Bài tập cho người bệnh loét dạ dày tá tràng

Để phòng ngừa và giảm triệu chứng của loét dạ dày tá tràng, ngoài việc duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc khoa học thì tập luyện các bài tập thể dục cũng rất quan trọng. Việc thực hiện một số bài tập giúp hỗ trợ điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe.

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh loét dạ dày tá tràng

NỘI DUNG:::

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh loét dạ dày tá tràng

2. Một số bài tập giúp hỗ trợ người bệnh loét dạ dày tá tràng

Bài tập 1: Kích thích tiêu hóa

Bài tập 2: Động tác xoa bụng

Bài tập 3 : Động tác giữ tay, chân đạp

Bài tập 4: Động tác gập người

Bài tập oga

3. Những lưu ý khi tập luyện ở người bệnh loét dạ dày tá tràng

Với người bệnh loét dạ dày tá tràng, chế độ vận động, tập luyện thể thao có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị bệnh.

Bệnh loét dạ dày tá tràng do 3 nhóm nguyên nhân chính gây ra, bao gồm: Vi khuẩn, chế độ ăn uống sinh hoạt không khoa học và tâm lý căng thẳng (stress).

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra khoảng 70% các trường hợp loét dạ dày tá tràng hồi phục chậm là do tâm lý căng thẳng. Một trong những cách giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện sức khỏe hiệu quả là hoạt động thể dục, thể thao.

Hình ảnh loét dạ dày tá tràng.

Hình ảnh loét dạ dày tá tràng.

Do đó, có thể nói luyện tập thể dục nói chung, nếu thực hiện đúng cách, đúng đối tượng sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, cải thiện sức khỏe.

Ngoài ra, lựa chọn các bài tập thể dục, thể thao phù hợp còn mang đến nhiều lợi ích cho người bị loét dạ dày tá tràng như:

Giúp hỗ trợ, tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khỏe.
Kích thích nhu động ruột.
Hỗ trợ giảm cân, qua đó làm giảm áp lực lên dạ dày.
Tăng cường sức mạnh ở các cơ bụng, giúp hỗ trợ tốt hơn cho dạ dày.

Cải thiện lưu thông máu, giảm hiện tượng sưng viêm trong dạ dày.

2. Một số bài tập giúp hỗ trợ người bệnh loét dạ dày tá tràng

Bài tập 1: Kích thích tiêu hóa

Đứng ở tư thế thẳng, chân rộng bằng vai và đưa 2 tay thẳng lên trời. Đếm theo nhịp và từ từ ngồi xuống tay vẫn giữ ở tư thế thẳng đứng. Nhịp thở đều đặn nhịp nhàng, khi đứng lên hít vào và ngồi xuống thở ra.

Tập động tác này kiên trì trong khoảng 5-10 phút sẽ giúp kích thích hoạt động co bóp tiêu hóa thức ăn, hạn chế tích lũy mỡ thừa tại vùng bụng. Vừa giúp giảm bệnh viêm loét dạ dày lại có thể giúp giảm mỡ bụng.

Bài tập 2: Động tác xoa bụng

Một số động tác xoa nhẹ nhàng cũng giúp hỗ trợ giảm cơn đau dạ dày:

Cách thực hiện: Đặt 2 tay chồng lên nhau rồi xoa bụng nhẹ nhàng tại vị trí vùng thượng vị. Xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ vừa xoa vừa ấn nhẹ nhẹ để kích thích tiêu hóa. Một số trường hợp có thể dùng ít dầu nóng xoa lên vùng bụng để nhiệt độ cao kết hợp với massage sẽ giúp giảm cơn đau do loét dạ dày tá tràng nhanh chóng.

Bài tập 3: Động tác giữ tay, chân đạp

Tư thế nằm ngừa trên mặt phẳng sàn hoặc thảm, 2 tay giơ song song trước mặt rồi đưa một chân lên dùng tay giữ đầu gối khoảng 30 giây rồi lại bỏ xuống và tiếp tục với bên chân còn lại. Kiên trì tập liên tục khoảng 10 phút là được, cách này giúp cơ bụng săn chắc, dạ dày tiêu hóa thức ăn, phòng ngừa những tổn thương dạ dày tá tràng có thể gặp.

Bài tập 4: Động tác gập người

Tư thế đứng thẳng, 2 chân để rộng bằng vai, nhịp 1 đưa tay lên trời mắt nhìn theo tay, nhịp 2 từ từ cúi gập người xuống, tay chạm ngón chân cái, nhịp 3 tay đưa về tư thế để ngang vai và nhịp 4 trở về tư thế ban đầu. Thực hiện động tác này 4 lần, 8 nhịp liên tục sẽ giúp cải thiện bệnh nhanh chóng.

Bài tập Yoga

Tập thở Yoga

Ngồi khoanh đầu gối, chân phải đè bàn chân lên đùi chân trái và ngược lại. Hai tay để lên hai đầu gối, cong ngón cái và ngón trỏ chạm nhau, các ngón khác duỗi thẳng và ngồi thẳng lưng.

Hít vào và thở ra tới khi thấy mệt thì hít lấy không khí vào, giữ nhịp đồng thời dùng tay bịt hai lỗ mũi và thở ra nhẹ nhàng. Lặp lại bài tập này nhiều lần trong khoảng từ 1 - 5 phút, hỗ trợ giảm cơn đau do loét dạ dày tá tràng.

Tư thế con châu chấu

Nằm úp trên sàn, hít thở chậm và sâu qua mũi, sau đó nâng nhẹ đầu và tì cằm trên sàn nhà, giữ chặt bàn tay và cánh tay. Giữ chặt hai chân và nâng lên càng cao, càng nhanh càng tốt, giữ nguyên tư thế này trong 5-6 giây hoặc ít hơn rồi thở ra. Từ từ hạ hai chân xuống, nghiêng đầu, đặt má xuống sàn nhà. Nghỉ 5 giây và lặp lại các bước thêm vài lần sẽ giúp cải thiện tình trạng đau dạ dày.

Tư thế con châu chấu.

Tư thế con châu chấu.

Tư thế cái cung

Nằm sấp trên sàn, co hai đầu gối lên trên và dùng hai tay duỗi thẳng ra sau nắm lấy hai cổ chân. Chú ý để phần đầu và ngực nâng lên tạo cho cơ thể giống như một mũi tên. Sau đó hướng người lên, tập trung toàn bộ trọng lượng ở vùng bụng. Giữ nguyên tư thế này cho đến khi cơ thể không chịu đựng được, sau đó từ từ trở về tư thế ban đầu rồi lặp lại một vài lần nữa.

Tư thế cái cung.

Tư thế cái cung.

3. Những lưu ý khi tập luyện ở người bệnh loét dạ dày tá tràng

Khi bệnh loét dạ dày tá tràng đang tiến triển, chảy máu dạ dày, đau nhiều thì người bệnh chưa nên tập thể dục thể thao. Khi bệnh ở giai đoạn ổn định không có triệu chứng đau và rối loạn tiêu hóa, hoặc vết loét đã điều trị liền sẹo, hoặc đã được phẫu thuật thì nên tập, giúp nâng cao sức khỏe.

Trước hết, cần tập các động tác từ đơn giản đến phức tạp: tập thở sâu, đi bộ, thư giãn, thể dục rồi chơi các môn thể thao nhẹ, vừa với sức mình như tập chạy, tập bơi, đá cầu, bóng bàn, cầu lông... nhưng cần chơi có điều độ với nguyên tắc phải thực hiện dần, tăng thời gian từ ít đến nhiều, từ chậm tới nhanh..., không ham mê quá mức để cơ thể bị mệt mỏi sẽ có hại.
Không nên chơi các môn thể thao đòi hỏi tốn nhiều sức như đá bóng, cử tạ, chạy tốc độ nhanh... Tuyệt đối không tập ngay sau khi ăn.
Những người có tiền sử đau dạ dày, loét dạ dày tá tràng và từng phẫu thuật, nội soi, thì tuyệt đối không nên tập thể hình, vì nó sẽ khiến việc tổn thương, chảy máu và càng nặng hơn.
Khi bệnh ở giai đoạn ổn định, đã điều trị liền sẹo hoặc đã được phẫu thuật giải quyết tốt thì nên tập luyện vừa sức, phù hợp sức khỏe.
Tuyệt đối tránh các bài tập tác động nặng lên cơ bụng, vì khi đó sẽ khiến dạ dày bị tổn thương hơn.
Nên tập vào buổi sáng sớm hoặc sau khi ăn ít nhất 2 giờ.
Kiên trì tập luyện, mỗi ngày nên dành khoảng 30 phút đến 1 giờ để tập luyện, giúp cải thiện bệnh lý, nâng cao sức khỏe.

Cần tạo thói quen ăn uống đúng giờ, không ăn thức ăn khó tiêu, thức ăn chứa nhiều acid, tránh xa các chất kích thích ( như rượu, bia, cà phê...).
Không nên ăn no trước khi đi ngủ, nếu đói chỉ nên uống 1 ly sữa ấm vừa có tác dụng xoa dịu, vừa giúp bảo vệ dạ dày, vừa giúp bạn ngủ ngon hơn.
Cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giải tỏa stress, luôn giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, lạc quan... chính là biện pháp giúp hỗ trợ phòng ngừa loét dạ dày tá tràng nói riêng và các bệnh khác nói chung.

BS. Nguyễn văn Tứ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-nguoi-benh-loet-da-day-ta-trang-169240820152152446.htm