Khoảng 70% bệnh nhân đột quỵ không thể quay trở lại cuộc sống bình thường
Mặc dù tỷ lệ tử vong do đột quỵ thấp hơn so với bệnh tim mạch và ung thư, nhưng những di chứng của đột quỵ lại nặng nề hơn rất nhiều. Thực tế cho thấy, có đến 70% bệnh nhân đột quỵ không thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
Tại hội thảo “Cập nhật điều trị đột quỵ cấp 2025”, do Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ chức mới đây, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh cho biết: "Điều đáng sợ nhất không phải là cái chết, mà là khi người bệnh phải sống trong tình trạng tàn phế, mất khả năng lao động và không thể tự chăm sóc bản thân".
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng dẫn chứng, ngay tại Bệnh viện Nhân dân 115, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 5 trường hợp bác sĩ và nhân viên y tế bị đột quỵ. Nếu một bác sĩ bị đột quỵ, nhiều khả năng người đó sẽ phải từ bỏ nghề nghiệp của mình. Điều đó cho thấy, đây là một vấn đề nghiêm trọng và cần được nhìn nhận đúng mức.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhấn chia sẻ về sự nguy hiểm của đột quỵ.
Đồng quan điểm, BS.CK1 Mai Thị Hương Lan, Trưởng khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn nhấn mạnh, di chứng sau đột quỵ để lại vô cùng nặng nề. Theo bà, có đến 50% bệnh nhân sống sót sẽ đối mặt với tình trạng tàn tật vĩnh viễn, kéo theo chi phí điều trị và phục hồi chức năng chiếm khoảng 30 - 50% thu nhập gia đình. Đặc biệt, có tới 50% bệnh nhân mắc các rối loạn tâm lý sau đột quỵ như trầm cảm, lo âu và rối loạn giấc ngủ. Do đó, việc can thiệp từ bác sĩ tâm lý là yếu tố không thể thiếu trong quá trình điều trị toàn diện.
BS Hương Lan cho biết thêm, để đáp ứng yêu cầu chẩn đoán và điều trị đột quỵ nhanh chóng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống máy móc hiện đại như máy MRI 3D, máy chụp CT tiên tiến và xây dựng quy trình cấp cứu chặt chẽ nhằm rút ngắn tối đa thời gian từ lúc tiếp nhận đến khi can thiệp điều trị. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn hiện nay chính là nhận thức cộng đồng về đột quỵ vẫn còn hạn chế.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn nhận Chứng nhận Vàng từ Hội Đột quỵ thế giới trong hai quý liên tiếp.
Theo thống kê của bệnh viện, trong quý 3 và quý 4 năm 2024, có 179 trường hợp đột quỵ được tiếp nhận, trong đó 80% là đột quỵ do nhồi máu não. Tuy nhiên, thời gian trung bình từ lúc khởi phát đến khi vào viện là 16 giờ, một khoảng thời gian quá dài để can thiệp hiệu quả, đặc biệt đối với "giờ vàng" trong điều trị đột quỵ.
Khảo sát của bệnh viện cho thấy, có 5 nhóm nguyên nhân chính khiến người bệnh nhập viện muộn. Trong đó, 50% do thiếu nhận thức về triệu chứng, nhầm lẫn với cảm cúm hoặc tin tưởng vào các biện pháp dân gian như đánh gió, chích máu ngón tay. Khoảng 30% người bệnh có tâm lý chủ quan, chờ triệu chứng tự hết mới đến viện. Còn lại 20% xuất phát từ các yếu tố khách quan như tuổi cao, bệnh nền, hạn chế phương tiện di chuyển hoặc không biết cách gọi cấp cứu 115.
Từ thực tế trên, các chuyên gia nhấn mạnh, giải pháp then chốt để giảm thiểu hậu quả do đột quỵ chính là nâng cao nhận thức cộng đồng không chỉ ở khía cạnh phòng ngừa, mà đặc biệt là khả năng nhận biết dấu hiệu sớm và gọi cấp cứu kịp thời trong "giờ vàng".
Với những nỗ lực không ngừng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã được Hội Đột quỵ Thế giới trao Chứng nhận Vàng trong hai quý liên tiếp, nằm trong top 5% đơn vị đột quỵ tiêu chuẩn toàn cầu.