Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025: Định hình một Việt Nam xanh hơn
LTS. Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, sự nỗ lực từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng đã tạo được những bước tiến tích cực, giúp dần định hình một Việt Nam xanh hơn.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh và ứng dụng khoa học - công nghệ. (Nguồn: Viet Times)
Bước tiến chuyển đổi xanh
Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi xanh và thúc đẩy khoa học - công nghệ phục vụ quá trình này. Với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, hoàn thiện thể chế và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực bền vững.
Trên phương diện chuyển đổi xanh, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, tạo hành lang pháp lý và chính sách cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thị trường tín chỉ carbon. Các chính sách ưu đãi thuế và tín dụng xanh cũng đang được triển khai để thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất xanh và logistics bền vững.
Trong ngành năng lượng, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về điện mặt trời và điện gió, với tổng công suất năng lượng tái tạo đạt hơn 25 GW vào năm 2023. Quy hoạch điện VIII xác định lộ trình giảm dần điện than, đẩy mạnh điện gió, mặt trời và phát triển hydro xanh. Việt Nam cũng đang hợp tác với các đối tác quốc tế như G7 thông qua chương trình JETP để huy động 15,5 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
Về kinh tế tuần hoàn, một số ngành như nhựa, dệt may, thép và xi măng đã áp dụng các mô hình tái chế và sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường. Các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang thử nghiệm các hệ thống quản lý rác thải thông minh nhằm giảm ô nhiễm và tận dụng tài nguyên tái chế. Trong lĩnh vực giao thông xanh, Việt Nam đang thúc đẩy phát triển xe điện và các chính sách hỗ trợ như miễn thuế trước bạ, giảm phí đăng ký. Đồng thời, các đô thị lớn cũng đang đầu tư phát triển hệ thống metro và xe buýt điện để giảm phát thải khí nhà kính.
Công nghệ số, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn, đang được ứng dụng vào giám sát môi trường, tối ưu hóa hệ thống điện và quản lý đô thị thông minh. Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên cũng đang triển khai các giải pháp blockchain nhằm theo dõi và giao dịch tín chỉ carbon một cách minh bạch hơn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, công nghệ sinh học đang được ứng dụng để phát triển các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xanh đang dần hình thành, với sự ra đời của nhiều startup phát triển các sản phẩm và giải pháp bền vững như tấm lót giày tái chế từ bã cà phê, năng lượng sạch và xe điện thông minh.

Phát triển đội ngũ nhân lực trong các ngành công nghệ cao sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam bắt kịp xu thế toàn cầu. (Nguồn: VGP)
Hướng tới hình mẫu hòa hợp với thiên nhiên
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh và ứng dụng khoa học - công nghệ. Dù đã có những bước tiến đáng kể, nhưng hệ thống luật pháp và chính sách vẫn chưa đồng bộ, gây ra nhiều rào cản trong thực tiễn triển khai.
Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ chế định giá carbon hoàn chỉnh, trong khi thị trường tín chỉ carbon mới đang ở giai đoạn thử nghiệm và chưa có khung giá cụ thể. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư vào các dự án giảm phát thải và phát triển năng lượng sạch. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ chưa thực sự ổn định, như việc thay đổi liên tục giá FIT (Feed-in Tariff) cho điện mặt trời trong giai đoạn 2017-2022 đã làm gián đoạn kế hoạch của nhiều nhà đầu tư. Chính sách giá điện gió cũng gặp vướng mắc, khiến hơn 4.000 MW công suất đã hoàn thành nhưng chưa thể đấu nối vào lưới điện.
Việc phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài là một rào cản lớn đối với quá trình nội địa hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xe điện và lưu trữ điện. Theo Bộ Công Thương, khoảng 80% thiết bị trong các dự án điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và châu Âu. Trong ngành xe điện, linh kiện quan trọng như pin, động cơ điện và chip điều khiển vẫn phải nhập khẩu, khiến chi phí sản xuất cao hơn so với các nước có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.
Chi phí đầu tư cao và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn cũng là một thách thức lớn. Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để đạt mục tiêu Net-zero vào năm 2050, trong đó 130 tỷ USD dành riêng cho năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, lãi suất vay vốn cho các dự án xanh tại Việt Nam vẫn ở mức 8-10%/năm, cao hơn nhiều so với mức 3-5%/năm tại châu Âu, do Việt Nam chưa có hệ thống quỹ đầu tư xanh phát triển mạnh. Đồng thời, cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo chưa rõ ràng, khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn từ ngân hàng và các quỹ đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học - công nghệ xanh vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam cần khoảng 1,5 triệu lao động có kỹ năng về công nghệ số và năng lượng tái tạo vào năm 2030, nhưng hiện nay nguồn cung mới chỉ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu. Trong ngành năng lượng gió, chỉ có khoảng 2% kỹ sư điện ở Việt Nam có kinh nghiệm làm việc với tuabin gió và hệ thống lưu trữ năng lượng. Các lĩnh vực quan trọng như AI, IoT và blockchain ứng dụng trong chuyển đổi xanh vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, chủ yếu tập trung ở các công ty công nghệ lớn mà chưa phổ biến rộng rãi trong doanh nghiệp sản xuất xanh.
Ngoài ra, hệ thống giáo dục chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế xanh. Hiện chỉ có khoảng 30% các trường đại học tại Việt Nam có chương trình đào tạo liên quan đến kinh tế xanh và công nghệ môi trường. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động chuyên môn trong các lĩnh vực mới như quản lý tín chỉ carbon, AI trong năng lượng và công nghệ lưu trữ điện.
Những thách thức trên đặt ra yêu cầu cấp bách về cải cách chính sách, nâng cao năng lực công nghệ nội địa và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện thị trường tín chỉ carbon, tạo khung pháp lý ổn định cho đầu tư xanh và giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu bằng cách khuyến khích nghiên cứu và sản xuất trong nước. Đồng thời, cần thiết lập các quỹ đầu tư xanh, cải thiện cơ chế đấu thầu và hạ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi xanh.
Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực trong các ngành công nghệ cao sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam bắt kịp xu thế toàn cầu. Đồng thời, hướng tới một tương lai mà Việt Nam không chỉ là quốc gia phát triển, mà còn là hình mẫu của sự hòa hợp với thiên nhiên.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và tục tiêu toàn cầu (P4G) do Việt Nam lần đầu đăng cai sẽ diễn ra từ ngày 16-17/4, tại Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động bên lề sự kiện sẽ bắt đầu từ ngày 14/4.
P4G hiện có 9 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác (Viện Tài nguyên thế giới - WRI, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu - GGGI, mạng lưới C40 - C40 cities, Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF và Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC).
P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay được xem là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá du lịch xanh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.