Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là 'vùng lõm' với TFP?

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là 'vùng lõm' với năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), nhưng cũng là dư địa tạo nên bước tiến thần kỳ của nhân tố này, để góp vào tăng trưởng GDP.

Bài toán TFP vẫn nhiều thách thức

Câu hỏi tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ở đâu và làm thế nào chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục được thảo luận sau Hội thảo khoa học Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam do Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức vào sáng ngày 10/7/2025.

Hội thảo khoa học Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam do Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức vào sáng ngày 10/7/2025.

Hội thảo khoa học Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam do Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức vào sáng ngày 10/7/2025.

Rất nhiều vấn đề đã được các chuyên gia đặt lên bàn, với mục tiêu là cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đặc biệt, giải pháp nào để đưa năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trở thành động lực then chốt, quyết định mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 mà Hội thảo đặt ra đã mở ra cho các chuyên gia, nhà khoa học thêm dư địa nghiên cứu, phân tích.

Nhất là khi các chuyên gia cho rằng, mục tiêu đến năm 2030, TFP sẽ đóng góp trên 55% vào tăng trưởng kinh tế là rất khó, đang đối mặt với rất nhiều thách thức.

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) trình bày tại Hội thảo, từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng TFP chỉ cao hơn tốc độ tăng lao động, nhưng thấp hơn tốc độ tăng GDP, vẫn dưới 3%. Giai đoạn ghi nhận mức tăng khá hơn cả là 2016-2020, với 2,88%. Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ này giảm còn 2,53%.

Trong khi đó, tốc độ tăng vốn luôn cao hơn tốc độ tăng GDP, giai đoạn cao nhất trong hơn 20 năm qua là 2016-2020, với tốc độ tăng là 8,15%. Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ này giảm còn 6,76%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất tính theo giai đoạn 5 năm, từ năm 2011 đến nay. Tuy vậy, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đã có cải thiện rất đáng kể. Nếu năm 2010, tỷ lệ đóng góp này là 5,96% thì hiện tại, tỷ lệ này là 53,6%.

Song, phân tích các nhân tố đóng góp vào tăng trưởng, ông Nguyễn Việt Phong, Phó trưởng ban, Ban Hệ thống tài khoản quốc gia (Cục Thống kê) cho rằng, giai đoạn vừa qua, tính cả năm và giai đoạn, theo từng nhân tố, tăng trưởng vẫn dựa phần lớn vào vốn.

“Thực trạng cho thấy đây chính là dư địa để có chính sách phù hợp để gia tăng TFP trong tăng trưởng GDP, dần trở thành động lực tăng trưởng chính, thay cho vốn như hiện tại. Nhưng thách thức không hệ nhỏ”, ông Phong nhận định khi nhắc tới 6 nhóm rào cản.

Một là, hệ thống thể chế, chính sách chưa bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ. Hai là, hạ tầng số thiếu đồng bộ. Ba là, khoảng cách số giữa đô thị và nông thôn. Bốn là, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số. Năm là, thiếu hệ thống chia sẻ dữ liệu quốc gia, dữ liệu còn phân tán. Sáu là, chưa có cơ chế mạnh mẽ để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

“Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tăng cường đầu tư vào R&D và đổi mới - sáng tạo và nâng cao năng lực đo lường TFP là các giải pháp chúng tôi đề xuất”, ông Phong nói.

Đặc biệt, ông Phong bày tỏ quan điểm, việc thúc đẩy kinh tế số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là nền tảng căn bản cho tăng trưởng hiệu quả và bền vững dựa trên TFP.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Điểm nghẽn hay vùng trũng của TFP

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là "vùng lõm" với TFP, nhưng nếu làm tốt - chính nơi đây sẽ tạo nên bước tiến thần kỳ của nhân tố này, để góp vào tăng trưởng GDP.

GS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore phát biểu từ Singapore.

GS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore phát biểu từ Singapore.

GS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore khẳng định khi phân tích các yếu tố tác động đến TPF của Việt Nam.

TFP là chỉ số phản ánh trình độ công nghệ, quản lý, năng lực tạo ra giá trị của một nền kinh tế. Tăng TFP nghĩa là phản ứng mức độ tăng hiệu quả, tiến bộ công nghệ, cải tiến tổ chức, kỹ năng quản lý, đổi mới sáng tạo, cải cách thể chế và các yếu tố khách quan.

Chính vì vậy, khi các yếu tố vốn và lao động đã được sử dụng một cách triệt để, chỉ có sự gia tăng về năng suất mới có thể thúc đẩy sản lượng tăng trưởng hơn nữa. Do đó, các chuyên gia cho rằng, TFP chính là động lực chủ chố của tăng trưởng kinh tế dài hạn.

So với các nền kinh tế đã từng qua giai đoạn phát triển thần kỳ, mức tăng TFP của Việt Nam vẫn thấp. Tăng trưởng của Việt Nam vẫn đang dựa vào sự tích lũy vốn.

Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2045 của Việt Nam vô cùng tham vọng, bao gồm cả mục tiêu mức đóng góp của TFP trên 55% vào tăng trưởng GDP. Trong bối cảnh này, GS. Khương cho rằng, để đạt mục tiêu 2045, Việt Nam phải bước lên quỹ đạo phát triển mới.

“Chìa khóa là thúc đẩy tăng trưởng TFP”, ông Khương khuyến nghị.

Cũng giống như các chuyên gia tham gia Hội thảo, GS Khương kiến nghị về thể chế, sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành trên cơ sở bán đồ phân tích TFP của từng ngành... , nhưng điều quan trọng, ông nói, phải thực sự “đổ nguồn lực vào chỗ có hiệu quả một cách tính toán”.

“Tôi thấy không cần e ngại việc mua công nghệ để đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, để làm nên sự phấn chấn cho khu vực này”, GS.TS Vũ Mình Khương nhận định khi ông gọi khu vực này đang ở "vũng lõm" của TFP - theo nghĩa chưa có sự quan tâm trong lĩnh vực này.

Khảo sát toàn quốc của Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa vào năm 2024 cho thấy chỉ khoảng 30-40% doanh nghiệp trong nhóm này đã triển khai một số hình thức chuyển đổi số và chủ yếu dừng lại ở mức độ ứng dụng cơ bản như sử dụng email hay phần mềm kế toán đơn giản (69%). Thực trạng này đặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh, trước nguy cơ tụt hậu và đánh mất lợi thế cạnh tranh trong một thế giới ngày càng chuyển đổi số

Khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) với 200 doanh nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số mà TS. Đặng Quang Vinh, chuyên gia của WB chia sẻ tại Hội thảo cho thấy bức tranh tương tự.

Ông Vinh cho biết, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, chưa tham gia nhiều vào lĩnh vực công nghệ chuyên sâu. Kết quả là mức độ ứng dụng công nghệ trung bình là ở mức thứ 2 trên 5 thang công nghệ, nghĩa là vẫn xa đường biên của công nghệ 4.0...

“Ở giai đoạn hiện nay, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ là quan trọng nhất đối với Việt Nam để nâng cao năng suất và giá trị gia tăng nội địa”, TS. Vinh khuyến nghị.

Ông Phạm Đại Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương.

Ông Phạm Đại Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Đại Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhấn mạnh, TFP đóng vai trò rất quan trọng trong đánh giá năng suất và hiệu quả tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng cần thống nhất cách tính phù hợp hơn, để đảm bảo khi hoạch định chính sách, các con số phải phản ánh đúng thực chất.

Mặc dù chỉ tiêu nâng mức đóng góp của TFP trong GDP lên 55% vào năm 2030 là thách thức, nhưng không quá táo bạo mà có cơ sở thực tiễn, khoa học. Đặc biệt, ông Dương nhấn mạnh tới sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của AI, blockchain... đã và đang làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, mô hình kinh doanh...

"Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được đóng góp thường xuyên từ các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp, nhằm hoàn thiện cách tiếp cận, phương pháp đo lường và cơ chế chính sách để gia tăng TFP, phát triển kinh tế số", ông Dương nhấn mạnh.

Những kiến nghị, giải pháp từ hội thảo sẽ được Ban Chính sách, chiến lược Trung ương tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền, góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quan trọng, phục vụ cho việc thực thi hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW trong giai đoạn tới.

Khánh Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khu-vuc-doanh-nghiep-nho-va-vua-dang-la-vung-lom-voi-tfp-d328157.html