Cơ hội cho ngành nội thất, kiến trúc xây dựng từ 'siêu đô thị' TP.HCM mới
KTS. Ngô Viết Nam Sơn chỉ ra rằng việc TP.HCM có thể trở thành một 'siêu đô thị' kinh tế biển sau sáp nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế biển, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu qua đường biển, đồng thời kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nội thất và vật liệu xây dựng.
Mới đây, tại Đại học Hoa Sen, trong khuôn khổ các hoạt động hướng đến Triển lãm Nội thất và Xây dựng Việt Nam (VIBE) năm 2025, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) cùng Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Cải cách hành chính - Kiến tạo không gian phát triển”.
Theo Ban tổ chức, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với chủ trương sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh và cải cách hành chính sâu rộng. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu cấp thiết về một tầm nhìn dài hạn cho công tác quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đô thị và nhu cầu phát triển ngành nội thất.
Đáng chú ý, trong bài tham luận “Sáp nhập tỉnh: Cơ hội và thách thức dưới góc nhìn quy hoạch và kiến trúc”, KTS. Ngô Viết Nam Sơn chỉ ra rằng việc TP.HCM có thể trở thành một siêu đô thị kinh tế biển sau sáp nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế biển, tăng cường kết nối và hợp tác quốc tế. Điều này hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu qua đường biển, đồng thời kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nội thất và vật liệu xây dựng.

Các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi tại tọa đàm.
Chia sẻ về cơ hội của ngành chế biến gỗ và nội thất, ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch HAWA cho rằng, viễn cảnh TP.HCM trở thành một "siêu đô thị" trong tương lai là một bước đột phá. Đây là cơ hội để khai phá tiềm năng, thế mạnh tổng hợp của TP.HCM, nền công nghiệp tỉnh Bình Dương và lợi thế cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Bình Dương hiện là thủ phủ của ngành gỗ Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 5 tỉ USD. Khi kết hợp với TP.HCM - trung tâm về xúc tiến thương mại, công nghệ, marketing và cộng hưởng với lợi thế cảng biển của Vũng Tàu, những điểm mạnh này sẽ được hội tụ trong một không gian chung, giúp ngành gỗ tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có"- ông Mẫn phân tích.
Bên cạnh đó, ông Mẫn cho rằng để tận dụng tốt cơ hội này, các doanh nghiệp và nhà hoạch định chiến lược cần có một góc nhìn toàn diện, cùng những định hướng chiến lược đổi mới táo bạo, phù hợp với xu thế phát triển bền vững.
Tương tự, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất các gợi ý chiến lược liên kết hạ tầng trọng điểm đa phương thức, điều chỉnh quy hoạch, nâng cao tiêu chuẩn hạ tầng phụ trợ và phát triển đô thị đặc thù, đồng thời thu hút nguồn lực xã hội hóa.
Ông Mẫn thông tin thêm, trong sáu tháng đầu năm 2025, dù thị trường thế giới có nhiều biến động, ngành gỗ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm 2024, vượt hơn sự mong đợi của các doanh nghiệp. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng tốt.