Biến di sản thành tài sản

Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, trong đó 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh, 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh... Tiềm năng của các di sản là rất lớn, nhưng Việt Nam chưa đánh thức và khai thác hết được giá trị các di sản khi nhiều di sản bị bỏ ngỏ, cất kho, bị xuống cấp trầm trọng...

Quần thể danh thắng Tràng An - 1 trong 8 di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam được UNESCO công nhận. Ảnh: hoangthanhthanglong.com

Quần thể danh thắng Tràng An - 1 trong 8 di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam được UNESCO công nhận. Ảnh: hoangthanhthanglong.com

Theo Cục Di sản văn hóa (DSVH), cùng với các di tích, tiềm năng từ 70.000 DSVH phi vật thể trên cả nước vẫn đang bị bỏ ngỏ, nhất là 571 di sản được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, 15 DSVH phi vật thể được UNESCO ghi danh và 200 bảo tàng lưu giữ hơn 4 triệu hiện vật, trưng bày hàng trăm bảo vật quốc gia...

Các nhà quản lý văn hóa nhấn mạnh, DSVH có vị trí quan trọng hàng đầu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thành quả của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trong thời gian qua là thực tiễn sinh động, khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam vừa là mục tiêu, động lực của quá trình phát triển. Những DSVH không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần khẳng định niềm tự hào dân tộc, mà còn là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần khẳng định vị thế và bản sắc văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới.

Đơn cử, các DSVH có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Số lượng khách du lịch và doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ ngày càng tăng từ các DSVH đã góp phần cùng ngành du lịch tăng tốc, năm 2023, đón 12,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 108,2 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng.

Tại các khu DSVH hình thành các tuyến, điểm du lịch với các hình thức du lịch bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch làng vườn, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch biển... vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Ngoài ra, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nhất là làng nghề truyền thống, nghệ thuật biểu diễn truyền thống được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Từ đó cũng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, hành trình biến di sản thành tài sản chắc chắn không dễ dàng, thậm chí sẽ có tác dụng ngược lại nếu như chúng ta không có lộ trình và chiến lược rõ ràng cho từng di sản.

Các chuyên gia khuyến nghị, để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Du lịch phát triển bền vững cần phải dựa theo 4 trụ cột: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế.

Hiện nay, du lịch văn hóa đã đóng góp 10-15% trong tổng số doanh thu từ hoạt động du lịch, nhưng để những sản phẩm này thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa thì không phải địa phương nào cũng làm được, đòi hỏi phải có tính sáng tạo và nghệ thuật. Tiềm năng của các DSVH là rất lớn nhưng làm thế nào để chúng ta đánh thức và tận dụng được hết những tiềm năng ấy đặc biệt trong lĩnh vực du lịch lại không phải là chuyện dễ. Nó không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực là kinh phí mà vấn đề căn bản có lẽ vẫn là nằm ở nhận thức, tư duy sáng tạo, đổi mới.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bien-di-san-thanh-tai-san-post477244.html