Bệnh ho gà 'tái xuất' tại Đồng Nai sau 3 năm vắng bóng

Mới đây, một trẻ gần 2 tháng tuổi (thành phố Biên Hòa) đã được phát hiện dương tính với virus ho gà.

Tại Đồng Nai, đây là ca bệnh đầu tiên sau 3 năm không ghi nhận ca bệnh nào.

Tiêm vaccine cho trẻ đúng độ tuổi theo khuyến cáo của ngành Y tế để phòng bệnh Ho gà. Ảnh: Bích Nhàn

Tiêm vaccine cho trẻ đúng độ tuổi theo khuyến cáo của ngành Y tế để phòng bệnh Ho gà. Ảnh: Bích Nhàn

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Chưa xác định nguồn lây bệnh ho gà

Ngày 14-5, thông tin từ Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, vừa ghi nhận một bệnh nhi mắc bệnh ho gà. Cụ thể, bệnh nhân là T.M.T.N. (gần 2 tháng tuổi), ngụ khu phố 4C, phường Trảng Dài đã phải nhập viện chữa trị.

Trước đó, ngày 20-4, bé N. có dấu hiệu ho nhẹ, sốt 38 độ C. Triệu chứng ho tăng dần khiến khó ngủ, hay khóc. Mỗi lần bé N. ho thường theo cơn, đỏ mặt. Lo lắng, gia đình đưa đi khám ở phòng khám tư và uống thuốc nhưng bé không đỡ.

Đến ngày 2-5, gia đình đưa bé N. lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) để khám và được lấy mẫu làm xét nghiệm PCR. Kết quả, bé N. dương tính với vi khuẩn ho gà. Hiện tại, bé đỡ ho và vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tính đến hiện tại, bé N. đã được tiêm vaccine viêm gan B và lao tại Bệnh viện Từ Dũ ngay sau khi sinh. Trong thời gian nằm tại bệnh viện chỉ có bà ngoại chăm, sau đó về nhà và không tiếp xúc với ai ngoài người nhà. Điều đáng chú ý là thời gian gần đây, các thành viên trong gia đình bé N. không có ai bị sốt, ho. Do đó, nguồn lây bệnh cho bé vẫn chưa xác định được.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh ho gà ở trẻ gần như đã được phòng ngừa bằng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng 5 trong 1 hoặc vaccine 6 trong 1. Do đó, năm 2016, toàn tỉnh chỉ ghi nhận: 2 ca; 2017: 6 ca, 2018: 28 ca; 2019: 16 ca, 2020: 4 ca, từ 2021-2023: 0 ca; từ đầu năm 2024 đến nay: 1 ca.

Trước tình hình trên, ngành Y tế đã giải thích cho gia đình về bệnh ho gà để người nhà không quá lo lắng, hoang mang nhưng cũng không chủ quan, phối hợp với nhân viên y tế trong hoạt động phòng chống dịch…

Bác sĩ Đặng Công Chánh, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, nhiều năm gần đây, bệnh viện gần như không tiếp nhận chữa trị cho bệnh nhi bị ho gà. Đây là bệnh về đường hô hấp, lây qua giọt bắn nên dễ lây lan và lây lan nhanh, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ học mầm non, mẫu giáo…

“Khi một trẻ bị bệnh, có thể lây lan cho những em bé khác trong cùng lớp nếu em bé chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1 hay 6 trong 1” – bác sĩ Chánh cho hay.

Đặc biệt, những trẻ ở lứa tuổi nhũ nhi (dưới 6 tháng tuổi) mà mắc bệnh dễ bị suy hô hấp, biến chứng nặng khi không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bệnh ho gà có thể gây biến chứng viêm phế quản - phổi, viêm phổi… là nguyên nhân của nhiều ca tử vong ở trẻ hằng năm.

Ngừa bệnh hữu hiệu bằng tiêm vaccine

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Sửu, Phó giám đốc y khoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Âu Cơ cho biết thêm, ở trẻ sơ sinh, bệnh có thể gây ra những khoảng thời gian ngừng thở tạm thời vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng, dẫn đến tử vong.

Bệnh ho gà thường có xu hướng diễn biến ở mức độ nặng nề hơn đối với trẻ em dưới 1 tuổi. Đặc trưng của ho gà là bệnh nhi ho kéo dài cùng tiếng rít the thé (giống tiếng gà). Tuy nhiên, thời gian đầu bị bệnh, các biểu hiện như: sốt, ho, hắt hơi và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, dẫn đến việc chẩn đoán không chính xác nên việc chữa trị sẽ chậm trễ hơn.

“Do đó, khi ba mẹ thấy bé có cơn ho kéo dài cần đưa đến bệnh viện để các bác sĩ khám, xét nghiệm và đưa ra chẩn đoán chính xác. Bởi khi bệnh nhẹ, việc chữa trị sẽ đơn giản hơn. Ngược lại, trẻ ho nhiều dẫn tới suy hô hấp, phải thở máy thì việc chữa trị sẽ phức tạp hơn” – bác sĩ Sửu khuyến cáo.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến hết tháng 3-2024, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

Do đó, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine.

Bệnh ho gà có thể chữa khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Tuy nhiên, sau khi bé khỏi bệnh vẫn cần tiêm đủ vaccine để tránh mắc bệnh trở lại.

Theo bác sĩ Sửu, hiện nay, tỷ lệ trẻ tiêm ngừa vaccine khá cao và đầy đủ nên mần bệnh trong cộng đồng không lớn. Ngoài ra, khi phát hiện ca bệnh, ngành Y tế sẽ thực hiện khoanh vùng ổ dịch, cách ly và xử lý môi trường xung quanh, do đó, khả năng tạo thành dịch bệnh ho gà là khó xảy ra.

Tuy nhiên, với các trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng như bệnh nhân N., các bậc phụ huynh cần lưu ý, người lớn có thể mang mầm bệnh và lây cho em bé qua các hành động ôm, hôn… vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, cần tránh ôm, hôn trẻ.

Bích Nhàn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202405/benh-ho-ga-tai-xuat-tai-dong-nai-sau-3-nam-vang-bong-34d4306/