Bách nghệ trình làng - Sự hồi sinh của một tích trò độc đáo

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trò 'Bách nghệ trình làng' ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, tưởng chừng như đã bị mai một từ lâu, nhưng sau bao nỗ lực phục dựng của người dân địa phương và chính quyền các cấp, tích trò này nơi Đất Tổ lại một lần nữa được hồi sinh.

Bách nghệ trình làng, tinh hoa vùng Đất Tổ

Dị Nậu là vùng đất cổ có niên đại hàng nghìn năm, với nhiều di sản văn hóa dân gian đặc sắc như đền Quốc Tế hay hệ thống cây di sản. Đặc biệt, đây là nơi khai sinh trò “Bách nghệ trình làng” hay “Bách gia chi nghiệp”, một tích trò cổ xưa có nguồn gốc từ thời Hùng Vương dựng nước. Trước kia, trò Bách nghệ trình làng được người dân Dị Nậu tổ chức vào mùng 4 tháng Giêng hằng năm, nhưng do chiến tranh cùng với các điều kiện khách quan khác nên suốt từ năm 1949 đến năm 2015, tích trò này không được diễn. Phải đến năm 2016, tích trò “Bách nghệ trình làng” mới được các diễn viên không chuyên biểu diễn rộng rãi trở lại.

Tích trò “Bách nghệ trình làng” thường gồm nhiều nhân vật (khoảng 20 người), trong đó không thể thiếu vai hề trò, chủ trò, người đi bừa, người thợ cấy, ông lão đánh cá, thợ sơn, thợ mộc, thợ cắt tóc, thầy đồ, sĩ tử, tiểu đồng... Các đạo cụ dùng biểu diễn đều là những vật dụng quen thuộc trong đời sống hằng ngày như: chiếc bừa cũ, cuốc mòn, chiếc giỏ đựng cá, tôm, thùng sơn...

 Các diễn viên không chuyên chụp ảnh kỷ niệm trước sân Đình Dị Nậu - Ảnh: Tạ Đình Hạp

Các diễn viên không chuyên chụp ảnh kỷ niệm trước sân Đình Dị Nậu - Ảnh: Tạ Đình Hạp

Các hoạt cảnh được người dân diễn trong tích trò “Bách nghệ trình làng” như các tiểu phẩm hài kịch, thể hiện bằng hình thức diễn xướng nhằm tái hiện bức tranh cuộc sống muôn màu của người dân, từ làm nông, làm sơn, đến dạy học... Khi diễn, các diễn viên “lão nông tri điền” nhập vai thuần thục trong các tích trò. Hết cô thợ cấy, anh thợ sơn đến ông lão đánh cá… lần lượt xuất hiện qua lối kể chuyện bằng thơ đầy súc tích, gợi hình, gợi cảm và đậm tính khôi hài trong mỗi tiểu phẩm, qua đó tạo ra những mẩu chuyện vui, tiếng cười sảng khoái mà mang đầy ý nghĩa răn đời.

Sau hàng thập kỷ thất truyền, tích trò “Bách nghệ trình làng” ở Dị Nậu đã được sưu tầm và phục dựng gần như đầy đủ, góp phần lưu giữ trò diễn xướng dân gian có giá trị nhân văn sâu sắc từ Hùng Vương. Qua tích trò, người dân hiểu rõ hơn về cội nguồn của người Việt, về câu chuyện truyền thuyết kể khi các ngài Cao Sơn, Quý Minh, Hiếu Lang là quân của Tản Viên Sơn Thánh về dạy dân làng Dị Nậu cấy lúa, cày bừa, đơm cá...

 Tích trò “Bách nghệ trình làng” biểu diễn tại Trại Văn hóa huyện Tam Nông, Phú Thọ. Ảnh: Tạ Đình Hạp

Tích trò “Bách nghệ trình làng” biểu diễn tại Trại Văn hóa huyện Tam Nông, Phú Thọ. Ảnh: Tạ Đình Hạp

Nói về sự hồi sinh của tích trò “Bách nghệ trình làng”, ông Đoàn Văn Lực - Phó chủ tịch UBND xã Dị Nậu, cho biết: “Khôi phục tích trò “Bách nghệ trình làng” có ý nghĩa hết sức quan trọng, mọi người trong xã nhất mực ủng hộ, bởi khi kinh tế phát triển thì những món ăn tinh thần rất quan trọng với đời sống nhân dân. Do vậy, “Bách nghệ trình làng” đang được xã, huyện hoàn tất thủ tục hồ sơ để đề nghị Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.

Người “giữ lửa” cho tích trò “Bách nghệ trình làng”

Để tìm hiểu về quá trình phục dựng và hồi sinh tích trò “Bách nghệ trình làng”, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận có chuyến điền dã về xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Đến Dị Nậu vào những ngày sang thu, chúng tôi cảm nhận được sự hối hả của người dân trong lao động sản xuất. Mặc dù người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, vất vả với ruộng đồng từ sáng đến tối, nhưng điều này không làm họ quên đi nhu cầu giải trí, nuôi dưỡng tinh thần văn hóa văn nghệ qua các tích trò từ lâu đã nổi tiếng ở vùng đất này. Mỗi khi màn đêm buông xuống, người dân Dị Nậu cùng nhau xum vầy để truyền lại những tinh hoa của tích trò “Bách nghệ trình làng”. Sau bao vất vả của một ngày lao động, người dân lại được thoải mái vui cười qua những tích trò, từ đó tạo niềm hứng khởi, lạc quan cho một ngày lao động mới.

 Các thành viên CLB tích trò “Bách nghệ trình làng” luyện tập tại sân Đình Dị Nậu - Ảnh: Tạ Đình Hạp

Các thành viên CLB tích trò “Bách nghệ trình làng” luyện tập tại sân Đình Dị Nậu - Ảnh: Tạ Đình Hạp

Nói đến tích trò “Bách nghệ trình làng”, người dân Dị Nậu vẫn nhắc đến người đã có công phục dựng lại nó. Đó là ông Tạ Đình Hạp - nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú (nay là Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ), vì muốn lưu giữ lại di sản văn hóa độc đáo của làng với những bài học về lao động sản xuất, về tình làng nghĩa xóm hay về văn hóa ứng xử… đã dày công sưu tầm, phục dựng tích trò.

Gặp chúng tôi, ông Hạp rất vui mừng và phấn khởi khi biết có phóng viên về tìm hiểu tích trò do ông là người tìm kiếm, phục dựng lại. Ông kể, việc sưu tầm và biên soạn tích trò “Bách nghệ trình làng” là một kỳ công. Bởi vì, từ khi ngôi đình, chùa bị giặc Pháp đốt vào năm 1949, trong suốt 64 năm, tích trò “Bách nghệ trình làng” bị rơi vào quên lãng. Nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa dân gian mang đậm bản sắc của làng xã nói riêng và dân tộc nói chung, ông chủ động sưu tầm các tư liệu từ Trung ương đến địa phương, tìm gặp các nghệ nhân cao niên trong làng, ngoài xã nhằm ghi lại nội dung của tích trò, để lưu giữ về sau.

 Ông Tạ Đình Hạp, người có công rất lớn trong việc sưu tập và phục dựng tích trò “Bách nghệ trình làng” - Ảnh: Thanh Hoài

Ông Tạ Đình Hạp, người có công rất lớn trong việc sưu tập và phục dựng tích trò “Bách nghệ trình làng” - Ảnh: Thanh Hoài

Ông chia sẻ: “Quá trình đi tìm kiếm những tư liệu còn sót lại gặp rất nhiều khó khăn và vất vả. Mình tôi đi chiếc xe đạp cũ chạy hết làng trên, xóm dưới để tìm các bậc cao niên còn nhớ về tích trò xưa. Điều làm tôi nhớ nhất trong hành trình phục dựng tích trò “Bách nghệ trình làng” là khi đến nhà các cụ cao niên hỏi về tích trò, thì các cụ chỉ nhớ được một vài câu, không đầy đủ. Có cụ nhớ ra được thì đang đêm khuya, nên không thể nhờ ai hay gọi tôi đến ghi chép”.

Cái khó của người đi chắp vá những gì còn sót lại gian nan là thế, nhưng cuối cùng ông Hạp cũng hoàn thành sứ mệnh “giữ lửa” khi tất cả tích trò “Bách nghệ trình làng” được sưu tầm gần như đầy đủ. Ông chia sẻ rằng, trong quá trình tìm tòi những gì còn sót lại của tích trò, ông bị nhiều người đánh giá là đang “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nhưng ông kệ, vẫn quyết theo đuổi khát khao cháy bỏng của mình. Với đồng lương ít ỏi, ông dành hết cho công việc thu thập thông tin về các tích trò xưa. Khó khăn lớn nhất ông nghĩ là yếu tố con người, người già thì không nhớ được, người trẻ lại không biết hết, nên ông cứ cóp nhặt từng chút một.

Sau 3 năm tìm tòi chắp nhặt, ông Hạp đã tái hiện lại gần như toàn bộ tích trò xưa và ra mắt trình diễn cho làng xóm xem vào năm 2013. Tuy nhiên, phải đến 2015 thì “Bách nghệ trình làng” mới được người trong xã biết đến, và năm 2016 tích trò được biểu diễn tại lễ hội Đền Hùng. Từ đây, mọi người mới biết có một tích trò hay đến thế.

Ông Hạp cho biết, sau khi được phục dựng lại tích trò, ông thành lập câu lạc bộ tích trò “Bách nghệ trình làng” gồm 8 thành viên, chủ yếu là những người đã ngoài 60 tuổi song họ rất hăng hái tập luyện. Các diễn viên tuy là những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn nhưng trên sân khấu lại hóa thân thành những nhân vật xuất chúng với lối diễn hài hước, dí dỏm, mang đến niềm vui cho người dân làng trên, xóm dưới.

Bà Hán Thị Ngôn - đội trưởng Đội văn nghệ “Bách nghệ trình làng”, chia sẻ: “Sau 64 năm thất truyền nay được phục dựng lại, tôi thấy rất phấn khởi. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc và thứ tài sản vô giá của nhân dân xã Dị Nậu. Chúng tôi sẽ đem hết tâm huyết và công sức để làm sao chèo lái đội văn nghệ “Bách nghệ trình làng” hoạt động hiệu quả, mang đến niềm vui cho người dân trong xã”.

Những năm gần đây, “Bách nghệ trình làng” dần trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của người dân Dị Nậu. Mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân lại có cơ hội trình làng và tự hào với nghề truyền thống của cha ông.

Trống nghiêng giục giã rộn ràng

Diễn trò Bách nghệ đã ngàn năm qua

Tích này là của ông cha

Lệ mồng bốn Tết trình ra hội làng

Trước là lễ thánh cầu an

Sau khi mở hội cả làng hoan ca

Kính chào quý khách gần xa

Mười chòm, bốn giáp đậm đà tình thân

Thôn trang trảy hội đầu xuân

Trẻ già nô nức trống ngân rộn ràng

Bách nghệ hài kịch cười vang

Xin được trình diễn mở màn vui xuân

Trong không gian yên bình của làng quê Bắc Bộ, thanh âm của những câu hát vui nhộn và đậm tính nhân văn của “Bách nghệ trình làng”, chúng tôi bất giác có cảm nhận như được nghe thấy tiếng nói từ ngàn xưa vọng về. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tiếng già, tiếng trẻ quyện vào nhau vồn vã vẫn ăm ắp đủ đầy giá trị tinh hoa của dân tộc. Xuân nối xuân, người Dị Nậu đang nối nhau lưu giữ những lời ca, câu hát, để trò “Bách nghệ trình làng” lưu truyền mãi với thời gian.

Thanh Hoài

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bach-nghe-trinh-lang--su-hoi-sinh-cua-mot-tich-tro-doc-dao-post262617.html