Khí CO nguy hiểm như thế nào và các bước sơ cứu nhanh tại hiện trường

CO là hợp chất gồm một nguyên tử carbon và một nguyên tử oxy (CO). Đây là khí không màu, không mùi, không vị, dễ cháy, có độc tính cao.

Liên quan đến vụ việc 2 công nhân tử vong, ba người nguy kịch nghi do ngộ độc khí CO tại nhà máy gạch men ở Đồng Nai vào ngày 25/5.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Bộ Quốc phòng, ngộ độc Carbon Monoxide (CO) là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, với hàng chục ca tử vong và hàng trăm trường hợp nhập viện mỗi năm.

Bác sĩ Hoàng cho biết, khí Carbon Monoxide (CO) là một khí không màu, không mùi, không vị và rất độc hại, được mệnh danh là “kẻ sát nhân thầm lặng” do đặc tính khó nhận biết bằng giác quan thông thường.

CO chủ yếu sinh ra từ quá trình cháy không hoàn toàn các vật liệu chứa carbon như than, củi, xăng, dầu và khí đốt trong điều kiện thiếu oxy. Ngộ độc CO có thể xảy ra nhanh chóng, gây bất tỉnh và tử vong trong vài phút.

Bác sĩ Hoàng cho biết, trong môi trường lao động, đặc biệt các ngành công nghiệp nặng như sản xuất vật liệu xây dựng (lò gạch, nhà máy gạch men) và các xưởng công nghiệp, nguy cơ phơi nhiễm CO rất cao.

“Do đó việc hiểu rõ cơ chế độc, nhận diện sớm, xử trí kịp thời và áp dụng biện pháp phòng ngừa là yếu tố then chốt bảo vệ sức khỏe người lao động, giảm gánh nặng y tế và kinh tế xã hội”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đang điều trị cho các nạn nhân. (Ảnh: NLĐ)

Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đang điều trị cho các nạn nhân. (Ảnh: NLĐ)

Đặc điểm và nguồn gốc khí CO

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, CO là hợp chất gồm một nguyên tử carbon và một nguyên tử oxy (CO). Đây là khí không màu, không mùi, không vị, dễ cháy, có độc tính cao.

CO là sản phẩm chính của quá trình cháy không hoàn toàn các hợp chất chứa carbon. Phân tử CO có liên kết ba bền vững, trơ ở nhiệt độ thường nhưng hoạt động mạnh ở nhiệt độ cao.

CO là chất khử mạnh, oxit trung tính, không tạo muối với axit hoặc bazơ ở nhiệt độ thường.

Trong đời sống, CO sinh ra từ đốt cháy không hoàn toàn than, củi, xăng, dầu, khí đốt trong bếp lò, lò sưởi, đèn lồng, bếp gas, máy phát điện, động cơ xe, đặc biệt trong phòng kín hoặc thông gió kém. Khói thuốc lá cũng là nguồn CO, tuy nhỏ nhưng đáng kể.

Trong công nghiệp, CO phát sinh từ lò nung, lò đốt, nhà máy điện than, xưởng cơ khí, nhà máy hóa chất, lọc dầu, thép, bia, các không gian kín, máy phát điện di động, động cơ xăng dầu, máy rửa áp lực, xe nâng.

Cơ chế gây tử vong nhanh và bất tỉnh đột ngột

CO không chỉ chiếm chỗ oxy mà còn làm oxy còn lại khó giải phóng mô, đồng thời độc trực tiếp tế bào, đặc biệt ở não và tim.

Thiếu oxy cấp tính não và tim gây mất ý thức nhanh, tử vong do suy hô hấp trung ương hoặc ngừng tim.

Thời gian bán thải COHb là 4 giờ trong không khí phòng, giảm còn 80 phút với oxy đẳng áp, 23 phút với oxy cao áp, giải thích hiệu quả của liệu pháp oxy cao áp trong điều trị.

Triệu chứng ngộ độc khí CO theo nồng độ COHb trong máu

Nếu nồng độ COHb 10-20%, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ như nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt, yếu cơ, khó tập trung và có thể có rối loạn hành vi nhẹ. Đây là giai đoạn đầu, triệu chứng thường không đặc hiệu và dễ bị nhầm với cảm cúm hoặc nhiễm virus.

Nồng độ COHb > 20%, bệnh nhân nhân cảm thấy chóng mặt rõ hơn, mệt mỏi nặng, khó tập trung, giảm khả năng đánh giá tình huống. Có thể bắt đầu thấy khó thở khi gắng sức, đau tức ngực (đặc biệt ở người có bệnh tim mạch), và cảm giác lẫn lộn, rối loạn tinh thần.

Nồng độ COHb > 30%, người bệnh xuất hiện các triệu chứng nặng hơn với khó thở rõ rệt, đau ngực, mệt mỏi nhiều, rối loạn ý thức, mờ mắt, khó vận động. Có thể xuất hiện các dấu hiệu tổn thương não, tổn thương tim và cơ, đặc biệt ở người già, người có bệnh mạn tính hoặc phụ nữ mang thai. Người bệnh có thể có da và niêm mạc đỏ anh đào (dấu hiệu đặc trưng nhưng không phổ biến).

Nồng độ COHb > 40-50%, lúc này bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như ngất xỉu, co giật, mất phương hướng, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, tím môi và các đầu chi. Có thể có tổn thương cơ tim cấp, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nồng độ COHb > 60%, đây là tình trạng rất nguy kịch, có thể gây hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, co giật, và tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị hỗ trợ oxy và cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân nạn nhân bất tỉnh nhanh chóng

Có nhiều nguyên nhân khiến nạn nhân bất tỉnh nhanh chóng, có thể là hiếu oxy não cấp tính do CO chiếm chỗ oxy trên Hb; Không có cảnh báo giác quan, nạn nhân không nhận ra nguy hiểm; Độc trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương gây ức chế hô hấp; Đối tượng dễ tổn thương như trẻ sơ sinh, người già, bệnh tim, thiếu máu có dự trữ oxy kém hơn.

Đối tượng nguy cơ cao dễ ngộ độc CO gồm: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; Người cao tuổi, bệnh tim mạn tính, thiếu máu, bệnh hô hấp; Phụ nữ mang thai và thai nhi; Người sống ở vùng cao, hàm lượng oxy thấp; Người hút thuốc lá có COHb nền cao hơn.

Xử trí khẩn cấp và sơ cứu ban đầu ngộ độc khí CO

Khi cấp cứu ban đầu bệnh nhân ngộ độc khí CO cần ưu tiên an toàn cho người cấp cứu, không vào vùng nhiễm độc nếu không có thiết bị bảo hộ hô hấp. Đồng thời cần hành động nhanh chóng, thời gian quyết định sống còn và giảm di chứng.

Các bước sơ cứu tại hiện trường

- Đảm bảo an toàn, mở cửa thông gió, tắt nguồn phát sinh CO nếu an toàn.

- Đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành.

- Gọi cấp cứu khẩn cấp ngay lập tức.

- Hỗ trợ hô hấp và tư thế an toàn: Hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân ngừng thở. Đặt nạn nhân nằm nghiêng nếu bất tỉnh còn thở để giữ đường thở thông thoáng. Theo dõi dấu hiệu sinh tồn đến khi cấp cứu đến.

BS Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/khi-co-nguy-hiem-nhu-the-nao-va-cac-buoc-so-cuu-nhanh-tai-hien-truong-post1202453.vov