Giá trị tác phẩm 'Thánh đăng ngữ lục'

Thánh đăng ngữ lục là một tác phẩm quan trọng trong kho tàng sách Phật giáo của Việt Nam, việc phát hiện bộ sách in tại Ninh Bình và sau đó lại phát hiện bộ mộc bản của lần in đó lưu tại động Bàn Long, Ninh Bình là những phát hiện có giá trị.

Tác giả: TT TS Thích Thanh Phương, NNC Phan Anh Dũng - Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam

Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ

Tóm tắt: Bài viết giới thiệu về bộ tác phẩm Thánh đăng ngữ lục trước đây được khắc ván và tàng bản ở Bàn Long Động, Ninh Bình. Đây là tác phẩm ghi chép về sự tu hành và ngộ đạo của năm vị vua đời Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông. Năm vị vua này đều ngộ lý thiền và được trao đèn Thánh. Các Ngài tự tu hành và dạy những người trong hoàng cung cũng như thứ dân tu theo đạo Phật. Tác phẩm này có nhiều bản khác nhau lưu giữ ở nhiều nơi như ở Viện Hán Nôm, chùa Linh Ứng, chùa Hòe Nhai. Các khảo cứu có thể cung cấp thêm những giá trị của văn bản này trong dòng chảy của di sản Phật giáo thời Trần.

Từ khóa: Thánh đăng ngữ lục, Trúc Lâm Tổ sư, Chân Nguyên Tuệ Đăng, Bàn Long Động, xã Khê Đầu, chùa Khánh Long, xã Phù Liễn, Thông Đạt Trần Kim Liên.

1. Mở đầu

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và đượcl ư u truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. (Khoản 1, 2 Điều 4 Luật di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009).

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Tác phẩm Thánh đăng ngữ lục là một tập sách thuật lại hành trạng tu tập đạo Phật của năm vị vua đời Trần, có nhiều giá trị về tư liệu sử học và văn học được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm khai thác. Về tình hình các truyền bản Thánh đăng ngữ lục cho đến nay tạm xác định được là còn lưu 3 truyền bản:

A. Bản kí hiệu A. 2569 được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm do sư Tính Quảng viết tựa năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), sư Tính Lãng đứng ra lo công việc khắc ván, có đầu đề là Việt quốc Yên Tử sơn Trúc Lâm chư tổ Thánh đăng ngữ lục (1). Qua bài tựa, chúng ta biết sách này đã từng in vào thời Mạc, sau đó đến năm Vĩnh Thịnh Ất Dậu (1705) đã được sư Chân Nguyên in lại có chỉnh sửa. Đến Tính Quảng là hàng pháp tôn của Chân Nguyên in lại lần nữa năm 1750.

B. Bản kí hiệu AC. 604 cũng lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, in vào năm Tự Đức thứ nhất (1848) do chùa Thuần Mỹ tàng bản. Bản này tiêu đề chỉ có 3 chữ “Thánh đăng lục”, và có in thêm vào trước ba bản kinh văn Phật giáo. Bản này có bài tựa đề Trùng san Thánh Đăng lục tịnh tuyển Phật đồ tự do sư Chân Nghiêm ở chùa Sùng Quang viết, có thể xác định là viết vào thời Mạc vì có đề cập người cúng dường khắc in đứng đầu là Quận chúa Mạc Ngọc Ngân triều Mạc, nhưng không ghi cụ thể năm san khắc cùng niên hiệu.

C. Bản in vào năm Bính Dần Bảo Đại 1 (1926) ghi tàng bản ở xã Khê Đầu, tổng Vũ Lâm, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, tác giả Thích Đồng Dưỡng giới thiệu lần đầu trên Văn Hóa Phật giáo, số 115, năm 2010. Đây chỉ là một bản sao lại do Đại đức Thích Giác Thành ở chùa (Linh Ứng tự), Gia Lộc, Hải Dương sưu tầm và cung cấp cho tác giả Thích Đồng Dưỡng, chưa rõ lai lịch bản gốc. Trang đầu in 3 chữ to Bàn Long Động nên dễ nhầm tưởng đó là tên sách, thực ra đó là tên động ở xã Khê Đầu, nơi tàng mộc bản. Bài tựa sách cho biết sư Thông Đạt thế danh là Trần Kim Liên, trụ trì chùa Khánh Long, xã Phù Liễn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, kiêm động chủ Bàn Long Động ở Ninh Bình được trụ trì chùa Yên Vệ cũng ở Ninh Bình trao cho một bản Thánh đăng ngữ lục, xem thấy đây là bản sách quý nên sư đã lên tận chùa Long Động ở Yên Tử để hỏi về bản gốc (thường là hỏi về mộc bản), các sư ở chùa Long Động sau khi kiểm báo lại là đã thất lạc, nên sư Thông Đạt đã phổ khuyến nhiều nơi để tiến hành san khắc lại. Như vậy nhiều khả năng bản sư chùa Yên Vệ tặng chính là bản Long Động do Chân Nguyên đứng in nói ở trên, có thế sư Thông Đạt mới lên chùa Long Động tìm hỏi bản gốc.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ cho biết: Thánh đăng ngữ lục là xương tủy của Thiền tông, rất cần thiết đối với tu sĩ Phật giáo Việt Nam. Người tu theo Phật giáo Việt Nam mà không đọc Thánh đăng ngữ lục là một thiếu sót lớn. Giống như thân người có máu thịt da, mà không có xương tủy thì sẽ bị sụm không có thế cứng vững, không còn dáng vóc của con người. Ngài nói Thiền Trúc Lâm cứng vững, không có cái gì làm cho rung chuyển tan hoại. Giống như mỏ chim bằng sắt, mổ đâu là thủng đó. Thế nên bây giờ tôi đề xướng tăng, ni phải nỗ lực nghiên cứu tu theo Thiền Trúc Lâm. Đó là chỗ thấy của ngài Tánh Quảng. Ngài mong mỏi chúng ta phải thấu suốt Thiền Trúc Lâm, vì Thiền Trúc Lâm cứng vững vô cùng.

Ngoài bản của chùa Linh Ứng, Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam còn sưu tầm số hóa được một bản ở chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) phố Hàng Than, Hà Nội, sau khi đối chiếu thì nhận thấy đó cũng là bản photocopy giống như bản ở chùa Hói mà tác giả Thích Đồng Dưỡng đã giới thiệu, tức truyền bản C. Còn GS Lê Mạnh Thát trong Chân Nguyên Thiền sư toàn tập cho biết ông sở hữu một bản giống với bản AC. 604 tức truyền bản B, nhưng sách đó không ghi niên đại, nơi tàng ván cùng người khắc in. Vì vậy có thể coi thực tế chỉ có 3 truyền bản như đã kể trên.

Như vậy có thể khẳng định, bản ở Động Bàn Long khắc lại sau này có bổ sung thêm rất nhiều thông tin mới so với bản thời Cảnh Hưng.

2. Tình trạng văn bản và việc khảo cứu nội dung văn bản

Liên quan đến văn bản này có tác giả Thích Đồng Dưỡng dẫn ở trên đã khảo sát tình trạng văn bản của bản in ở Ninh Bình đồng thời khảo cứu nội dung và so sánh giữa các truyền bản, bài viết rất tỉ mỉ và công phu, bạn đọc có thể tham khảo bài “Phát hiện sách Thánh Đăng Ngữ Lục in tại Ninh Bình” (2), chúng tôi xin tóm tắt lại như sau:

Bản chùa (Linh Ứng) Hói do Đại đức Thích Giác Thành tàng bản có tất cả 67 tờ, phần nội dung chiếm 64 tờ chia làm hai quyển thượng hạ, có một tờ đầu và hơn 2 tờ sau cùng ghi công đức. Mỗi tờ chia làm hai mặt tương đương với hai trang, mỗi trang 10 dòng, kẻ theo chiều dọc, mỗi dòng trung bình 20 chữ, khắc đẹp rõ ràng, sách còn nguyên vẹn. Trên gáy sách chia làm ba phần, phần trên ghi Thánh đăng ngữ lục, phần giữa gáy ghi số tờ, phần cuối gáy sách cũng ghi số nhưng không rõ đánh số thứ tự theo nguyên tắc nào.

Mở đầu sách được trang trí giống tờ bìa, đề ba chữ lớn Bàn Long động 蟠龍峒, phía trên đề Đại Nam Hoàng Đế Bảo Đại, bên trái có lạc khoản Bính Dần mạnh xuân chi cát hựu trùng san khắc Thánh đăng ngữ lục nghĩa là ngày lành giữa xuân năm Bính Dần (1926) in lại sách Thánh đăng ngữ lục, bên phải đề Ninh Bình tỉnh Gia Khánh huyện Vũ Lâm tổng Khê Đầu xã bản lưu nghĩa là bản lưu tại xã Khê Đầu tổng Vũ Lâm huyện Gia Khánh tỉnh Ninh Bình (nay là thôn Khê Đầu thuộc xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Mặt sau ghi danh sách các chùa gồm có mười hàng, đáng chú ý là có tên hai chùa Hàng Kênh và Đồng Giới ở Hải Phòng và có chú rằng hai chùa này cùng sơn môn (với sư Thông Đạt chùa Khánh Long huyện Thủy Nguyên, cũng ở Hải Phòng). Tờ sau có đề Chư quốc lịch đại thánh tổ ngữ lục thượng quyển trùng san tân tự dẫn tức bài tự dẫn được viết nhân việc in lại sách. Quyển thượng bao gồm 32 tờ, cuối tờ 32 ghi “Thánh đăng ngữ lục quyển thượng chung” tức hết quyển thượng. Sau quyển thượng là đến quyển hạ, số tờ được đánh thứ tự lại từ đầu, quyển này cũng có 32 tờ như quyển thượng, tờ 32a dòng 4 ghi “Thánh đăng ngữ lục quyển hạ chung” tức hết quyển hạ, sau đó chép niên đại cùng một bài thơ do sư Thông Đạt viết. Tờ 32b đến tờ 34 là danh sách công đức của chư tăng cùng thập phương tín thí ủng hộ tài chính trong công việc khắc in.

Bài tựa sách có đoạn đáng chú ý: Lúc trước sách được san khắc tại chùa Long Động núi Yên Tử. Bản khắc cũ từ đời Trần, Lê, Mạc, Trịnh, Tây Sơn đến bản triều đã bảy, tám trăm năm. Nay được sách không biết nơi tàng bản, còn mất như thế nào? Thân lên núi Yên Tử hỏi chư tăng. Chư tăng kiểm duyệt rồi nói đã thất lạc, bỏ quyển xuống than rằng: Nếu không được trùng san, Thánh Đăng sẽ ẩn. Vì thế hội tập thiện hữu hưng công san khắc. Hai thông tin rút ra là bản khắc đầu tiên đã có từ đời Trần, thứ hai là trước khi san khắc in ấn lại người ta luôn phải hỏi thông tin tàng bản gốc (chỉ khi mất hay đã hư hỏng mới trùng san, vì việc san khắc lại rất tốn kém có thể thấy qua danh sách dài tín chủ đóng góp trong phần phương danh).

Nhận xét chung là các lần trùng san sau, các bản đều có in thêm một số tác phẩm vào như bản A. 2569 có in kèm với Viên dung tứ thổ tuyển Phật đồ (còn gọi là Tuyển Phật đồ) của Trung Quốc, nhưng sách vẫn để trên gáy tên Thánh đăng ngữ lục và đánh số tờ liên tục. Bản AC. 604 in kèm phía trước ba bản kinh, sau mới đến sách Thánh đăng ngữ lục, bản này có in bài tựa 重 刊聖登錄并選佛圖序Trùng san Thánh đăng lục tịnh tuyển Phật đồ tự do sư Chân Nghiêm soạn. Tuy đầu đề bài tựa nói trùng san Thánh đăng lục và Tuyển Phật đồ nhưng trong bản in lại không thấy Tuyển Phật đồ mà thay vào là 3 bản kinh khác. Chú ý thêm là bài tựa trên do Chân Nghiêm soạn vào đời Mạc, nên hai chữ “trùng san” cho biết bản gốc của Chân Nghiêm (có thể là bản đời Trần hay Lê Sơ) vốn đã có cả Thánh đăng lục và Tuyển Phật đồ.

Riêng bản Ninh Bình lại bỏ hết các bản kinh và Tuyển phật đồ, thay vào là phần biên soạn mới của sư Thông Đạt về bảy Phật quá khứ, 28 tổ Tây Thiên, sáu tổ Đông Độ (Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng), phần này hợp thành quyển thượng, còn phần chính là Thánh đăng ngữ lục đưa vào quyển hạ. Bài tựa của sư Thông Đạt có nói về quy cách biên tập của mình như sau: “Nay, sách Thánh đăng lục trước liệt bảy Phật Thế Tôn, thứ đến 28 tổ Tây Thiên, sáu tổ Đông Độ, sau mới đến sử Trần quốc (Thánh đăng lục)”. Đối chiếu thấy quyển thượng sư Thông Đạt chủ yếu chép theo các sách Kiến tính thành Phật, Ngũ đăng hội nguyên, Kế đăng lục, hoặc có thể thêm tư liệu Trung Quốc nào khác … chứ không sáng tác gì thêm (xin xem bài viết của thầy Thích Đồng Dưỡng có so sánh và nhận xét kỹ).

Cuối quyển thượng, sư Thông Đạt thêm vào bài kệ truyền thừa dòng Lâm Tế miền bắc Bắc, bài kệ này được Tổ sư Chuyết Công truyền xuống và sách Kiến tính thành Phật của sư Chân Nguyên ghi lại, sau đó là Thiền uyển truyền đăng lục quyển hạ của sư Phúc Điền.

Về nội dung quyển hạ thầy Thích Đồng Dưỡng viết “…tờ 1 đến tờ 17b5 thì in giống với các bản trên, tức phần chính của sách là Thánh đăng ngữ lục, ghi chép truyện năm vua đời Trần. Tờ 17b6 đến tờ 22a5 là phần tiểu truyện của ba Thiền sư Chân Nguyên, Như Trừng, Như Hiện. Ba tiểu truyện này chép lại từ sách Kế đăng lục quyển tả. Hầu như chép nguyên, chỉ thêm một vài từ ở đầu các truyện. Từ tờ 22a6 đến 26a5 là bài văn nói về tam quy ngũ giới, không rõ tác giả. Phần tiếp theo là bài Vô Tế Đại sư tam dược phương khuyến nhân niệm Phật nguyện sinh Tịnh độ chiếm từ tờ 26a6 đến tờ 27a2. Bài Khuyến hành nhẫn nhục tối yếu nhất tâm niệm Phật nguyện sinh Tịnh độ từ tờ 27b3 đến tờ 28a9. Phần cuối cùng của quyển hạ là Thi Già la việt lục phương lễ kinh từ tờ 28a9 đến hết. Sau đó là phần danh sách công đức. Như thế, quyển hạ ngoài phần Thánh đăng ngữ lục giống như hai bản giới thiệu ở trên còn có thêm một số các phần khác.”.

Về việc đối chiếu các bản in, chi tiết sai biệt đáng để ý nhất là bài kệ của Trúc Lâm Đại Sĩ (Trần Nhân Tông) trao phó cho Công chúa Thiên Thụy, theo bài tựa Trùng tuyên Thánh đăng ngữ lục tự, Thiền sư Tính Quảng có nói đến một sự sai khác của bản in đời Mạc do sư Chân Nghiêm và bản in chùa Long Động do sư Chân Nguyên đứng khắc: “Trước kia khoảng hai trăm năm, Đại sư Chân Nghiêm khắc bản ngữ lục này ở chùa Sùng Quang tại Cẩm Giang có thấy một đoạn Đại sĩ Trúc Lâm chỉ dạy cho công chúa Thiên Thụy bệnh, ở am Bình Dương tại Chí Linh trao phó bài kệ:

Thế số nhất sách mạc,

Thời tình lưỡng hải ngân.

Ma cung hồn quản thậm,

Phật quốc bất thắng xuân.

Tạm dịch:

Số đời thật tẻ nhạt,

Lòng người hai biển vàng.

Cung ma dồn quá lắm,

Cõi Phật vui nào hơn.

Đến khi thấy bản khắc ở Long Động đổi hai chữ “sách mạc”, thành “tức mặc”, thì điều vướng ngại trong lòng từ ba mươi năm trước, nay mới được cởi mở mà hiểu thông với người đương thời” (3).

Đây là một sự dị biệt giữa hai bản đời Mạc và bản đời Lê của sư Chân Nguyên. Bản Long Động do sư Chân Nguyên đứng in, sau được pháp tôn Tính Lãng trùng san năm 1750 thì bài kệ trên vẫn đề là “Tức mặc”. Bản đời Mạc không còn giữ được nhưng sang đời Nguyễn chùa Thuần Mỹ đã trùng san vào năm Tự Đức thứ nhất (1848), tức bản AC. 604, câu đầu bài kệ trong bản này như sau: “Thế số nhất sách mạc” (4) như thế nó vẫn trung thành với bản đời Mạc mà sư Tính Quảng đã chỉ ra.

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Còn bản in tại Ninh Bình thì câu thứ nhất bài thơ dùng chữ “Tức mặc” giống như bản trùng san năm 1750, tức bản Ninh Bình đã theo truyền bản Long Động, điều này không có gì phải thắc mắc, vì chính sư Thông Đạt đã nói rõ trong bài tựa là đã lên chùa Long Động hỏi về bản gốc.

Khi so kỹ thêm với bản đời Mạc (AC. 604) nhóm chúng tôi (Trung tâm Tư liệu Phật giáo VN) phát hiện thêm một chi tiết, cuối đoạn viết về Trần Nhân Tông, sau khi kể việc lập 3 sở giới đàn là chùa Chân Giáo trong Đại Nội, chùa Báo Ân ở Siêu Loại (huyện Thuận Thành), chùa Phổ Minh ở Thiên Trường, bản Ninh Bình có kể thêm “hựu sáng linh từ nhất sở tại Ninh Bình tỉnh, Văn Lâm xã” (lại lập một sở đền linh tại xã Văn Lâm, tỉnh Ninh bình). Thông tin này khá phù hợp với các thông tin về việc sau kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con, lui về vùng núi trong khu rừng Ô Lâm, thuộc tổng Vũ Lâm xưa (nay thuộc phía Tây thôn Văn Lâm) lập am Thái Vi tu hành (sau này các vị vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông cũng xuất gia tại đây) và xây dựng Hành Cung Vũ Lâm chiêu mộ dân lưu tán, khai hoang lập ấp, sản xuất nông nghiệp, tích trữ lương thực, tôn tạo những nơi xung yếu làm nên chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ hai và ba (xem chú thích).

Cuối quyển hạ có phần ghi niên đại và nơi tàng bản: “Đại Nam hoàng Nguyễn Bảo Đại nguyên niên (1926) mạnh xuân nguyệt. Ninh Bình tỉnh Gia Khánh huyện Vũ Lâm tổng Khê Đầu xã Thượng thôn Bàn Long Động bản lưu dĩ hiểu hậu ấn”, sau đó có chép một bài thơ họa của chủ nhân động tức sư Thông Đạt, nội dung ca ngợi chùa và động của mình như sau:

Bàn Long chung tú ức thiên niên

Phù Liễn tương truyền xuất thánh tiên

Phật đức nguy nga Đông Độ thượng

Pháp luân thường chuyển biến Nam Thiên

Thập phương ngưỡng vọng tham Tây bái

Thất chúng biện tài hóa Bắc biên

Nhật nguyệt uy quang minh viễn chiếu

Nhân dân lạc đạo tiến đào nguyên.

Dịch ý:

Động Bản Long chung đúc nên cảnh đẹp đã hàng nghìn năm

Làng Phù Liễn tương truyền là nơi thánh tiên xuất hiện

Đức của Phật cao vời trên đất Đông Độ

Bánh xe Pháp luân thường xoay chuyển khắp cả trời Nam

Tín chủ mười phương đều ngưỡng vọng tham bái về hướng Tây

Bảy chúng cùng biện giải được lẽ huyền (5) mà hóa về bên Bắc

Nhật nguyệt sáng lòa uy nghi chiếu khắp

Nhân dân vui đạo mà vào đất đào nguyên.

Sau bài thơ có dòng ghi Động chủ Trần Kim Liên tự Thông Đạt cung tiến các nơi:

- Bản tỉnh Diên Khánh tự tôn sư tự Thanh Tuệ, hiệu Dũng Trí

- Kiến An tỉnh, Phù Liễn xã, Khánh Long tự tôn sư tự Tâm Trừ, tự Phổ Dao, tự Chiếu Lượng, tự Phổ Thông, tự Phổ Điển, tự Thông Đăng, Hải Phòng châu thành.

- Đa Bảo tự đệ tứ thế tôn Tri Chỉ bật sô tự Nguyên Uẩn hiệu Trí Nhu tự Nguyên Loan, tự Nguyên Mỹ phổ cập thiền đồ pháp phái chư vị giác linh.

- Tiếp đến phần cung tiến cha mẹ ông bà của sư Thông Đạt, cùng với nhiều vị sư, ni, bà con thân cận có vẻ riêng tư nên xin lược bỏ không kê.

Kế đến là phần phương danh rất dài theo bản chùa Hói đến tờ 34, còn theo ván chúng tôi rập được từ ván in thì có đến tận tờ 38, sở dĩ dài vì tín chủ kê cả con cái dâu rể và xin cung tiến cho cả cha mẹ đã mất (ghi đủ cả tên). Bắt đầu danh sách là các tín thí ở bản thôn nơi có Động Bàn Long tức thôn Khê Đầu Thượng xã Khê Đầu, nay là xã Ninh Xuân huyện Hoa Lư.

3. Về tình trạng bộ mộc bản hiện nay

Bộ mộc bản hiện còn nhiều ván bị mục nát dù thời gian chưa đến một thế kỷ, do điều kiện bảo quản trước đây trong hang động ẩm ướt dễ bị hư mục, có một ván đã mất hẳn. Theo thống kê hiện còn 40 ván, chỉ thiếu một tờ đó là tờ 6 của quyển hạ (ván mất). Số tờ phương danh là 7, so với bản chùa Linh Ứng mà tác giả Thích Đồng Dưỡng đã thống kê đến tờ 34 thì có thêm 4 tờ từ 35 đến 38, có thể do bản photocopy của chùa Linh Ứng bị thiếu? Hoặc có thể bộ ván này từng được in lại, lần in sau đã bổ sung ván ghi phương danh của những tín chủ cúng dường đợt sau? Hay là có phương danh của sách khác lẫn vào? Đối với khả năng sau cùng chúng tôi đã dò thấy tờ 35 và 38 cột giữa có ghi rõ tên Thánh đăng ngữ lục nên không thể có chuyện lẫn, chỉ có tờ 36 và 37 không ghi tên, chỉ ghi hai chữ “phương danh” nhưng kiểu chữ khắc rất giống tờ 34 nên cũng ít khả năng lẫn từ sách khác (chú ý thêm là tờ 34 cột giữa cũng chỉ ghi hai chữ “phương danh”, nhưng được khắc cùng một ván với tờ 10 quyển hạ, tờ 38 thì khắc chung tờ 11 quyển hạ, theo lý thông thường thì là cùng một sách).

Số liệu kích thước: Phần khung in rộng 26cm, cao 20,1cm.

Khổ ván trung bình rộng 30cm, cao 21cm, dày trung bình 2cm

Mỗi trang chia 10 cột rộng 1,2cm, cột ghi tên sách và số tờ ở giữa rộng khoảng 1,4cm.

Tình trạng từng ván xem bản kê ở dưới.

Bảng kê cụ thể từng ván

Bảng kê cụ thể từng ván

4. Tạm kết

Thánh đăng ngữ lục là một tác phẩm quan trọng trong kho tàng sách Phật giáo của Việt Nam, việc phát hiện bộ sách in tại Ninh Bình và sau đó lại phát hiện bộ mộc bản của lần in đó lưu tại động Bàn Long, Ninh Bình là những phát hiện có giá trị.

Toàn cảnh chùa Linh Ứng (chùa Hói), Hải Dương - Ảnh: Sưu tầm

Toàn cảnh chùa Linh Ứng (chùa Hói), Hải Dương - Ảnh: Sưu tầm

Về giá trị nội dung liên quan đến tư tưởng dòng Thiền Trúc Lâm. Thiền sư Chân Nguyên khi nhận xét về Thánh Đăng Lục cho rằng là tập tài liệu mà Ngài y cứ để viết ra quyển Thiền Tông Bản Hạnh. Trong đoạn “Dòng Thiền Trúc Lâm” Ngài viết: Xem Thánh Đăng Lục giảng ra, Kéo đèn Phật Tổ sáng hòa Tam thiên. Ngài nói xem quyển Thánh Đăng Lục giảng ra là khêu sáng ngọn đèn Phật Tổ tỏa khắp Tam thiên Đại thiên thế giới. Đó là hai câu ngài tán thán Thánh Đăng Lục. Trong đoạn “Kết Luận Về Giáo Lý Thiền” Ngài viết: Đạo truyền từ cổ chí kim, Thánh đăng ngữ lục ấn tâm trường tồn.

Việc khảo cứu bộ sách này và đối chiếu với các truyền bản khác có thể rút ra nhiều thông tin bổ ích liên quan tới quá trình lưu truyền kinh sách (ví dụ việc sách in sau thường có bổ sung sửa chữa nhiều, nhưng sách này vẫn giữ gần nguyên vẹn phần cốt lõi là hành trạng năm vị vua Phật giáo đời Trần). Việc khảo cứu các bài tự, bạt, phương danh cũng có thể giúp vào việc xác định thế thứ lịch sử truyền đăng của các chùa.

Ngoài giá trị tư liệu bộ ván còn có giá trị về văn hóa và lịch sử không chỉ riêng với Phật giáo, nên cần được tổ chức số hóa và bảo quản cẩn thận, theo các tiêu chuẩn kỹ thuật mới, có thể cần thêm các hoạt động xử lý tu bổ hay khắc lại số ván thiếu để bảo tồn bảo tàng cho các thế hệ mai sau.

Tác giả: TT TS Thích Thanh Phương, NNC Phan Anh Dũng - Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam

Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ

***

CHÚ THÍCH:

(1) Bản này đã được Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch giải bản in, nhưng không khảo cứu văn bản và không dịch phần Hậu bạt in sau sách. Xem Thích Thanh Từ, Thánh Đăng Lục giảng giải, Nxb TP HCM, 1999.

(2) https://phatgiaoquangnam.com/phat-hien-sach-thanh-dang-ngu-luc-tai-ninh-binh/

(3) Đoạn in nghiêng trích từ Thánh Đăng Lục giảng giải, Thích Thanh Từ, Nxb TP HCM, 1999, Tr. 4-5.

(4) Thánh đăng ngữ lục (Bản AC. 604) tờ 36b3.

(5) Nguyên văn “biện tài 辨才” là biện giải được các chỗ chướng ngại, có thể hiểu rộng ra là viên thông, giác ngộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phát hiện sách Thánh đăng ngữ lục in tại Ninh Bình. Thích Đồng Dưỡng. Văn Hóa Phật Giáo, số 115, năm 2010.

2. Thánh đăng ngữ lục (AC. 604) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

3. Thánh đăng ngữ lục, bản in năm Bảo Đại thứ nhất (1926), bản lưu tại động Bàn Long.

4. Việt quốc Yên Tử sơn Trúc Lâm chư tổ Thánh đăng ngữ lục (A. 2569) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

5. Kế đăng lục, bản in năm Duy tân thứ nhất (1907), chùa Nguyệt Quang tàng bản.

6. Thích Thanh Từ, Thánh Đăng Lục giảng giải, Nxb TP HCM, 1999.

7. Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên thiền sư toàn tập, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh, TP HCM, 1980.

8. Đền Thái Vi - thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nguyễn Vân. Trang web http://trangandanhthang.vn/ di-tich-danh-thang/den-thai-vi-thon-van-lam-xa-ninh-hai-huyen-hoa-lu-tinh-ninh-binh-237522 , truy cập 14g30, ngày 14/07/2024.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/gia-tri-tac-pham-thanh-dang-ngu-luc.html