêu cao ý chí tự học: “Mỗi ngày, đến 9 giờ tối công việc mới xong…, Anh mệt lừ, trong khi mọi người nghỉ hay đánh bài, Anh đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm”.

Trong thời gian ở thị trấn Saint Adret, làm vườn cho gia đình viên chủ hãng tàu, Người học tiếng Pháp. Khi gặp những từ mới, Người viết vào một tờ giấy dán vào chỗ dễ thấy, có khi viết vào cánh tay để trong lúc làm việc vẫn học được. Cả khi đi đường, Người cũng nhẩm những từ mới học. Và cứ như thế, mỗi ngày, Người học thêm vài từ mới và tìm cách ghép câu để dùng ngay. Sau đó không lâu, Người học cách viết báo. Người bắt đầu viết được những bài báo ngắn với sự giúp đỡ của ông chủ bút báo “Đời sống thợ thuyền”. Sau đó, Người viết những bài báo dài hơn. Khi Người viết được những bài báo dài, ông ta lại khuyên Người viết ngắn lại. Anh nhanh chóng trở thành nhà báo có uy tín tại thủ đô nước Pháp. Người là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) với nội dung đầy sức chiến đấu, lên án chủ nghĩa thực dân Pháp, đấu tranh cho quyền lợi của người lao động.

Cuối chiến tranh thế giới lần thứ nhất, từ Anh trở lại Pháp, Người viết bài cho các báo, tạp chí và viết sách bằng tiếng Pháp. Những bài đăng trên các báo Le Paria, Thư tín Quốc tế, Đời sống công nhân…, đặc biệt là tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã minh chứng cho sự thành công của việc tự học của Người.

Được sự giúp đỡ của Nghị sĩ Quốc hội Pháp là P.V.Couturier, Người có thẻ đọc thường xuyên của thư viện Pháp nằm trên đường Richelieu. Tại đây, Người khai thác được nhiều tài liệu cho việc nghiên cứu và đấu tranh chính trị.

Chỉ trong một thời gian chưa đầy 10 năm sống ở Pháp, người thanh niên có chí khí ấy đã học hỏi được nhiều điều bổ ích cần thiết cho sự nghiệp cách mạng của mình. Thường, Người chỉ làm việc buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều thì đi đến thư viện hoặc dự những buổi nói chuyện chính trị. Tối đến, Người dự mit tinh ở Paris.

“Về văn học, ông Nguyễn thích đọc Shakespeare và Dickens bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và Hugo, Zola bằng tiếng Pháp. Anatole France và Léon Tolstoi có thể là những người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn”(10).

Sự miệt mài đèn sách của Nguyễn Tất Thành trong những năm đầu ở Pháp là như thế đấy. Người còn đi du lịch nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức và cả Tòa thánh Vatican để bổ sung những điều Người đã đọc trong sách vở. Ngoài các cuộc đi du lịch, Người không thích chơi bời gì khác.

Khi đến Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại, làm việc ở Bộ Phương Đông, học ở Trường Quốc tế Lênin, nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc học và thuộc địa, Người tự học tiếng Nga thật vất vả, nhưng đã nhanh chóng thành công. Người đã viết bài đăng báo, tạp chí và đã hoàn thành chương trình học tập ở Trường Quốc tế Lênin.

Không dừng lại ở những ngoại ngữ đã biết, Người đã nỗ lực tiếp tục học thêm một số ngoại ngữ khác. Năm 1928, khi hoạt động cách mạng tại Thái Lan, Người đã tự học thêm tiếng Thái. Mỗi ngày học 10 chữ, và chỉ sau ba tháng, Người đã xem được báo chữ Thái.

Tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (năm 1935), với bí danh Lin, khi khai lý lịch, trả lời câu hỏi về trình độ học vấn (tiểu học, trung học, đại học), Người ghi: Tự học. Trả lời câu hỏi: Đồng chí biết những ngoại ngữ nào? Người ghi: Anh, Pháp, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga.

Người đến với chủ nghĩa cộng sản bằng con đường tự học. Sự tự học của Người gắn chặt với mục tiêu lý tưởng mà mình phấn đấu.

Người luôn luôn nhắc nhở đồng chí của mình và thế hệ trẻ phải nỗ lực học và tự học. Người ân cần dạy bảo: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (11). Trong Bài nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, ngày 9/12/1961, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ… thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm… Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi nạnh kẹ…”(12).

Tấm gương tự học và học tập suốt đời của Người sống mãi với muôn đời các thế hệ con cháu mai sau.

---------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập - NXB CTQG-H-2011-T6-tr 208.

(2) Sđd -T12-tr 527.

(3) Sđd-T8-tr 143.

(4) Sđd-T11-tr 602.

(5) (6) (7) (8) Hồ Chí Minh Toàn tập-NXBCTQG-H-1996-Sdđ-T6-tr 46-50.

(9) Sđd-T5-tr 273.

(10) Nguyễn Ái Quốc ở Paris (1917-1923)-NXB CTQG-H-2002-tr 66-67.

(11) Hồ Chí Minh Toàn tập-NXB CTQG-H-1996-T8-tr 215.

(12) Sdđ-T10-tr 465.

NGUYỄN XUYẾN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/239565/bac-ho-tu-hoc-va-hoc-tap-suot-doi.html