Chùa Chantarangsay - ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer giữa lòng Thành phố
Chùa Chantarangsay được xây dựng năm 1946 bởi Hòa thượng Lâm Em, là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đầu tiên tại Sài Gòn - Gia Định xưa với các công trình kiến trúc mang bản sắc văn hóa đặc trưng Khmer Nam Bộ.
Tọa lạc bên bờ kênh Nhiêu Lộc (đường Trường Sa, Q.3, TP.HCM), chùa Chantarangsay hay còn gọi là chùa Candaransi, tiếng Khmer có nghĩa là “Ánh trăng”.
Với tâm nguyện muốn có nơi lưu trú và sinh hoạt tôn giáo cho đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn (nay là TP.HCM), Hòa thượng Lâm Em đã kêu gọi sự trợ duyên của Phật tử lúc bấy giờ để từ một am tranh nhỏ bên bờ rạch Nhiêu Lộc vùng Gia Định xưa, ngôi chùa Chantarangsay được hình thành và trở thành điểm tựa tâm linh cho đồng bào dân tộc Khmer.
Hiện chùa Chantarangsay do Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM làm trụ trì. Trải qua 7 lần trùng tu đến nay chùa có diện tích 4.500 m² gồm: chánh điện, sala (giảng đường), tháp cốt, cột cờ, Tăng xá (liêu) và các công trình phụ khác…

Hòa thượng Lâm Em (ảnh bên trái, hàng trên) là một trong những tu sĩ trực tiếp tham gia chống chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo trong Pháp nạn 1963. Ngài đã lên tiếng ủng hộ “Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam” đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải thực thi 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo. Hòa thượng là người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Phật giáo Nam tông Khmer tại miền Nam Việt Nam, đặc biệt trong việc truyền bá giáo lý, xây dựng chùa chiền và kết nối văn hóa Khmer với đời sống đô thị Sài Gòn thời kỳ sau năm 1945

Kim quan của Hòa thượng Lâm Em được tôn trí trong sala của chùa

Chánh điện là nơi thờ Phật chính trong chùa. Xung quanh chánh điện được chạm khắc tinh xảo các hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Khmer như: rắn thần Naga (tiếng Khmer gọi là Neak) uốn lượn bảo hộ Phật pháp, chim thần Krut, hoa sen cách điệu, ngọn lửa, cùng các họa tiết hình học đối xứng tạo nên vẻ đẹp uy nghi và trang nghiêm cho toàn bộ ngôi chùa

Trên đỉnh chánh điện là ba ngọn tháp với kiến trúc đặc trưng văn hóa của người Khmer Nam Bộ, tạo điểm nhấn nổi bật

Bên trong chánh điện thờ Phật ở vị trí trung tâm, xung quanh được thiết trí nhiều tranh vẽ minh họa các câu chuyện gắn liền với cuộc đời Đức Phật. Những bức tranh được vẽ tỉ mỉ và tinh xảo với màu sắc độc đáo

Bức tranh chằn Rahu nuốt mặt trăng được vẽ trên trần của chánh điện. Rahu là nhân vật chủ chốt trong câu chuyện giải thích hiện tượng nhật thực, nguyệt thực của người Khmer

Bức phù điêu Ngũ Phật (hay còn gọi là Ngũ Trí Như Lai) được đắp nổi ở phía trước chánh điện mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong hệ thống Phật giáo Nam tông Khmer

Linh vật Hoong - tượng trưng cho trí tuệ, sự thanh cao và giải thoát được đặt trên đỉnh cột cờ (Cột cờ dùng để treo cờ Phật giáo Nam tông vào các dịp lễ lớn như Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Kathina...)

Tháp cốt trong khuôn viên chùa là nơi lưu giữ tro cốt của Phật tử sau khi hỏa táng. Có hình dáng tháp nhọn, với các họa tiết nổi bật mang tính biểu tượng Phật giáo

Phật tử đến chùa tụng kinh, lễ Phật

Thời kinh tối của chư Tăng tại chánh điện

Tháp thờ Phật theo kiến trúc Angkor

Chùa Chantarangsay không chỉ mang ý nghĩa là điểm tựa tâm linh mà còn là biểu tượng giao thoa giữa kiến trúc, tâm linh và bản sắc văn hóa độc đáo của người Khmer tại TP.HCM