ETF Việt Nam bất ngờ hút tiền mạnh nhất Đông Nam Á

Tại Việt Nam, quỹ VanEck bơm ròng trở lại 28,9 triệu USD, bên cạnh đó, quỹ FUEVFVND cũng ghi nhận lượng hút ròng 13,7 triệu USD, đóng góp chính vào đà hút ròng ETF vào Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động quanh vùng đỉnh trong bối cảnh một loại các mức thuế quan được công bố cho các nước sau ngày 1/8, đặc biệt cuộc chiến thương lượng thuế quan với các đối tác lớn như EU và Brazil.

Trước tình hình gần như đi ngang của thị trường, xu hướng hút ròng của dòng tiền đầu tư các quỹ ETF Mỹ chỉ tăng nhẹ 1% so với tuần trước, ghi nhận 23,1 tỷ USD, theo dữ liệu từ Yuanta. Trong khi đó, dòng tiền vào các quỹ đầu tư cổ phiếu nội địa Mỹ tăng lượng hút ròng, hơn 4,2 lần lượng huy động tuần trước, ghi nhận 4,6 tỷ USD bơm ròng; các quỹ đầu tư trái phiếu Mỹ huy động thêm 6,8 tỷ USD, giảm 24% so với tuần trước đó.

Cùng lúc đó, các quỹ ETF đầu tư ra thị trường ngoài Mỹ ghi nhận xu hướng hút ròng giảm lại so với tuần trước. Cụ thể, các quỹ đầu tư cổ phiếu ngoài Mỹ huy động thêm 4,8 tỷ USD, giảm 10% so với con số ghi nhận trong tuần trước; các quỹ đầu tư trái phiếu hút ròng 949 triệu USD, giảm 21% so với con số ghi nhận tuần trước đó. Các quỹ ETF đầu tư hàng hóa đảo chiều quay lại hút ròng trở lại 477 triệu USD.

Tại châu Á, thị trường chứng khoán Đài Loan tiếp tục dẫn đầu xu hướng hút ròng dòng tiền của khối ngoại, với 1,1 tỷ USD, giảm 61% so với tuần trước đó. Theo sau, là thị trường chứng khoán Hàn Quốc, đảo chiều hút ròng 711 triệu USD. Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán Indonesia dẫn đầu chiều rút ròng với 115,2 triệu USD.

Các quỹ ETF đầu tư tập trung khu vực Đông Nam Á tiếp tục hút ròng mạnh thêm 79,2 triệu USD, gần bằng 4 lần lượng hút ròng trong tuần trước. Dòng tiền chủ yếu vào ròng ở các quỹ đầu tư thị trường Việt Nam (37 triệu USD). Ngược lại, các quỹ ETF đầu tư vào Philipines dẫn đầu chiều rút ròng với 12.8 triệu USD.

Tại Việt Nam, quỹ VanEck bơm ròng trở lại 28,9 triệu USD, bên cạnh đó, quỹ FUEVFVND cũng ghi nhận lượng hút ròng 13,7 triệu USD, đóng góp chính vào đà hút ròng ETF vào Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng xu hướng hút ròng của các quỹ ETF, khối ngoại tiếp tục mua ròng thêm 6,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 262 triệu USD trên cả 3 sàn. Trong đó, SSI tiếp tục được mua ròng mạnh hơn 2 nghìn tỷ đồng, ngược lại GEX dẫn đầu chiều bán ròng với 391 tỷ đồng.

Nhận định về dòng tiền khối ngoại nói chung, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược của VPBankS, cho rằng dòng tiền ngoại quay lại rất nhanh, rất nóng. Phiên mua ròng đầu tiên là ngày 2/7, khi ông Donald Trump công bố mức thuế lên Việt Nam. Ngay khi thông tin trên được đưa ra, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào khá mạnh mẽ, đạt 12.500 tỷ đồng trên HSX sau hai tuần mua ròng.

Với tín hiệu mua ròng trên, rất khó xác định dòng tiền có phải từ p-notes hay dòng vốn khác. Nhìn về lịch sử, dòng tiền P-notes thường sẽ chốt cơ hội rất nhanh. Ngoài ra, kiểm tra trên kênh ETF, hai quỹ được rót vốn ròng rất mạnh là VanEck Vietnam và DCVFMVN Diamond. VanEck Vietnam hút được khoảng 29 triệu USD, còn DCVFMVN hút về gần 14 triệu. Tính trong tuần qua, các ETF đã huy động được thêm gần 37 triệu USD – một con số rất lớn.

Dữ liệu này cho thấy ngoài yếu tố p-notes, nhà đầu tư ngoại đang chú ý và giải ngân tại Việt Nam. Xu hướng này rất ăn nhập với câu chuyện kỳ vọng nâng hạng sắp tới.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, cho biết trong lịch sử, giai đoạn 12/2017 – 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có đà tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại khi các nhà đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng trong năm 2018 với tổng giá trị mua ròng trong năm 2018 là 43.000 tỷ giá trị mua ròng tăng mạnh nhất là quý 1/2018 và khối ngoại cũng đảo chiều bán ròng vào quý 3/2018, đây cũng là thời điểm kết quả về xem xét đánh giá nâng hạng thị trường.

Như vậy, có thể thấy, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng có thể là câu chuyện hỗ trợ cho dòng vốn ngoại như đã từng diễn ra ở các thị trường chứng khoán khác, nổi bật nhất là Pakistan.

Tuy nhiên, vẫn có các lý do khác để dòng vốn xoay chuyển vào thị trường Việt Nam như là chênh lệch lợi suất trái phiếu Chính phủ USD-VND đã thu hẹp dần, thuế quan hạ nhiệt, định giá thấp hơn so với các thị trường chứng khoán khác. Như vậy, dòng vốn ngoại quay trở lại có thể không chỉ là vì các yếu tố ngắn hạn mà mang xu hướng trung hạn hơn trong 3 tháng tới.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/etf-viet-nam-bat-ngo-hut-tien-manh-nhat-dong-nam-a.htm