'Đúc đồng Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa'

Là một trong bốn nghề tinh hoa của Thăng Long xưa, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã đã cống hiến cho nền văn hóa Việt những tác phẩm lưu danh nhiều đời. Trải qua nhiều thăng trầm, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng – người được mệnh danh là 'Bàn tay vàng' của làng, vẫn đang miệt mài gìn giữ và phát triển nghề.

Trải qua lịch sử hơn 400 năm

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã ra đời từ thế kỷ XVII, được đặt cạnh hồ Trúc Bạch. Làng thành lập trên cơ sở tập hợp nghệ nhân và thợ đúc đồng có tay nghề cao ở 5 xã thuộc huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh), huyện Văn Lâm – Hưng Yên, và Điện Tiền. Cái tên Ngũ Xã cũng chính là để chỉ làng được thành lập từ 5 xã.

Trong lịch sử, làng đã nổi tiếng trong và ngoài nước về nghệ thuật đúc đồng, dân gian có câu: “Lĩnh hoa Yên Thế, Đồ gốm Bát Tràng, Thợ vàng Định Công, Thợ đồng Ngũ Xã”. Thế nhưng ngày nay, khi nhắc đến làng Ngũ Xã, nhiều người thường nghĩ đến các món ăn đặc sắc mà không biết rằng nơi đây có truyền thống đúc đồng đã được hơn 400 năm.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng.

Thuở ban đầu, làng có nhiệm vụ đúc tiền đồng và đồ thờ cho triều đình. Dần dần, làng nghề trở nên quen thuộc hơn khi đúc thêm các đồ dùng phục vụ đời sống hàng ngày của người dân như mâm, nồi, chậu đồng,… và những đồ tâm linh phục vụ cho thờ cúng như tượng phật, đỉnh, bát hương, đèn nến,… Tới thế kỷ XX, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Giải phóng Thủ đô năm 1954, nhiều gia đình tại làng Ngũ Xã đã dần chuyển sang làm nghề đúc nhôm – đúc những đồ gia dụng có kỹ thuật đơn giản hơn với giá thành rẻ hơn. Đồ đồng lúc này được cho là “đúc ra cũng chẳng ai mua”.

Đất nước qua lúc khó khăn, đúc đồng mới dần quay lại

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng là một cựu binh từng phục vụ trong quân đội. Sau trận đánh Tết Mậu thân 1968, khi sức khỏe không còn cho phép ông đã chọn xuất ngũ và về học lại nghề của cha ông. Đến với nghề vào thời điểm nghề đang gặp nhiều khó khăn, ông Ứng chọn lấy nghề nhôm nuôi nghề đồng. Ông chia sẻ: “Cứ làm nhôm đi nhưng vẫn phải học, trau dồi kỹ thuật đúc đồng để nó không bị mai một.”

Nhà Ông Ứng tại số 178 Trấn Vũ, Trúc Bạch.

Nhà Ông Ứng tại số 178 Trấn Vũ, Trúc Bạch.

Rồi cũng đến lúc người ta cần đồ đồng. Khi kinh tế đất nước dần phục hồi sau chiến tranh, nhu cầu tâm linh của người dân tăng cao, đồ đồng được tìm đến. Làng nghề Ngũ Xã lúc này dần nhận được những đơn đặt hàng lớn thì là đúc các tượng phật, tượng danh nhân, nhỏ hơn thì đúc những lư hương, đỉnh hương,… bằng đồng.

Tiếp nối truyền thống của cha ông, những nghệ nhân và thợ đúc đồng của làng Ngũ Xã đã tạo ra những tác phẩm đồng tinh xảo, nhận được sự thán phục của cả người dân trong nước và các du khách quốc tế. Làng Ngũ Xã đã đúc được rất nhiều tượng Phật được đặt tại các địa điểm tâm linh, tiêu biểu là: tượng Đức Phật A Di Đà ở chùa Ngũ Xã, tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ ở Đền Quán Thánh,... Ông Ứng cho biết thời điểm ấy còn nhận nhiều đơn hàng đặt đúc tượng danh nhân, đặc biệt là tượng Bác Hồ, ông đã đúc rất nhiều tượng Bác. Ông cũng là người tham gia đúc chuông đồng nặng gần 6 tấn treo ở Ngã ba Đồng Lộc, ông chia sẻ thêm: “Mười cô gái hi sinh ở đó tôi biết chứ, trước đây lúc đi lính tôi đã gặp, xót xa lắm.”

Sứ mệnh gìn giữ và phát triển làng nghề

Hiện tại, mặc dù không còn vấn đề về nhu cầu tiêu dùng đồ đồng, nhưng người dân làng Ngũ Xã chỉ còn rất ít gia đình theo nghề. Khi được hỏi rằng liệu việc truyền nghề có gặp khó khăn không, ông Ứng chia sẻ: “Tưởng chừng khó khăn, nhưng tôi thật may mắn khi con cái lựa chọn học và theo đuổi đúc đồng. Không chỉ hai người con của tôi, mà vợ tôi từ xưa đến nay cũng vừa chăm sóc chúng tôi vừa học nghề. Nhìn gia đình mình như vậy, tôi chẳng phải lo mất nghề nữa.” Được biết, vào năm 2022 vợ ông Ứng cùng 2 người con đã được nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ nhân. Trên thực tế, không chỉ gia đình 4 người của ông mà những người họ hàng khác cũng đang cùng quản lý, phát triển xưởng đúc để tạo ra những sản phẩm tốt nhất.

Đây vừa là nơi trưng bày sản phẩm đồng vừa là nơi 2 vợ chồng ông sinh sống.

Đây vừa là nơi trưng bày sản phẩm đồng vừa là nơi 2 vợ chồng ông sinh sống.

“Đồ đồng Việt Nam đã đạt tới mức tinh xảo, cái ta cần là người thợ phải trau dồi để nâng cao tay nghề lên, tôi tin, có như vậy thì đúc đồng Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa.” – ông nói. Đối với ông: “Quan trọng là bản thân có say mê không. Chính sự say mê sẽ giúp ta giải quyết được những bài toán khó trong đúc đồng. Và phải nhớ, đây là nghề truyền thống của cha ông, dù thế nào cũng phải gìn giữ và phát triển. Đúc đồng Việt Nam không nên chỉ nổi tiếng trong nước, mà ta còn phải đưa nó ra thế giới, cho bạn bè quốc tế thấy được người Việt tài hoa ra sao.”

Đồ đồng đã xuất hiện trong đời sống người Việt từ xa xưa, tiêu biểu chính là trống đồng Đông Sơn – một biểu tượng của nền văn minh, văn hóa Âu Lạc. Cho tới sau này khi hiện hữu dưới hình dạng những bức tượng Phật, tượng những vị danh nhân,… có thể thấy các sản phẩm bằng đồng đã mang giá trị tâm linh và giá trị tinh thần rất đặc biệt với người Việt. Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề đúc đồng nói chung và làng nghề đúc đồng Ngũ Xã nói riêng chính là nhiệm vụ quan trọng và rất cần thiết để duy trì những giá trị văn hóa đẹp đẽ của Việt Nam.

Hồng Nhung

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/duc-dong-viet-nam-se-con-tien-xa-hon-nua-i732475/