Khi đàn chim trở về

Tôi xin mượn tên bộ phim truyền hình 'Khi đàn chim trở về' của đạo diễn Đỗ Chí Hướng và Nguyễn Danh Dũng làm nhan đề cho bài viết về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Tôi xin mượn tên bộ phim truyền hình “Khi đàn chim trở về” của đạo diễn Đỗ Chí Hướng và Nguyễn Danh Dũng làm nhan đề cho bài viết về Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên (Trung tâm). Với các đạo diễn truyền hình thì đó là cuộc chiến bảo vệ môi trường sinh thái. Còn tôi xin kể lại câu chuyện “Ngày trở về yêu thương” của những phận đời mồ côi từng được dưỡng dục ở Trung tâm. Nay khôn lớn, trưởng thành, trở về địa phương và là những công dân có ích cho xã hội.

Thật ý nghĩa vì ngày hạnh ngộ được Trung tâm tổ chức vào đúng Ngày gia đình Việt Nam (28-6). Dù đã trôi qua, nhưng dư âm tình người còn đọng lại ở tâm trí bao người. Bà Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm, tự hào nói: Trong suốt chặng đường hơn 30 năm từ khi thành lập, đây là lần thứ hai những người con đi khắp bốn phương trời cùng trở về với mái ấm của một gia đình lớn. Những mái đầu bạc trắng bên mái đầu xanh, ríu ran kể chuyện mình, chuyện đời cùng giọt nước mắt rơi vì niềm vui sướng vô bờ. Thực lòng, tôi cũng không cầm được nước mắt.

Trong ngày vui gặp mặt, nhiều “người con” đã đưa vợ, chồng về thăm lại nơi mình từng sống thuở ấu thơ. Bên ghế đá kê dưới gốc cây lộc vừng, tôi gặp ở đó giữa râm ran cười nói là gia đình chị Đào Thị Mừng; Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Thị Hằng. Các anh, chị: Mừng, Cường và Hằng đều nhân dịp này đưa chồng, vợ về thăm nơi mình ở thời ấu thơ. Chồng của Mừng là anh Trần Văn Mưu ngồi lặng lẽ bên vợ. Anh ít nói vì sợ cảm xúc vỡ òa thành nước mắt. Thương lắm chứ.

Anh Trần Văn Thắng, chồng của Hằng, nghẹn lời: Nếu không được các bố, mẹ ở Trung tâm đón nhận, nuôi dưỡng, cho ăn học, không biết vợ tôi bây giờ sẽ ra sao… Anh bảo: Bây giờ chúng tôi đã có với nhau 3 con gái.

Còn anh Mưu khoe: Vợ chồng tôi có 2 con gái, 1 con trai. Các cháu chăm ngoan, biết vâng lời bố mẹ.

Háo hức ngày gặp lại, nhiều bạn tranh thủ “chát chít” qua nhóm chung của những người con không may rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều bạn rủ nhau về từ hôm trước để được thỏa mãn chuyện trò với cha nuôi, mẹ dưỡng. Mỗi người là một câu chuyện dài với những dặm đường xa đang bươn trải. Đường đời gian khó, mỗi người tự vượt lên để được sống, được yêu thương và hạnh phúc như bao người.

18 tuổi, họ rời Trung tâm, trở về nơi mình cất tiếng khóc chào đời. Cuộc sống kể từ đây đều trông vào đôi bàn tay lao động của bản thân. Lưu Sĩ Đường (Đại Từ) kể: Tủi lắm, khi các bạn cùng trang lứa háo hức bước chân vào giảng đường đại học, thì mình về quê, bắt đầu sự nghiệp với đôi bàn tay trắng.

Cũng như Đường, những người con của Trung tâm khi trở về với cộng đồng xã hội đều phải tự lập cho cuộc sống riêng. Người thân thích giờ chỉ là họ mạc xa, hoặc gần thì cũng có gia cảnh khó khăn. Vậy nên những bạn trẻ được sống trong mái ấm có đầy đủ bố mẹ, khi khởi nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, thì những người con của Trung tâm, ra đời với đôi bàn tay trắng, việc khởi nghiệp còn khó khăn hơn cả ngàn vạn lần. Vậy nhưng các bố, mẹ ở Trung tâm đã rèn các con phải biết đứng dậy bằng chính đôi chân của mình. Và các con đã đứng vững. Nhiều người được chứng kiến, thảng thốt khâm phục khi biết Đàm Thị Nhàn, bị mù bẩm sinh nay đang là chủ một cơ sở tẩm quất mát xa ở TP. Thái Nguyên.

Nhàn tâm sự: Tôi không nhìn thấy thế giới, nhưng tôi nhìn thấy mọi người xung quanh mình đều đang sống có ích. Vì thế từ ngày còn ở Trung tâm, tôi đã xin các bố, mẹ cho đi học nghề phù hợp với sức khỏe của mình. Sau tham gia lớp xoa bóp, bấm huyệt, tôi ra đời và sống bằng nghề mình đã học. Hiện tôi đã lấy chồng, có 1 nhóc kháu khỉnh làm đôi mắt cho bố mẹ…

Qua câu chuyện của Nhàn, tôi giật mình khi biết: Chồng của cô cũng bị mù. Đồng cảm, thương mến nhau mà nên vợ thành chồng. Rồi 2 vợ chồng mù cưu mang, tạo việc làm cho 2 người mù khác bằng nghề tẩm quất, mát xa.

Về gặp mặt ở Trung tâm, Nhàn được bạn Lăng Thị Trang đưa đón. Trang là em ruột của Lăng Thùy Linh. Linh kể: Năm 1997, sau khi bố mẹ bị điện giật chết, 2 chị em tôi trở thành trẻ mồ côi. Rồi may mắn được Trung tâm nuôi dưỡng thành người. Hiện tôi đã lập gia đình. Chồng tôi cũng là trẻ mồ côi lớn lên ở Trung tâm này. 2 đứa cùng đi học, cùng ra đời tự bươn trải mưu sinh, có lúc “kẻ Nam, người Bắc”, nhớ nhau lắm mà thành vợ chồng, cuộc sống dù chưa hết khó khăn nhưng nguồn động viên lớn của chúng tôi là 2 baby khôn lớn.

Câu chuyện của Nhàn và Linh cứ nhẹ tênh như cuộc đời chưa từng có nước mắt mồ côi. Có lẽ với những người không may rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, sau phút giây đau khổ tột cùng là nghị lực sống phi thường trỗi dậy khiến họ có tinh thần mạnh mẽ, song được thể hiện bằng sự khiêm tốn. Bởi với họ đã từng nếm trải bao cay đắng cuộc đời, nên họ nhận thức được đầy đủ về giá trị của sự ngọt ngào cần trân trọng, gìn giữ. Chợt khi ấy câu nói của nhà khoa học nổi tiếng người Mỹ, ông Karl A. Menninger, vẳng lên trong tôi: “Tình yêu chữa lành vết thương - cả ở người trao và người nhận”.

Vâng! Đó là tình yêu của các thế hệ cán bộ, viên chức, công chức, người lao động ở Trung tâm dành cho những trẻ em thiệt thòi. Tình yêu của những trẻ mồ côi dành cho các bố, mẹ ở Trung tâm. Và ở đó còn có sự chung tay của mọi người trong cộng đồng xã hội, những tấm lòng hảo tâm đồng hành với Trung tâm nuôi lớn những vóc dáng, tâm hồn bao cảnh đời mồ côi.

Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 58 đối tượng, trong đó có 22 trẻ em. Điều quan tâm là có nhiều trường hợp trẻ em đang phải chung sống với bệnh tật, như HIV, đao, viêm gan C, tâm thần phân liệt, thiểu năng trí tuệ. Các em là những người thiệt thòi nhất trong xã hội. Nhưng còn nữa những bé em tôi gặp ở Trung tâm với đôi mắt sáng và tâm hồn khỏe khoắn.

Trở lại với không khí của ngày đoàn viên, tôi gặp 3 bố con anh Lê Văn Vấn, cạnh đó là 3 mẹ con chị Trần Thị Thu. Vì bận rộn với công việc mưu sinh, anh Vấn và chị Thu không rủ được người bạn đời cùng đi, nên chỉ đưa các con về Trung tâm, thăm lại nơi bố, mẹ chúng từng ở, ăn, học hành và được nuôi dạy nên người. Những đứa trẻ hồn nhiên, bi bô “Trung tâm đẹp mà vui quá, con muốn ở”.

Chị Thu nghẹn lòng: Con ơi, nếu muốn, sau này lớn khôn, con hãy biết mở rộng vòng tay, góp một chút sức nhỏ bằng vật chất, tinh thần để Trung tâm nuôi dưỡng những trẻ em không may rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Ngày xưa, mẹ cũng là 1 trong số trẻ em không may mắn.

Còn anh Vấn nói với các con mình: Tuổi thơ của bố là ở Trung tâm. Các con là những đứa trẻ may mắn, được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ.

Cũng tận khi ấy tôi mới nhận ra rằng vì sao những đứa trẻ ở Trung tâm đều gọi cán bộ, viên chức, người lao động là bố, mẹ. Bởi tất cả những người làm việc ở đây đều xứng là cha, là mẹ của chúng. Bởi một lẽ giản đơn rằng: Công việc của họ gắn với các đối tượng bảo trợ xã hội. Đã có hàng nghìn trẻ em vào Trung tâm, được nuôi lớn cả tâm hồn, nhân cách và trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Cô bé Dung mồ côi năm nào bây giờ đã có chồng và 2 con. Vẫn thích đọc truyện cổ tích “Ba hạt dẻ dành cho nàng lọ lem”. Tôi thầm nghĩ: Giá như trong cuộc đời những điều ước sẽ trở thành hiện thực, thì xã hội không có những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Và những bất hạnh không ập xuống làm bao đứa trẻ trong giây lát trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chợt khi ấy, tôi nhận ra một “thủ thỉ tâm tình”...

Nguyễn Văn Cường đưa vợ về vui ngày đoàn viên với gia đình lớn. Cường khoe: Mới cưới, em bé được ít tháng đang ở trong bụng mẹ... Mọi người chúc vợ chồng Cường sớm đến ngày khai hoa, dù trai hay gái cũng là một đứa trẻ được hưởng trọn vẹn hạnh phúc trong vòng tay ẵm bồng của cả cha lẫn mẹ.

“Ngày trở về yêu thương”, ngày những người đã và đang làm công tác xã hội ở Trung tâm và những “người con năm xưa”, nay đã trưởng thành cùng về vui ngày hạnh ngộ. Gặp lại không phải để kể công hay để trả ân, mà để nhắc nhớ về một thời những con người ở nhiều hoàn cảnh khác nhau đã gắn bó, yêu thương nhau như ruột thịt, động viên nhau sống tốt, năng làm điều thiện để tri ân cuộc đời.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202407/khi-dan-chim-tro-ve-9e63170/