Bộ trưởng yêu cầu 'vẽ lại bản đồ du lịch' sau sáp nhập tỉnh

6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng bùng nổ khi đạt mức cao nhất nhiều năm qua. Trong bối cảnh các địa phương có nhiều thay đổi sau sáp nhập, Bộ trưởng VH-TT&DL yêu cầu 'vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam'.

Sáu tháng đầu năm đạt mức cao nhất nhiều năm qua

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025 ngày 9/7, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón hơn 10,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Đây là con số cao nhất của 6 tháng đầu năm trong nhiều năm trở lại đây.

Trong khi đó, tổng lượng khách nội địa nửa đầu năm nay đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 518 nghìn tỷ đồng.

Nhắc lại báo cáo của Chính phủ tại phiên họp đầu tháng 7 vừa qua, khẳng định du lịch là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho rằng, điều mà ngành du lịch trăn trở là làm sao hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và trên 120 triệu lượt khách nội địa trong năm nay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Các địa phương cần đề xuất sáng kiến trong việc đẩy mạnh xúc tiến quảng bá. Ảnh: Xuân Trường

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Các địa phương cần đề xuất sáng kiến trong việc đẩy mạnh xúc tiến quảng bá. Ảnh: Xuân Trường

“Du lịch phải đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng, khi mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt 8% trong năm nay và hai con số trong những năm tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Do đó, trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch cần hợp lực, chọn điểm, bứt tốc để đưa du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á.

Đặc biệt, khi tiến hành sắp xếp chính quyền 2 cấp, không gian phát triển rộng mở, ngành du lịch sẽ có bước phát triển mới. Ông lưu ý, cần đánh giá tài nguyên du lịch của từng địa phương, của cả quốc gia, từ đó, quy hoạch lại hệ thống du lịch Việt Nam. Bộ trưởng yêu cầu, chậm nhất hết quý III phải làm xong việc này.

Ngoài ra, cần rà soát lại cơ chế chính sách, chiến lược, đề án về du lịch mà Trung ương và địa phương đã phê duyệt để bổ sung, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn.

Theo Bộ trưởng, ngành du lịch đã xác định 10 thị trường trọng điểm khách quốc tế cần chú trọng quảng bá, thu hút khách thời gian tới, đó là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, ASEAN, Ấn Độ và Trung Đông. Trong đó, phương châm để hành động là: “Thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng”.

Đồng thời, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch, sản phẩm phải có độ lớn và có chiều sâu, đặc sắc. Từ đó, hướng đến thu hút dòng khách chi tiêu cao. “Hiện nay, mỗi du khách quốc tế tới Việt Nam tiêu 1.500 USD, đây là con số biết nói về sự tăng trưởng của ngành du lịch. Chúng tôi mong muốn tăng lên 2.000 USD/ khách”, ông cho hay.

Vẽ lại bản đồ du lịch

Đây là yêu cầu được người đứng đầu ngành VH-TT&DL nhắc lại nhiều lần tại hội nghị khi nói về bối cảnh mới của ngành sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, “vẽ lại bản đồ du lịch" không có nghĩa là phủ nhận những gì đã có, mà là tiếp cận lại dưới lăng kính phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa - bản sắc.

Ấn Độ là một trong 10 thị trường khách trọng điểm của du lịch Việt Nam. Ảnh: NIA

Ấn Độ là một trong 10 thị trường khách trọng điểm của du lịch Việt Nam. Ảnh: NIA

Đó là phải tạo ra được sự liên kết, phát huy được lợi thế, cơ hội phát triển mới và không gian rộng mở sau sáp nhập, thay vì không gian hẹp trước đây.

Ông dẫn chứng, khi Gia Lai sáp nhập Bình Định, tỉnh Gia Lai mới không chỉ còn có vùng đất đỏ Tây Nguyên, Biển Hồ mà còn có những bãi biển đẹp ở Ghềnh Ráng.

Hay tỉnh Quảng Trị mới, sáp nhập thêm Quảng Bình, có rất nhiều nguồn lực và không gian trải dài trên dải đất miền Trung. Đó là Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử cách mạng; từ lợi thế thiên nhiên đến cả những chứng tích chiến tranh, ký ức khốc liệt của chiến tranh ở miền đất này...

Khi đó, du lịch không chỉ là nền kinh tế mũi nhọn, mà còn là nền kinh tế “truyền cảm hứng”, chạm đến trái tim và cảm xúc của du khách. Theo ông, khách du lịch không chỉ đến để ngắm nhìn, mà họ phải trải nghiệm, phải có cảm xúc thì mới quay trở lại.

Với 34 tỉnh, thành sau sáp nhập, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, kỳ vọng các địa phương trên cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên, sẵn sàng phát triển các sản phẩm mới, chuyên biệt, đặc sắc, có tính cạnh tranh cao so với các nước, tạo nên sức mạnh cho du lịch Việt Nam.

Với du lịch TPHCM, đại diện Sở Du lịch cho biết thành phố xác định 3 cực tăng trưởng mới sau sáp nhập, đó là trung tâm thành phố nơi tập trung du lịch MICE, hội chợ, triển lãm; là biển đảo và du lịch xanh, với các dự án du thuyền cao cấp ở Bà Rịa - Vũng Tàu và phát triển du lịch rừng ngập mặn tại Cần Giờ; là du lịch công nghiệp, logistics, công nghệ cao tại Bình Dương.

Với mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực, ngành du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc với quyết tâm “vẽ lại bản đồ du lịch quốc gia”, định hình lại không gian và sản phẩm theo hướng liên vùng, liên kết, bền vững và mang đậm bản sắc văn hóa. Những thay đổi trong tư duy quy hoạch, định hướng thị trường và phát triển sản phẩm đang tạo kỳ vọng lớn cho tăng trưởng đột phá trong thời gian tới.

Ngọc Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-yeu-cau-ve-lai-ban-do-du-lich-sau-sap-nhap-tinh-2419950.html