Kiểm soát rủi ro, có giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP vượt 8%
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, Chính phủ cần đánh giá nguồn lực, khả năng huy động nguồn lực và kiểm soát rủi ro để có những giải pháp đột phá tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Sáng 12/2, sau khi khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày tờ trình Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt từ 8% trở lên.
Ông Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mục tiêu GDP năm 2025 từ 8% trở lên (thay vì 6,5-7% như Quốc hội đã thông qua vào cuối năm 2024), quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
![Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_23_51455577/9ad76ec85886b1d8e897.jpg)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội
Để thực hiện các chỉ tiêu này, ông Dũng cho biết, ngay trong năm 2025 phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Cùng với đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch, xuất khẩu; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
Còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ (2021-2025).
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức. Điều này thể hiện qua sản xuất, kinh doanh đầu năm nay chưa có nhiều khởi sắc. Tháng 1 ghi nhận có 58.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá ảnh hưởng của tình hình thế giới đối với Việt Nam, đặc biệt là các thị trường lớn, đối tác lớn và điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi, nhất là các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đánh giá nguồn lực, khả năng huy động nguồn lực và kiểm soát rủi ro, cơ sở để đạt được mục tiêu, để có những giải pháp đột phá tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số CPI bình quân khoảng 4,5 - 5% là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp.
![Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quốc hội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_23_51455577/ebdc1ec3288dc1d3989c.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quốc hội
Vì vậy, ông Thanh đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và có lộ trình thị trường với các mặt hàng Nhà nước quản lý giá, đặc biệt là chi phí người dân chi trả cho các dịch vụ giáo dục, y tế.
Ủy ban Kinh tế cũng tán thành đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP là cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị Chính phủ làm rõ kế hoạch sử dụng số bội chi, nợ công tăng thêm trong trường hợp điều chỉnh; đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Kịp thời phản ứng chính sách, không để xảy ra gián đoạn công việc
Về giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới để kịp thời phản ứng chính sách, đặc biệt trong điều kiện xung đột địa chính trị diễn ra nhiều nơi trên thế giới, chiến tranh thương mại, chính sách bảo hộ của các nước lớn diễn biến phức tạp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng, với số vốn được phân bổ gần 890.000 tỷ đồng. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công, bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm.
Các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn công phải thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, thực hiện thành công chủ trương lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung các chính sách cụ thể về tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa.
Đồng thời, Chính phủ phải làm rõ quy trình, thủ tục đầu tư và cơ chế xử lý khi có vướng mắc, rà soát tổng thể về hệ thống quy hoạch và cơ chế xử lý khi có vướng mắc, mâu thuẫn giữa các quy hoạch, tạo thuận lợi và giảm chi phí tiếp cận đất đai.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý đến việc khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký, sớm ký kết các hiệp định thương mại tự do đối với các thị trường mới, có tiềm năng. Việc này nhằm mở thêm thị trường mới, thị trường ngách, minh bạch chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu để giảm thiểu nguy cơ bị áp thuế; chủ động ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện hiệu quả việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy; không để xảy ra gián đoạn công việc hoặc làm ảnh hưởng đến người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chú ý vấn đề tăng năng suất lao động, chính sách an sinh xã hội.
Cùng với đó là có cơ chế, chính sách thực chất, hiệu quả bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.