Điều chỉnh mô hình hoạt động của cơ quan thuế, kho bạc, hải quan phù hợp với bộ máy, địa giới mới

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, với vấn đề mô hình hoạt động của các cơ quan thuế, kho bạc, hải quan…, sẽ có sự điều chỉnh kịp thời để phù hợp với mô hình bộ máy mới, địa giới mới.

Chiều 26/5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến để lấy ý kiến đối với các văn bản, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính.

Tại hội nghị, Bộ Tài chính lấy ý kiến các địa phương đối với 5 Nghị định và 7 Thông tư để thực hiện phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Bao gồm 1 Nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Cùng với đó là 4 nghị định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Trong đó có: Nghị định về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tài sản công; Nghị định để điều chỉnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực dự trữ quốc gia, dự kiến sửa đổi 03 Điều (Điều 15, 16, 17) của Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia theo hướng phân cấp nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với một số nhiệm vụ; Nghị định để điều chỉnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực thống kê; Nghị định để điều chỉnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, “Thời gian xây dựng dự thảo lần này rất gấp, tuy nhiên Bộ Tài chính đã nỗ lực tối đa để hoàn thành và trình gửi các bộ, ngành, địa phương cũng như gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Tuy vậy, do tính chất quan trọng và phạm vi ảnh hưởng rộng, rất cần sự tham gia đóng góp ý kiến từ các cơ quan, đơn vị, địa phương để hoàn thiện dự thảo, đảm bảo khả năng thực thi cao và sát với yêu cầu thực tiễn, theo đúng tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Tinh thần mà Bộ Tài chính quán triệt là cầu thị, lắng nghe. Nếu trong quá trình triển khai sau này phát sinh vấn đề chưa phù hợp, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, mục tiêu hiện tại là nỗ lực hoàn thiện các văn bản ngay từ đầu để khi ban hành nghị định, thông tư sẽ hạn chế tối đa các điểm bất cập”.

Góp ý tại Hội nghị, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, do tính chất đặc thù của mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội kiến nghị các nghị định và các thông tư hướng dẫn liên quan cần được ban hành sớm trước thời điểm 1/7 năm nay để TP có đủ thời gian chuẩn bị, triển khai đồng bộ. Đặc biệt, Hà Nội cũng đề xuất được hướng dẫn cụ thể sớm hơn về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến mô hình chính quyền đô thị để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả trong áp dụng.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị. (Ảnh Minh Đức)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị. (Ảnh Minh Đức)

Đại diện TP Hải Phòng góp ý về mô hình tổ chức và phân cấp nhiệm vụ, khi bỏ cấp huyện, cần xác định rõ nguyên tắc chuyển nhiệm vụ: nhiệm vụ nào cấp xã không làm được thì chuyển lên tỉnh. Một số nội dung dự thảo còn chưa cụ thể, gây khó khăn trong triển khai. Trong lĩnh vực đầu tư công, đấu thầu, cần quy định rõ nhiệm vụ nào giao cho xã, nhiệm vụ nào để tỉnh chủ trì, đặc biệt khi dự án nằm trên nhiều xã.

Về phân cấp thẩm quyền từ Trung ương cho địa phương, TP Hải Phòng đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng. Thời gian tới, TP đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ về việc phân cấp thẩm quyền thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cho địa phương, đặc biệt với các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực tế mỗi nơi, mỗi địa phương có các đặc thù, điều kiện khác nhau. Bám theo nguyên tắc phân cấp triệt để xuống địa phương để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Do đó, sẽ quy định theo hướng mở để địa phương chủ động quyết định các trường hợp nào phân cấp cho tỉnh, trường hợp nào cho xã. Xã không làm được thì đưa về tỉnh, nơi nào phù hợp thực tiễn thì làm.

Đối với vấn đề mô hình hoạt động của các cơ quan thuế, kho bạc, hải quan…, theo Bộ trưởng, sẽ có sự điều chỉnh kịp thời để phù hợp với mô hình bộ máy mới, địa giới mới.

Liên quan đến quy hoạch, ông Thắng cho biết vấn đề địa phương băn khoăn đã được tháo gỡ tại Luật Quy hoạch sửa đổi đang trình Quốc hội thông qua. Theo đó, các địa phương tới đây sắp xếp vẫn được thực hiện theo các quy hoạch như bình thường. Quy định cũ là phải có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu thì mới thực hiện được quy hoạch chi tiết.

Tuy nhiên, tại luật mới, các quy hoạch đều được lập song song, quy hoạch chi tiết vẫn có thể được duyệt rồi sau đó được cập nhật vào quy hoạch chung, quy hoạch tỉnh, “nên các địa phương cứ yên tâm triển khai”, Bộ trưởng khẳng định.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ để trình Quốc hội một số dự án luật để tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, cũng như chỉ đạo của Đảng, nhà nước, chính phủ (như Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN, Luật Tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đầu tư,…).

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/dieu-chinh-mo-hinh-hoat-dong-cua-co-quan-thue-kho-bac-hai-quan-phu-hop-voi-bo-may-dia-gioi-moi-d58663.html