Lễ Baci - Nghi lễ thiêng liêng kết nối cộng đồng và cầu chúc an lành ở Lào
Nếu có dịp ghé thăm đất nước Triệu Voi, lễ Baci là một trong những nét văn hóa đặc sắc mà bạn không nên bỏ lỡ - nghi lễ truyền thống vừa mang giá trị tâm linh, vừa thể hiện sự gắn kết sâu sắc trong đời sống người Lào.
Nét truyền thống gắn liền với tín ngưỡng bản địa
Lễ Baci (còn gọi là Sou khwan hoặc Sukhwan) bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa của người Lào, liên quan đến thuyết vật linh - niềm tin rằng mọi vật đều có linh hồn. Theo quan niệm dân gian, mỗi con người có 32 phần hồn (khwan) tương ứng với 32 bộ phận chính trong cơ thể.
Khi một người bị ốm, căng thẳng, trải qua biến cố lớn như kết hôn, sinh con, đi xa hay mất mát..., các khwan có thể rời bỏ cơ thể, gây mất cân bằng về thể chất và tinh thần. Lễ Baci ra đời như một cách để “triệu hồi khwan” quay về, tái lập sự hài hòa trong con người.

Mâm lễ Baci trang trí bằng hoa cúc vạn thọ, lá chuối, nến sáp ong và những sợi chỉ trắng tượng trưng cho sự gắn kết và phúc lành.
Không chỉ là nghi lễ mang ý nghĩa cá nhân, Baci còn phản ánh triết lý sống đề cao sự hài hòa giữa con người với nhau, giữa cá nhân và cộng đồng, nên thường được tổ chức trong các dịp quan trọng như lễ cưới, sinh con, tân gia, tiễn người đi xa, mừng năm mới, chào đón khách quý hoặc khai trương công việc mới. Ngày nay, lễ Baci còn được lồng ghép trong các hoạt động du lịch cộng đồng, lễ hội văn hóa, và nghi thức đón tiếp khách tại một số khách sạn truyền thống ở Luang Prabang.
Những nghi thức đặc trưng của lễ Baci
Lễ thường được tổ chức tại nhà riêng hoặc trong không gian cộng đồng, dưới sự chủ trì của già làng hoặc những người cao niên được tôn kính. Tâm điểm của buổi lễ là phakhwan - mâm lễ hình tròn trang trí bằng hoa cúc vạn thọ, lá chuối, nến sáp ong và những sợi chỉ trắng tượng trưng cho sự gắn kết và phúc lành.

Lễ Baci thường được tổ chức tại nhà riêng hoặc trong không gian cộng đồng, dưới sự chủ trì của những người cao tuổi được tôn kính.
Khi buổi lễ bắt đầu, chủ lễ đọc lời khấn bằng tiếng Lào và tiếng Pali để mời các khwan quay về. Âm điệu chậm rãi và nghiêm cẩn của bài khấn, hòa cùng hương thơm từ hoa và nến, tạo nên bầu không khí linh thiêng và lắng đọng.
Sau phần khấn là nghi thức buộc chỉ trắng quanh cổ tay - phần được xem là xúc động và mang tính biểu tượng nhất. Những người tham gia lần lượt buộc chỉ cho nhau, kèm theo lời chúc bình an, sức khỏe, may mắn. Các sợi chỉ thường được giữ lại ít nhất 3 ngày, như một biểu tượng giữ hồn ở lại, mang theo điều lành và sự bảo hộ.

Nghi thức buộc chỉ trắng quanh cổ tay là phần mang tính biểu tượng nhất trong lễ Baci.
Kết thúc nghi lễ, mọi người cùng quây quần bên mâm cơm truyền thống, thưởng thức rượu gạo, nghe nhạc và múa Lào - biến lễ Baci không chỉ thành nghi thức tâm linh mà còn là một dịp hội ngộ đầy cảm xúc.
Khi trải nghiệm trở thành sợi dây kết nối văn hóa
Với du khách quốc tế, lễ Baci không chỉ là một nghi thức truyền thống, mà còn mở ra cánh cửa dẫn vào đời sống tinh thần sâu lắng của người Lào. Trong các sự kiện quốc tế, nghi lễ này thường được tái hiện như một hoạt động văn hóa cộng đồng, giúp du khách cảm nhận rõ hơn nét đẹp trong tín ngưỡng và sự gắn kết của người dân xứ sở triệu voi.

Lễ Baci là “dấu ấn khó quên” trong hành trình khám phá văn hóa Lào của các du khách nước ngoài.
“Khi sợi chỉ trắng được nhẹ nhàng buộc vào tay, tôi cảm thấy mình thực sự được chào đón. Dù không hiểu hết ý nghĩa các bài khấn, nhưng tôi cảm nhận rõ sự chân thành trong ánh mắt và lời chúc của mọi người. Đó không chỉ là nghi lễ - mà là một trải nghiệm văn hóa khiến tôi xúc động và ghi nhớ mãi”. Thanh Hà, đại diện một công ty du lịch tại Việt Nam chia sẻ khi được trải nghiệm lễ Baci nhân dịp tham dự Diễn đàn Du lịch Mekong 2025 ở Luang Prabang mới đây.
Từ những cảm xúc đó, không khó hiểu vì sao nhiều du khách xem khoảnh khắc dự lễ Baci là “dấu ấn khó quên” trong hành trình khám phá văn hóa Lào - vùng đất được mệnh danh là “viên ngọc yên bình bên dòng Mekong”.