Di tích Tháp bà Pô Nagar là di tích Quốc gia đặc biệt
Khánh Hòa đón nhận các danh hiệu di sản văn hóa, gồm: Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp bà Pô Nagar; Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia 'Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa'.

Tháp bà Pô Nagar tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: X.H
Tối 10/7, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ công bố và đón nhận các danh hiệu di sản văn hóa, gồm: Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp bà Pô Nagar; Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa”.
Đây cũng là một trong những hoạt động, sự kiện quan trọng của tỉnh Chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).
Di tích Tháp Bà Pô Nagar có niên đại xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1979 và Lễ hội Tháp Bà được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Tháp Bà có giá trị đặc biệt tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử; hiện còn bảo lưu 14 đạo sắc phong và 28 đơn vị minh văn trên các Bia ký cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác.
Trải qua quá trình giao lưu, đan xen, tiếp biến văn hóa của lịch sử dân tộc, di tích Tháp Bà hàm chứa những giá trị tiêu biểu của hai dân tộc Chăm - Việt qua hình tượng nữ thần Pô Nagar cũng như tín ngưỡng văn hóa truyền thống lâu đời của cộng đồng dân tộc Việt và Chăm, được duy trì, tiếp nối liên tục và đã trở thành trung tâm thờ Mẫu của các tỉnh khu vực Nam Trung bộ để cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn được biết tới với tên gọi “Xứ Trầm hương”, một thương hiệu nổi tiếng của cả nước, gắn liền với đó là hình tượng của nữ thần Pô Nagar/Thiên Y A Na. Hình tượng nữ thần Pô Nagar/Thiên Y A Na được những nghệ nhân thực hành nghề Trầm hương tôn vinh là thủy tổ của nghề.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, hiện nay đã có nhiều làng nghề, hợp tác xã, nhóm nghề, hộ gia đình làm nghề Trầm hương, góp phần tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc nổi tiếng từ Trầm hương như: Nhang trầm, vòng trầm, tượng trầm, tinh dầu trầm,… trong đó nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ trầm hương đạt chất lượng cao và uy tín ở trong nước và trên thế giới, đạt chứng nhận chất lượng OCOP quốc gia, góp phần khẳng định thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa”.

Tháp bà Pô Nagar là điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến với Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Linh Đan
Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, hiện nay nghề khai thác trầm hương Khánh Hòa vẫn được người dân bảo tồn, gìn giữ những tri thức dân gian trong việc duy trì những kinh nghiệm để phát triển, tái tạo, chế tác làm phong phú và đa dạng các sản phẩm trầm hương đến với mọi người, mọi nhà; tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc và là quà tặng du lịch độc đáo của du khách khi đến với “Xứ Trầm hương - tỉnh Khánh Hòa”.
Việc tổ chức Lễ công bố và đón nhận các danh hiệu di sản văn hóa (di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa) nhằm góp phần vinh danh các giá trị di sản văn hóa có giá trị đặc biệt tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa về nhiều mặt: Văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử…; qua đó, góp phần định hướng và xây dựng phương án quản lý, bảo tồn và phát huy ngày càng có hiệu quả giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, làm tiền đề gắn kết với việc quảng bá thương hiệu của tỉnh Khánh Hòa và thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch của tỉnh.

Khánh Hòa đón nhận chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa”.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam cho rằng, bên cạnh Tháp Bà Pô Nagar, tỉnh Khánh Hòa còn nổi tiếng với tên gọi “Xứ Trầm hương”, hình tượng nữ thần Pô Nagar/Thiên Y A Na được các nghệ nhân làm trầm tôn vinh là thủy tổ của nghề. Hiện nay, trên địa bàn Khánh Hòa có nhiều làng nghề, hợp tác xã, nhóm nghề, hộ gia đình làm trầm hương, tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc và nổi tiếng như nhang trầm, vòng trầm, tượng trầm, tinh dầu trầm,…
Nhiều sản phẩm trầm hương của Khánh Hòa đạt chất lượng cao, được chứng nhận sản phẩm OCOP, góp phần khẳng định thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa” trong và ngoài nước.
Hiện nay, nghề khai thác trầm hương tại Khánh Hòa vẫn đang được người dân bảo tồn và gìn giữ những tri thức dân gian, duy trì kinh nghiệm để phát triển, tái tạo và chế tác, làm phong phú, đa dạng các sản phẩm trầm hương. Những sản phẩm này không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng mà còn trở thành món quà tặng du lịch độc đáo, mang đậm dấu ấn của “Xứ Trầm hương - tỉnh Khánh Hòa” dành cho du khách.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cảm ơn sâu sắc đến các cơ quan Trung ương, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cùng các cơ quan, ban ngành của tỉnh đã hỗ trợ và chỉ đạo sát sao.
Ông Nam đề nghị Sở VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của Khánh Hòa gắn với Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa”.

Nghề làm trầm hương thịnh hành tại nhiều năm qua ở Khánh Hòa. Ảnh: Linh Đan
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh tầm quan trọng của Tháp Bà Pô Nagar, một di tích tâm linh đặc biệt của cộng đồng Chăm - Việt.
Tháp Bà Pô Nagar không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như sắc phong, bia ký và đặc biệt là tượng Nữ thần Bà Pô Nagar/Thiên Y A Na, biểu tượng của sự tài hoa và tinh hoa nghệ thuật điêu khắc Chăm. Di tích này là trung tâm thờ Mẫu của các tỉnh Nam Trung Bộ, nơi người dân tìm đến để cầu nguyện cho sự bình yên và thịnh vượng.
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, tiếp thu chỉ đạo từ UBND tỉnh, Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Tháp Bà Pô Nagar cùng tri thức khai thác, chế biến trầm hương, góp phần tạo dựng bản sắc và thương hiệu văn hóa đặc trưng cho Khánh Hòa trong tương lai.
Nhân dịp này, Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa đã khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/di-tich-thap-ba-po-nagar-la-di-tich-quoc-gia-dac-biet-d328222.html