Khó khăn vẫn đè nặng doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội hiến kế tháo gỡ

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, sức khỏe của doanh nghiệp chính là sức khỏe của nền kinh tế, vì thế khi doanh nghiệp gặp khó, mọi lực lượng cần dồn sức hỗ trợ.

Công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập và quay trở lại thị trường đạt 98,8 nghìn, trong khi có 97,3 nghìn doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phương cho biết, để gỡ khó cho các doanh nghiệp, mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp. Trong đó có việc hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí…để tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cũng cho rằng, doanh nghiệp đang phải đối mặt với loạt thách thức, rất cần được hỗ trợ, giúp đỡ bởi các chính sách thiết thực, hiệu quả của Nhà nước.

Theo đó, doanh nghiệp gặp khó khăn do môi trường bên ngoài biến động mạnh, năng lực cạnh tranh yếu kém, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường...Đây được cho là những vấn đề đáng báo động, sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung - dài hạn và nếu để kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái.

Bởi thế, để kéo nền kinh tế tiếp tục hồi phục và phát triển, gốc rễ vấn đề nằm ở việc gỡ khó cho doanh nghiệp. Chỉ khi gỡ khó được cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định đầu tư phát triển thì nền kinh tế mới có thể thực sự phục hồi và tăng tốc phát triển.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), chúng ta đã và đang có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng chưa nhiều cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Đây là những đối tượng rất cần vốn để đầu tư nhưng đang rất khó tìm kiếm, vay vốn. Đặc biệt, các ngành nghề mới rất khó qua được khâu thẩm định của ngân hàng”, ông Huân nói.

Trong một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hầu hết doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, vốn…Có tới 47% doanh nghiệp cho biết rất khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại, trong đó 4% phải huy động vốn từ các nguồn tín dụng khác do không đáp ứng các điều kiện đi kèm.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân.

Theo ông Huân, ở một số nước thường có đội ngũ tư vấn rất chuyên nghiệp, giúp ngân hàng giải ngân vốn cho vay dễ dàng hơn. Trong khi đó ở Việt Nam, công tác thẩm định chưa tốt nên ngân hàng luôn sợ rơi vào tình trạng nợ xấu.

“Tôi đề xuất Chính phủ xem xét việc bảo lãnh giúp doanh nghiệp vay vốn và cũng chỉ có tầm Chính phủ mới thẩm định một cách độc lập được dự án xin vay vốn ngân hàng có tốt hay không”, ông Huân nói.

GS.TS. Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô vừa và nhỏ. Thị trường cho nhóm này chủ yếu tập trung ở trong nước, nhưng hiện may mức tiêu dùng nội địa vẫn thấp. Vì thế, một trong những khó khăn của nhóm doanh nghiệp này chính là việc thị trường bị thu hẹp.

Thêm vào đó, doanh nghiệp vừa trải qua thời gian dài chịu tác động của đại dịch COVID-19, khiến khả năng phục hồi của đã khó lại càng khó khăn hơn. Đây là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Cường, các chính sách đã áp dụng trước đây cần tiếp tục được mở rộng. Ví dụ như giãn, giảm các khoản thuế, phí nhằm giảm gánh nặng trực tiếp phải đóng góp, chi trả cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là giải pháp để kích cầu giúp thị trường tiêu dùng nội địa tăng lên.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ mặc dù đã có nhưng thủ tục rườm rà, chồng chéo. Do đó, cần khẩn trương cải thiện về mặt hành chính, cắt giảm các khâu trung gian, chi phí không chính thức của doanh nghiệp.

Thêm một khó khăn doanh nghiệp đang phải đối diện xuất phát từ khâu quản lý công. Đó là những cơ quan thực thi công vụ đang trong tình trạng e ngại, không mạnh dạn để giải quyết những yêu cầu phát sinh. Chính điều đó cũng là một trong những rào cản không đáp ứng kịp thời nhu cầu để doanh nghiệp phát triển.

Do vậy, theo ông Cường bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp về chính sách, tài chính...cần chú trọng giải quyết những nút thắt để cơ quan thực thi công vụ phải dám nghĩ, dám làm và không sợ sai.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Còn theo quan điểm của PGS.TS, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM), hiện nay doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải xét từ 2 phía, đó là ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước thì doanh nghiệp cũng cần phải chủ động xoay xở, phát huy thế mạnh của mình nhằm vượt khó và phát triển bền vững.

Cụ thể, doanh nghiệp phải thích ứng với tình hình mới, ví dự như chuyển đổi xanh, chuyển đối số vì đây là những xu thế tất yếu trên thế giới.

Hoặc là doanh nghiệp cũng cần tăng vốn cổ phần hơn là vốn vay, đồng thời phải có chính sách phù hợp để giữ chân nhân sự giỏi.

Đối với cơ quan Nhà nước, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều mặt như hoàn thiện hành lang pháp lý để đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh công bằng; hỗ trợ về công cụ, phí, lãi suất hoặc các gói chính sách về vốn...

"Ngoài ra, còn phải tăng cường quỹ bảo lãnh tính dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn trong điều kiện khó khăn hiện nay". ông Ngân đề xuất.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Ông Ngân bày tỏ sự đồng tình với những giải pháp Chính phủ đang áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, theo ông vẫn cần tăng mức giảm và kéo dài thời hạn ưu đãi hơn. Khảo sát do VCCI thực hiện với doanh nghiệp trong 2 năm qua cho thấy, nhóm chính sách giảm thuế đến được với doanh nghiệp nhiều nhất.

Cùng với đó, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục cơ cấu lại nợ và điều hành lãi suất theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp.

“Như vậy là phải từ hai phía, trước hết là doanh nghiệp, sau đó là Nhà nước thì mới giải quyết được bài toán của doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Ngoài ra, theo các đại biểu, việc hỗ trợ các doanh nghiệp không chỉ cần khơi thông tín dụng, khơi thông cơ chế…mà còn cần các giải pháp tổng hòa, từ tháo gỡ thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đến thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và đầu tư…Có như thế mới tạo dựng được niềm tin cho doanh nghiệp, từ đó giúp họ đủ động lực để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/kho-khan-van-de-nang-doanh-nghiep-dai-bieu-quoc-hoi-hien-ke-thao-go-ar874983.html