Đề xuất nhân rộng mô hình trồng lúa phát thải thấp
Thành công sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo quy trình Hợp Trí, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười đề xuất nhân rộng lên 1.200 ha.
Mô hình 150 ha thuộc Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tổ hợp tác Mỹ Nam 2 (xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) được triển khai từ đầu vụ Đông Xuân 2024 - 2025 với sự tham gia của 66 hộ nông dân. Kết thúc vụ đầu tiên, có 61,2% diện tích áp dụng theo quy trình sản xuất do Công ty Cổ phần Hợp Trí Summit phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) chuyển giao.

Các cơ quan, ban ngành và bà con nông dân tham quan mô hình trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải theo quy trình Hợp Trí tại xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Mặc dù vụ mùa năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết và dịch hại khá bất lợi, như ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, chuột, sâu cuốn lá, sâu cắn chẽn, mưa trái mùa... xuất hiện nhiều nhưng nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp và can thiệp đúng thời điểm, nên hầu hết diện tích trong cánh đồng vẫn đạt năng suất cao.
Đặc biệt, với những ruộng áp dụng đầy đủ quy trình Hợp Trí kết hợp giải pháp tưới ướt - khô xen kẽ do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười hướng dẫn hiệu quả càng vượt trội. Theo đó, lượng giống gieo sạ giảm còn 80 kg/ha (giảm 33,3% so với bình thường); giảm 4 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật/vụ.
Trong khi đó, năng suất vẫn đạt bằng hoặc cao hơn ruộng không áp dụng theo quy trình Hợp Trí từ 400 - 500kg/ha nên lợi nhuận tăng thêm từ 2 - 4,2 triệu đồng/ha, chưa kể lợi ích đến từ lượng phát thải giảm có thể bán được sau này.
Áp dụng gần như 99% theo quy trình Hợp Trí, ông Bùi Thanh Sơn (xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, thời điểm lúa sắp đến ngày thu hoạch, thương lái đã sẵn sàng trả giá lúa ruộng cao hơn từ 200-400 đồng/kg. Về năng suất, ông Sơn cũng đánh giá cao hơn ruộng bên cạnh khoảng 500 kg/ha.
Tại buổi tổng kết cánh đồng 150 ha thuộc Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Tổ hợp tác Mỹ Nam 2, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười đã chính thức đề xuất mở rộng mô hình canh tác lúa theo quy trình Hợp Trí lên quy mô 1.200 ha tại 12 xã trên địa bàn huyện. Đề xuất này được đưa ra sau khi vụ Đông Xuân 2024 - 2025 khép lại với nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt từ những ruộng áp dụng toàn diện quy trình kỹ thuật Hợp Trí.
Theo ông Lâm Chí Tâm - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười - cho hay, vùng Tháp Mười thường xuyên bị nhiễm phèn, nhưng việc áp dụng quy trình Hợp Trí từ đầu vụ giúp ruộng lúa phục hồi nhanh, kháng sâu bệnh tốt, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng. Từ kết quả bước đầu này, chúng tôi kỳ vọng sắp tới sẽ hợp tác chặt chẽ với Công ty Cổ phần Hợp Trí Summit để nhân rộng mô hình ra toàn huyện.
Ông Lê Văn Chấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp - nhận định, việc giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng là minh chứng cho hiệu quả bền vững của quy trình, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp xanh và thân thiện môi trường mà ngành nông nghiệp đang hướng tới.
Sự thành công tại HTX Mỹ Nam 2 không chỉ là tín hiệu tích cực cho địa phương mà còn mở ra kỳ vọng lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam trong việc chuyển đổi sang mô hình canh tác hiệu quả, bền vững hơn.