Ký ức về những ngày làm báo tại ATK Thái Nguyên
ATK Thái Nguyên thời kỳ 1947-1954 với vai trò là 'Thủ đô kháng chiến' quy tụ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, cũng là cái nôi của báo chí cách mạng. Giai đoạn này, nhiều cơ quan báo chí lớn ra đời, như: Búa liềm đỏ, Việt Nam Độc lập, Cứu quốc, Cờ giải phóng, Lao động, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… Các cơ quan báo chí cùng hướng đến một mục tiêu chung là đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều thế hệ nhà báo không ngại gian khó, hy sinh, góp sức làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên, thăm hỏi nhà báo Lý Thị Trung và các nhà báo lão thành về nguồn ATK Thái Nguyên.
Với lý tưởng và mục tiêu tất cả vì thành công của cách mạng, báo chí không chỉ là ngòi bút chiến đấu sắc bén để đấu tranh chống lại kẻ địch, mà còn làm nhiệm vụ tuyên truyền công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp trên chiến khu Việt Bắc, mặc dù đối mặt với vô vàn gian khổ nhưng những người làm báo đã thực sự thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, luôn làm việc quên mình. Hành trang nghề nghiệp của người phóng viên thời đó không chỉ là cây bút, cuốn sổ, mà họ còn đóng vai trò là những chiến sĩ vệ quốc ra chiến trường với bao gạo, cây súng…
Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, hoạt động báo chí đã diễn ra mạnh mẽ tại địa bàn các vùng chiến khu cách mạng, gắn với nhiều cơ quan báo chí đặt cơ sở hoạt động, ATK Thái Nguyên cũng là nơi thành lập các tờ báo của đoàn thể như: Lao động, Thanh niên, Phụ nữ...
Trải qua biết bao hiểm nguy, gian khổ, những phóng viên chiến trường đã đưa báo chí Cách mạng Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc.
Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp (một trong những phóng viên đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Trưởng phòng Thời sự quốc tế, Báo Quân đội nhân dân), năm 1946, ông đã đồng hành cùng nhà báo Trần Kim Xuyến, lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam, đưa tin nhiều chiến dịch. Cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, thiếu thốn đủ đường nhưng công tác tuyên truyền luôn được coi là mặt trận quan trọng. Chúng tôi làm báo cẩn thận, tỉ mỉ, không được có bất kỳ sai sót nào. Mỗi số báo được chuyển đến các chiến sĩ ở mặt trận đều thể hiện tâm huyết của những người làm báo chiến trường.
Ở thời kỳ này, một số cơ quan báo chí lớn đã xuất bản số đầu tiên tại núi rừng Thái Nguyên. Báo Quân đội nhân dân - cơ quan của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam đã ra đời, do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên... Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân ở một quả đồi thôn Khau Diều (xã Định Biên, huyện Định Hóa) do đồng bào hiến tặng, thuận tiện cho làm báo, đi lại và hậu cần. Cùng với hiến đất, đồng bào còn giúp bao công sức cùng vật liệu như gỗ, vầu, tre, cọ… để dựng các lán ở và làm việc. Với sự giúp sức quý báu của nhân dân ATK cùng sự nỗ lực của cán bộ, phóng viên, nhân viên, sau gần 3 tháng nỗ lực chuẩn bị, ngày 20/10/1950, Báo Quân đội nhân dân đã ra số đầu tiên giữa “Thủ đô gió ngàn”…
Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng ra mắt số đầu tiên ngày 11/3/1951. Theo hồi ức của nhà báo Thép Mới, Báo Nhân Dân số 1 và những số đầu năm 1951 được xuất bản tại Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa). Nhà in báo đặt tại xóm Đồng Ao, xã Yên Lãng (Đại Từ) ngay dưới chân Đèo Khế. Những người làm báo Đảng bấy giờ đã thức suốt đêm cùng với thợ nhà in tự tay gấp từng số báo, gánh về Tòa soạn, dùng báo cũ và dây rừng buộc thành từng bó. Rồi từ núi rừng Việt Bắc, mạng lưới giao thông vượt qua mọi sự bao vây, phong tỏa của kẻ thù, đem tiếng nói của Đảng đến với nhân dân.

Hoạt cảnh tái hiện hình ảnh khóa đào tạo bồi dưỡng báo chí cách mạng tại “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”.
Nhiều nhà báo lão thành kể lại: “Sáng nào cũng thấy dấu chân hổ trên đường từ nhà in đến Tòa soạn”. Thời đó, cán bộ phóng viên không có lương, chỉ có gạo, cộng tác viên viết bài không có nhuận bút, chỉ có thư cảm ơn và động viên.
Cũng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ở giai đoạn khó khăn, ác liệt, đội ngũ cán bộ viết báo cách mạng được quan tâm đào tạo bồi dưỡng phục vụ mục đích tuyên truyền cho kháng chiến. Ngày 4/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và đích thân đặt tên trường dạy làm báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam mang tên Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái (Đại Từ), với 43 học viên. Trong bức thư đề ngày 9/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: "... Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu "Tất cả để chiến thắng!".
Nhà báo Lý Thị Trung, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, một trong 3 nữ học viên hiếm hoi của lớp học đầu tiên và duy nhất của ngôi trường này kể lại: Thời gian 3 tháng học đã giúp các học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành đủ các thể loại báo chí. Ngoài những giờ học trên lớp, học viên còn được nghe các buổi nói chuyện ngoại khóa ngoài lớp học để không khí cởi mở và vui vẻ hơn. Trong phần thực hành, học viên được tổ chức đưa đi xuống các vùng sản xuất chè để tìm hiểu cách làm chè thủ công của người dân địa phương. Sau đó, các tác phẩm thu hoạch được nộp về, chọn lọc và đăng trên tờ báo của lớp mang tên “Bút mới”.
Nhà báo Lý Thị Trung cũng chia sẻ, trước khi tham gia lớp học, nhiều nhà báo thường viết theo kiểu nghe thấy thế nào thì viết ra như vậy. Sau khi được đồng chí Trường Chinh lên lớp truyền đạt thì mới biết tới tính chiến đấu, tính khách quan của báo chí, mới thấy rằng viết báo là rất công phu.
Hình ảnh những phóng viên trẻ hăng hái tay mang gạo, tay xách máy chữ ở chiến khu Việt Bắc luôn in đậm trong ký ức những người làm báo. Từ mảnh đất ATK Thái Nguyên, đội ngũ người viết báo được đào tạo, bồi dưỡng, có bước trưởng thành quan trọng và tỏa đi các chiến trường, cống hiến và trở thành những “cây đa, cây đề” của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Để từ đó, Báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới, hội nhập.