Bộ trưởng Tài chính: Không để thế hệ sau nhiễm bệnh mới đánh thuế nước ngọt
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, phải đánh thuế nước ngọt sớm hơn, không thể để thế hệ con em tới khi bị béo phì, nhiễm bệnh mới có biện pháp ngăn ngừa.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sáng nay (9/5), Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết quá trình soạn thảo, lấy ý kiến Bộ đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều việc áp thuế hay không với nước ngọt. Ông khẳng định có căn cứ rõ ràng để quyết định áp thuế với nước ngọt.
Ông Thắng lý giải, theo tiêu chuẩn quốc gia, nước giải khát là sản phẩm pha sẵn để uống giải khát, được chế biến từ nước và chứa đường, phụ gia... Theo khái niệm này, những loại nước không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt gồm sữa và các sản phẩm của sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng, nước khoáng đóng chai, nước rau quả, nước dừa...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu sáng 9/5. Ảnh: QH
Ông Thắng nói thêm, theo số liệu của WHO, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 46,5% đường tự do một ngày, phần lớn trong số này đến từ nước giải khát có đường. Đây là nguyên nhân gây béo phì, thừa cân. Tổ chức này khuyến nghị Việt Nam áp thuế tối thiểu 20% với nước ngọt. "Cá nhân tôi cũng cho rằng phải đánh thuế nước ngọt sớm hơn, không thể để thế hệ con em tới khi bị béo phì, nhiễm bệnh tật rồi mới có biện pháp ngăn ngừa", Bộ trưởng Thắng nói.
Đối với việc đánh thuế với điều hòa nhiệt độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện đã có số ít các nước đánh thuế để tiết kiệm năng lượng, liên quan đến chất làm lạnh, liên quan đến ô nhiễm môi trường. Mặt hàng này trước đây đã được đánh thuế.
Tại dự thảo luật này quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại phiên thảo luận hôm nay, nhiều đại biểu đề xuất nâng công suất lên. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nâng công suất này lên đến trên 24.000 BTU đến dưới 90.000 BTU để chịu thuế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng dẫn quy định của Thủ tướng Chính phủ năm 2024 yêu cầu tới năm 2045 sẽ hạn chế, không sản xuất, không nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng, điều hòa không khí nguyên cụm sử dụng chất làm nóng ảnh hưởng tới tầng ozone.