Bất ngờ ở Khuôn Lăn
Nằm gọn giữa một thung lũng, bốn bề là đồi núi, bản làng người Nùng Khuôn Lăn nhỏ xinh với gần 50 hộ dân người Nùng sinh sống. Nơi đây chứa đựng biết bao điều bất ngờ, thú vị từ những lệ làng và phong tục đặc biệt, đầy tính nhân văn…
Hương ước độc đáo
“Ở đây đi nhà nào tích cực tham gia việc chung của thôn thì cuối năm đều được thưởng tiền đấy!”, thấy đôi mắt tôi đầy sự ngạc nhiên, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Khuôn Lăn, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) Vương Văn Ngấn hào hứng tiếp lời: “Năm 2024, hộ Hoàng Văn Bào được 2 triệu đồng, hộ Nông Văn Mão, Mông Thị Xuân được 1,5 triệu đồng,…
Anh tự nhớ và đọc vanh vách mà không cần nhìn vào sổ sách nào. Anh bảo, kết quả này thì cả thôn đều thuộc chứ không phải mỗi mình cán bộ thôn đâu. Việc này mọi người đều quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình, nó thành cái lệ ở làng từ bao đời nay rồi.
Hỏi ra mới hay, nguồn tiền thưởng ấy được trích ra từ quỹ chung của thôn. Trong đó một phần kinh phí là từ những người vắng mặt, không kịp tham gia vào việc chung của thôn. Họ vui vẻ tự nguyện góp quỹ (thường là 150 nghìn đồng/người).
Anh Ngấn giải thích: “Từ nhiều năm nay trong hương ước của thôn đã có quy định, người dân tích cực tham gia các hoạt động của thôn sẽ được thưởng 150 nghìn đồng/lần. Hương ước tồn tại từ mấy đời nay rồi, từ lúc có quy định phần thưởng là gạo, thóc đến thưởng tiền 20 nghìn đồng, 50 nghìn đồng, nay là 150 nghìn đồng. Bản hương ước đặc biệt này ra đời, qua nhiều lần sửa đổi, những hộ dân nơi đây vẫn luôn tuân thủ nghiêm ngặt. Họ sống thủy chung, đoàn kết, giữ gìn nét đẹp văn hóa người Nùng, xây dựng kinh tế phát triển.

Người dân Khuôn Lăn, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Nùng.
Bà Mông Thị Thì chia sẻ “Đi họp thôn là trách nhiệm và nghĩa vụ rồi, mình vừa được tuyên truyền, phổ biến kiến thức lại được thưởng tiền nữa nên ai cũng cố gắng sắp xếp để được đi họp đủ, đúng giờ. Từ nhiều năm nay chúng tôi luôn ủng hộ quy định của hương ước”.
Những hoạt động tập thể, đóng góp xây dựng công trình công cộng hay lao động công ích khi được thôn huy động, nếu hộ nào không tham gia được đều sẵn sàng tự nguyện đóng góp vào quỹ 150 nghìn đồng. Điều đáng nói là số tiền thu được không dùng vào những buổi liên hoan hay chi tiêu chung mà được dành để thưởng cho những hộ đi họp đều đặn, tích cực tham gia các hoạt động của làng.
Ở nhiều nơi khác, việc vận động người dân đóng góp theo lệ làng thường có không ít những cản trở. Nhưng ở Khuôn Lăn, mọi “lệ” đều được người dân chấp hành một cách nghiêm túc. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vương Văn Ngấn cũng khẳng định: “Dân ủng hộ nhiệt tình lắm vì ai cũng hiểu, quy định này mang tính xây dựng cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn, xóm bản đoàn kết hơn, gần gũi nhau hơn. Bởi có đi họp mới hiểu được chủ trương, chính sách, rồi tất cả đồng lòng, đồng sức tham gia việc chung, có thế bản làng mới phát triển được. Thế nên ở đây ai cũng cố gắng thu xếp tham gia việc làng việc bản, trừ lúc nào bận rộn lắm mới phải xin nghỉ”.
Vùng quê đáng sống
Đặt chân đến Khuôn Lăn, có lẽ điều khiến bất cứ ai cũng ngạc nhiên và thích thú là câu chuyện về “mật khẩu wifi chung”. Ở đây, không có sự riêng tư, không có sự “giấu giếm”, đều vô tư, thoải mái đặt một mật khẩu wifi chung, đơn giản dễ nhớ, san sẻ kết nối internet như một lẽ tự nhiên. Bà Mông Thị Xuân bảo “bản làng mình đã tách biệt nằm trọn giữa một thung lũng, kết nối mạng 4G, 5G cũng khá là yếu mà thời buổi hiện đại rồi, ai cũng cần internet để kết nối thế giới bên ngoài, xem kiến thức, tin tức xã hội. Thế nên nhiều nhà lắp Wifi đều vui vẻ chia sẻ mạng”.
Sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau ấy dường như đã thấm sâu vào nếp sống của người dân nơi đây. Không chỉ vậy, tình đoàn kết ở Khuôn Lăn còn được thể hiện một cách rõ nét trong việc xây dựng nhà cửa. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vương Văn Ngấn chia sẻ, từ nhiều năm về trước, cứ đến lượt nhà nào có nhu cầu xây dựng, cả làng lại chung tay góp sức, người góp của, người góp công.

Những con đường làng ở Khuôn Lăn được bê tông hóa sạch đẹp.
Năm nay, mọi người cùng nhau tích cóp cho gia đình này dựng nhà khang trang, năm sau lại đến lượt gia đình khác. Cứ thế, những ngôi nhà kiên cố, ấm áp dần mọc lên, san sát nhau, minh chứng cho sức mạnh của tinh thần tập thể. Nhờ vậy, Khuôn Lăn hôm nay khoác lên mình một diện mạo tươi mới, trù phú giữa một thung lũng bốn bề là đồi núi xanh tươi.
Giữa cuộc sống ngày càng hiện đại hóa, khi nhiều vùng quê đang dần bị “hòa tan” bởi những yếu tố bên ngoài, người Nùng ở Khuôn Lăn vẫn ý thức sâu sắc về việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt, mỗi gia đình ở Khuôn Lăn lại có những cách riêng để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Ông Nông Văn Lợi chia sẻ: “hằng ngày tôi nói chuyện với con cháu mình bằng tiếng Nùng. Các con cháu nghe dần quen và hiện nay tất cả các con cháu đều nói và hiểu tiếng dân tộc mình. Đó là cách mà mọi gia đình trong thôn đều biết nói tiếng Nùng”.
Ông Nông Văn Mão là một người say mê sưu tầm và lưu giữ những cuốn sách quý bằng tiếng Nùng cổ. Ông coi đó là tài sản vô giá của gia đình và mở những lớp học nhỏ tại nhà, động viên con cháu và những người trẻ trong làng học chữ Nùng. “Mình phải giữ lấy cái chữ của cha ông, đó là gốc rễ của mình”, ông Mão tâm huyết chia sẻ.
Ở một góc khác của Khuôn Lăn, bà Mông Thị Xuân lại có một cách tiếp cận hiện đại hơn để bảo tồn trang phục truyền thống. Bà tự tay may những bộ trang phục Nùng tinh xảo, mang đi bán ở các phiên chợ và không quên khuyến khích lớp trẻ mặc trong những dịp đặc biệt. Bà còn tận dụng mạng xã hội, chụp những bức ảnh con cháu mình trong trang phục truyền thống, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Nùng đến cộng đồng mạng. “Mình phải làm cho con cháu thấy được cái đẹp của trang phục mình, để chúng tự hào và muốn mặc”, bà Thanh tươi cười nói.
Em Nông Thị Trang Thu chia sẻ: “Em có 1 bộ trang phục truyền thống của người Nùng đẹp lắm! Em rất thích khi mặc vào các dịp lễ tết, ngày hội của thôn hay các chương trình văn nghệ”.
Bên cạnh những nét độc đáo, thú vị ở Khuôn Lăn, người Nùng nơi đây được biết đến với đức tính cần cù, ham học hỏi, sáng tạo trong làm kinh tế. Đồng chí Vương Văn Ngấn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn chia sẻ, mấy chục năm về trước dân ở đây chịu khó học hỏi, giàu lên vì trồng sả. Sau khi sả mất giá bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Toàn thôn hiện có 100 ha rừng, hầu như nhà nào cũng có rừng. Hiện nay, bà con từng bước khôi phục lại nghề trồng sả, trồng hương nhu để lấy tinh dầu, từng bước xây dựng thương hiệu tinh dầu sả, tinh dầu hương nhu Khuôn Lăn. Thôn hiện chỉ còn 2 hộ nghèo. Đường trục thôn, đường liên thôn được bê tông hóa 100%; nhà văn hóa kết hợp sân chơi thể thao được xây dựng đạt tiêu chuẩn; hệ thống kênh mương tưới tiêu đều được bê tông hóa; có 1,3 km đường điện thắp sáng...
Chính những nỗ lực thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của mỗi người dân, mỗi gia đình đã góp phần tạo nên một Khuôn Lăn ngày một phát triển đổi mới. Với nhiều lệ làng tốt đẹp, đầy tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, Khuôn Lăn trở thành một vùng quê đáng sống, niềm tự hào của bà con người Nùng nơi đây.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bat-ngo-o-khuon-lan-212367.html