Hợp long công trình cầu vượt sông Đáy nối 2 tỉnh Ninh Bình – Nam Định

Cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình với Nam Định đang bước vào giai đoạn nước rút, dự kiến hoàn thành dịp Quốc khánh, góp phần phát triển liên kết vùng.

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ hợp long cầu vượt sông Đáy – công trình giao thông trọng điểm nối liền huyện Kim Sơn (Ninh Bình) với huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển khu vực Bắc Bộ.

Khi đi vào hoạt động, cây cầu sẽ trở thành trục kết nối chiến lược giữa các địa phương ven biển như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hóa. Không chỉ tạo thuận lợi cho giao thương, công trình còn có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực duyên hải.

Tại lễ hợp long, ông Phạm Quốc Chính – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình – cho biết đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu để hoàn thiện khối lượng còn lại. Công tác thi công sẽ được đẩy nhanh bằng cách tăng ca, làm đêm và không nghỉ lễ, nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao đúng dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2025.

Dự án cầu vượt sông Đáy dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Dự án cầu vượt sông Đáy dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Cầu vượt sông Đáy là hạng mục then chốt trong Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I). Dự án này đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương từ năm 2019 và UBND tỉnh phê duyệt đầu tư chính thức vào cuối năm 2020.

Theo thiết kế kỹ thuật, cây cầu có chiều dài khoảng 1,2 km, mặt cầu rộng 12 m, với vận tốc khai thác tối đa 80 km/h. Hai bên cầu còn có tuyến đường dẫn dài trên 2 km, phù hợp tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Tổng mức đầu tư của dự án vượt 680 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương.

Khi hoàn thành, công trình không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng mà còn cụ thể hóa chiến lược phát triển hạ tầng đồng bộ và hiện đại của tỉnh Ninh Bình. Đây là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình đưa Ninh Bình trở thành thành phố di sản và đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2035.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hop-long-cong-trinh-cau-vuot-song-day-noi-2-tinh-ninh-binh-nam-dinh-98882.html