Cách nào thu hút tư nhân tham gia thị trường carbon?

Theo lộ trình, thị trường carbon Việt Nam sẽ chính thức hoạt động từ năm 2029. Tuy nhiên, để thị trường sôi động, hiệu quả, cần có sự góp mặt của khối tư nhân.

Cần ưu đãi cho khối tư nhân tham gia thị trường carbon

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định (QĐ232/QĐ-TTg) về việc thành lập thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình thị trường carbon Việt Nam được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1 là trước tháng 6, giai đoạn này xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn 2 là từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028, giai đoạn này vận hành thí điểm. Từ năm 2029, thị trường carbon sẽ chính thức đưa vào hoạt động trên toàn quốc.

Sự vận hành, phát triển của thị trường carbon đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Trồng rừng là giải pháp để tích lũy tín chỉ carbon nhằm tạo thêm nguồn thu nhập mới. Ảnh minh họa.

Trồng rừng là giải pháp để tích lũy tín chỉ carbon nhằm tạo thêm nguồn thu nhập mới. Ảnh minh họa.

Ở thị trường này, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo thông qua chính sách, quy định vận hành... thì khối tư nhân lại quyết định đến thành công của thị trường. Chính vì thế, tạo cơ chế để khối tư nhân tham gia thị trường carbon là việc cần sớm phải làm.

Theo TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình chính sách, thương mại và tài chính lâm nghiệp (Tổ chức Forest Trends - Mỹ), cần khuyến khích các mô hình thí điểm về thị trường làm nguồn thông tin đầu vào về các bài học thực tiễn về vận hành của thị trường cho các doanh nghiệp. Đây là các hoạt động hết sức cần thiết để lôi kéo sự tham gia của khối tư nhân.

Ý kiến khác cho rằng, để thu hút khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường carbon, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính hoặc vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia phát triển dự án tín chỉ carbon (trồng rừng, năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng). Điều này giúp giảm rủi ro tài chính ban đầu và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng và minh bạch; tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo, và chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích kinh tế và môi trường của thị trường carbon; cung cấp hướng dẫn kỹ thuật về cách phát triển dự án carbon, xác minh tín chỉ, và tham gia giao dịch.

Chính phủ cũng có thể khuyến khích mô hình hợp tác công-tư, trong đó chính phủ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, công nghệ, hoặc chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp tư nhân trong các dự án carbon lớn. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư ban đầu và tận dụng nguồn lực từ khu vực công, đồng thời tạo điều kiện để phát triển các dự án quy mô lớn. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kết nối với các thị trường carbon quốc tế.

Việt Nam sớm có công cụ định giá carbon

Tại Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam 2025 do Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào năm 2050, xây dựng và phát triển thị trường carbon là bước đi chiến lược của Việt Nam.

Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo hướng tiếp cận "kinh tế nâu sang chuyển đổi xanh". Bộ NN&MT đang phối hợp chặt chẽ, tích cực với Bộ Tài chính, xây dựng Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước, cũng như nghị định, quy định về các hoạt động trao đổi carbon quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Paris. Các bộ, ngành Việt Nam đặt mục tiêu sớm phát triển thị trường carbon, đưa ra các công cụ định giá carbon phổ biến với thuế carbon, các cơ chế trao đổi tín chỉ.

Ông Cường cũng cho biết, các công cụ định giá carbon có vai trò rất quan trọng, đóng góp cho công cụ định giá carbon, gồm thị trường carbon tuân thủ và thị trường carbon tự nguyện. Phát triển thị trường carbon sẽ thúc đẩy công nghệ phát thải thấp vào thị trường Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu cũng khẳng định, khối doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực ngân hàng chuyển đổi xanh, các dự án xanh.

Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ, chia sẻ, Thụy Sỹ là quốc gia có tốc độ công nghiệp, hiện đại hóa nhanh, đầy đủ các đạo luật về biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác quốc tế để cùng đạt được các mục tiêu khí hậu chung để đạt được các mục tiêu khí hậu, đảm bảo sự kết nối và xây dựng chính sách khí hậu thông minh. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của khu vực tư nhân.

Thị trường carbon là hệ thống kinh tế nơi các tổ chức, doanh nghiệp, hoặc quốc gia mua bán tín chỉ carbon (carbon credits) hoặc quyền phát thải khí nhà kính (GHG). Mục tiêu là khuyến khích giảm phát thải, thúc đẩy phát triển bền vững, và hỗ trợ các dự án xanh như năng lượng tái tạo, trồng rừng, hoặc công nghệ tiết kiệm năng lượng. 1 tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc khí nhà kính tương đương được giảm hoặc hấp thụ. Theo báo cáo từ World Bank (2024), thị trường carbon toàn cầu đạt giá trị khoảng 900 tỷ USD vào năm 2023.

Nguyễn Hùng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/cach-nao-thu-hut-tu-nhan-tham-gia-thi-truong-carbon-192250504185244025.htm