Lễ hội đền Chu Hưng

Từ bao đời nay, người dân trên mảnh đất Hạ Hòa vẫn truyền nhau câu nói: 'Nhất Chu, nhì Hiền, tam Lang, tứ Lệnh' để nói về đền Chu Hưng (xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa), ngôi đền thiêng thờ phụng Côn Nhạc Đại Vương – bậc anh hùng hào kiệt có công đánh giặc bảo vệ giang sơn bờ cõi thời Hùng Vương. Vào mùng Bảy tháng Giêng hàng năm, người dân nơi đây sắm sửa lễ vật, tổ chức tế lễ để tưởng nhớ công ơn của ngài.

Ngược dòng thời gian tìm lại sử xưa theo cuốn “Chu Hưng ngọc phả thánh tích” hiện còn lưu giữ tại đền Chu Hưng, Côn Nhạc Đại Vương là cháu của Hùng Nhuệ Vương. Khi lên ngôi, Hùng Nhuệ Vương cho phân chia sơn hà thành từng vùng, từng châu rồi giao cho anh em mỗi người cai quản một phương, trong đó Côn Nhạc Đại Vương được giao chính tổng chấn địa hạt Chu Hưng, chiêu dân lập ấp, khai phá điền hoang, sơn trại, nuôi dưỡng súc vật, bồi bổ sức dân, làm cho dân ấp mỗi ngày một hưng thịnh.

Đang thời thái bình thịnh trị, bỗng ở trong nước nhiều nơi trộm cướp nổi lên hoành hành, ở ngoài bờ cõi rình rập dọa đe bởi giặc phương Bắc kéo quân sang xâm chiếm. Côn Nhạc được giao nhiệm vụ chỉ đạo đội quân theo đường bộ áp sát vùng Yên Bái, Lào Cai đón đánh giặc ngay từ biên giới. Thắng trận khải hoàn, bờ cõi yên vui, quét sạch quân xâm lược.

Sau khi ông mất, nhân dân nơi đây tỏ lòng thương kính Côn Nhạc Đại Vương nên đã tấu trình lên vua Gia Long xin xây ngôi đền để đời đời khói hương phụng thờ ngài. Vào tháng 7 năm 1806, vua Gia Long đã chính thức chuẩn tấu cho nhân dân Chu Hưng khởi công xây dựng ngôi đền, tọa lạc ở địa thế của một vùng đất linh thiêng, trên đỉnh quy sơn. Từ đó đến nay, vào dịp lễ Tết, nhân dân xã Ấm Hạ nói riêng và nhân dân huyện Hạ Hòa nói chung lại tổ chức lễ hội đền Chu Hưng để tri ân công đức và tỏ lòng tôn kính ngài vào ngày mùng Bảy tháng Giêng hàng năm.

Bia Sử ký Đền Chu Hưng

Bia Sử ký Đền Chu Hưng

Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử trong thời đại Hùng Vương, đền Chu Hưng gắn với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Ngày 29/8/1945 mặt trận Việt Minh lấy sân đền Chu Hưng làm trụ sở để tổ chức cuộc mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến. Đây cũng là nơi tuyên bố thành lập Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc... Vào năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, Đảng Cộng sản Đông Dương đã rút vào hoạt động bí mật. Quân và dân hai nước Việt, Lào đã đoàn kết cùng nhau quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Về phía nước bạn Lào, vào thời điểm đó, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản giữ vai trò là trưởng ban xung phong Lào – Bắc cùng mười bốn chiến sĩ từ mật khu kháng chiến ở Phiêng La, xã Chiềng On thuộc Yên Châu, Sơn La đã tiến về vùng sông Thao, Phú Thọ ngày nay để tạo dựng phong trào và tổ chức. Ngày 16/4/1949 tại sân đền Chu Hưng, đội vũ trang đầu tiên của nước Lào trên đất Việt tên là Lát – Xạ - Vông đã ra đời. Tại buổi lễ lịch sử này, phía Việt Nam có đồng chí Lê Trọng Tấn, đại diện Quân đội quốc gia Việt Nam đến chúc mừng. Cũng từ đó, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc được nhân lên.

Đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản gặp nhau tại Đền Chu Hưng năm 1949

Đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản gặp nhau tại Đền Chu Hưng năm 1949

Với những giá trị lịch sử trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, ngày 12/10/1995, UBND tỉnh Vĩnh Phú ra Quyết định công nhận Đền Chu Hưng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; ngày 14/4/2003 Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Đền Chu Hưng là di tích lịch sử cấp Quốc gia nằm trong quần thể di tích lịch sử Chiến khu 10. Ngày 20/12/2019, Lễ hội Đền Chu Hưng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định 4603/QĐ - BVHTTDL.

Cứ mỗi độ Xuân về, bà con nhân dân trong xã lại nô nức chuẩn bị cho lễ hội đền Chu Hưng – lễ hội truyền thống của làng. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng Bảy, tháng Giêng với phần lễ và phần hội. Lễ vật tế lễ được nhân dân chuẩn bị rất chu đáo. Ngay từ đầu năm, làng cử ra một hộ dân nuôi lợn đen sạch, xôi nén được đồ từ loại gạo nếp cái hoa vàng thơm, hạt mẩy; gà tía cúng tế phải là con gà giống Mã Lĩnh chân vàng, đẹp; rượu phải được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng được xôi hai lần...

Đúng 8 giờ sáng, trong tiếng nhạc, tiếng chiêng trống rộn ràng, đội rước lễ đưa các lễ của Đảng ủy, UBND xã Ấm Hạ, xã Phương Viên, Gia Điền; lễ vật của tám khu dân cư xã Ấm Hạ; lễ vật của Hội đồng hương Nam Hà và Thái Bình trên những chiếc kiệu sơn son thếp vàng uy nghiêm, rực rỡ vào đền dâng lên Côn Nhạc Đại Vương. Sau khi tiếng chiêng, tiếng trống khai lễ vang lên, đội tế lễ bao gồm bảy người là các cụ cao niên trong làng, lần lượt thực hiện các nghi thức tế lễ bao gồm: Dâng lễ, dâng hương, tế thần, lễ tạ đầu năm và phát lộc đầu xuân. Phần hội được tổ chức từ ngày mùng Ba đến mùng Sáu Tết với các hoạt động tổ chức giao lưu thể thao, văn nghệ được tổ chức song song bên lề các hoạt động trong dịp lễ hội diễn ra.

Đồng chí Phạm Quốc Đại – Chủ tịch UBND xã Ấm Hạ cho biết: “Với những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc, lễ hội Đền Chu Hưng đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh các hoạt động du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương”.

Một số hình ảnh tại lễ hội Đền Chu Hưng:

Thành An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/le-hoi-den-chu-hung/206975.htm