Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp kích cầu thị trường nội địa

Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp kích thích thị trường nội địa, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025.

Kích cầu nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu tại cuộc tọa đàm ‘Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước’ do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức vào sáng 25/4, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, với 3 phần chính đóng góp là: Tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Như vậy, tiêu dùng nội địa tùy từng năm sẽ chiếm khoảng 60-65%.

Tọa đàm ‘Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước’ do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức vào sáng 25/4. Ảnh: Hữu Thắng

Tọa đàm ‘Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước’ do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức vào sáng 25/4. Ảnh: Hữu Thắng

'Như vậy, để đạt tăng trưởng GDP như mục tiêu đề ra, thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức' - ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn khẳng định và cho rằng: Qua theo dõi trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch Covid-19.

Ngoài ra, với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, thì để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, dựa trên dự thảo Kế hoạch tổng thể và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025, Bộ Công Thương đã đưa ra một số đề xuất giải pháp.

Thứ nhất, kích cầu tiêu dùng nội địa. Với chiến dịch truyền thông quốc gia, tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam, nhấn mạnh chất lượng và giá trị của hàng hóa nội địa.

Với giải pháp này, các chiến dịch sẽ được triển khai trên nhiều nền tảng, từ truyền hình, báo chí đến mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng. Chương trình xúc tiến thương mại. Tổ chức các sự kiện mua sắm quy mô lớn, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ, sàn thương mại điện tử và ngành dịch vụ.

Các chương trình khuyến mãi và ưu đãi sẽ được thiết kế để kích thích sức mua, đặc biệt trong các giai đoạn tiêu dùng thấp điểm.

Bên cạnh đó, thúc đẩy du lịch nội địa thông qua phối hợp với ngành du lịch để triển khai các gói khuyến mãi, kết nối trải nghiệm du lịch với các sản phẩm và dịch vụ địa phương, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và quảng bá văn hóa Việt Nam.

Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, ý nghĩa và tác động dự kiến của nhóm giải pháp này sẽ góp phần tăng sức mua, củng cố niềm tin tiêu dùng, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị phần và khẳng định thương hiệu trong nước.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Chính sách tài chính ưu đãi được đề xuất bao gồm, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Đồng thời, đề xuất các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt những đơn vị áp dụng công nghệ xanh và tiêu chuẩn bền vững. Nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, các chương trình khuyến công sẽ được đẩy mạnh để thúc đẩy năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tăng cường kết nối cung - cầu, tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất với các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ý nghĩa và tác động dự kiến của các giải pháp này theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn: Giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm việc làm và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương - phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hữu Thắng

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương - phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hữu Thắng

Đảm bảo cung cầu, khuyến khích mô hình kinh doanh mới

Thứ ba, đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường.

Để thực hiện giải pháp này, sẽ có hệ thống cảnh báo sớm, Bộ Công Thương dự kiến xây dựng nền tảng dữ liệu để theo dõi cung-cầu và giá cả, ứng dụng công nghệ hiện đại để dự báo và ngăn chặn rủi ro thiếu hụt hoặc tăng giá bất hợp lý.

Ngoài ra, chương trình bình ổn thị trường, hướng dẫn các địa phương triển khai các kế hoạch dự trữ và phân phối hàng hóa thiết yếu, phối hợp với doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung ổn định trong các giai đoạn cao điểm.

Tăng cường logistics, thông qua đầu tư vào hạ tầng logistics thông minh, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa vận chuyển và giảm chi phí phân phối.

Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, các giải pháp này sẽ đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, duy trì giá cả ổn định và tạo điều kiện để doanh nghiệp vận hành hiệu quả, củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

Thứ tư, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại. Với giải pháp này sẽ nâng cấp chợ truyền thống, ứng dụng công nghệ số vào quản lý và thanh toán tại các chợ, đặc biệt ở khu vực nông thôn, để tăng hiệu quả và tiện lợi cho người tiêu dùng.

Phát triển bán lẻ hiện đại, khuyến khích các mô hình phân phối mới, như chuỗi cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại tích hợp bản sắc địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng.

Cùng với đó, tổ chức sự kiện thương mại quốc gia, triển khai các triển lãm chuyên ngành để kết nối doanh nghiệp trong nước với đối tác quốc tế, thúc đẩy đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, hạ tầng thương mại hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao vị thế của ngành bán lẻ Việt Nam trong khu vực.

Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững thông qua các hoạt động như thanh toán không dùng tiền mặt. Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp các giải pháp thanh toán số, phối hợp với các tổ chức tài chính để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng ví điện tử và mã QR.

Bán lẻ thông minh, thông qua đầu tư vào các mô hình cửa hàng ứng dụng công nghệ AI và IoT, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và quản lý chuỗi cung ứng. Tiêu chuẩn phát triển bền vững - Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để định hướng doanh nghiệp sản xuất và tiêu dùng theo hướng xanh, bền vững.

Theo đó, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, đồng thời góp phần xây dựng một thị trường trong nước hội nhập và cạnh tranh.

Bộ Công thường cũng đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa, như: Gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng, và chỉ đạo đồng bộ các chương trình phát triển thị trường trong nước.

Cùng với đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước phối hợp, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và sản xuất bền vững.

Đề xuất các bộ, ngành liên quan rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa quy trình chuỗi cung ứng và hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc tế. Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia tích cực vào các chương trình kích cầu, áp dụng công nghệ số và ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt Nam.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ đảm bảo tính khả thi của kế hoạch, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và củng cố vai trò của thị trường trong nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, với quy mô thị trường nội địa trên 100 triệu dân, Việt Nam đang có thêm những cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đối diện với những thách thức từ chính sách thương mại toàn cầu.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-de-xuat-nhieu-giai-phap-kich-cau-thi-truong-noi-dia-384791.html