Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình - tôn vinh, tỏa sáng bản sắc văn hóa
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hay còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của văn minh Việt cổ. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng Mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động.
Thày Trượng khấn gọi hồn chiêng tại Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, năm 2023.
Bài 1 - Hội tụ văn hóa bốn vùng Mường
Hòa Bình có bốn vùng Mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động. Tùy từng vùng Mường, lễ hội được tổ chức vào các ngày và nghi trình, nghi thức có sự khác nhau. Đối với lễ hội Khai hạ ở Mường Bi (Tân Lạc) được tổ chức vào ngày 6 tháng 4 theo lịch Mường Bi (tức ngày mồng 7 tháng giêng) hàng năm tại miếu thờ xóm Lũy Ải, nơi gắn liền với truyền thuyết về Quốc Mẫu Hoàng Bà và tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Lễ hội Khai hạ Mường Vang (Lạc Sơn) tổ chức vào ngày mồng 4 tháng giêng theo lịch Mường Vang tại miếu Áng Ka và một số địa điểm khác. Lễ hội Khai hạ Mường Thàng (Cao Phong) tổ chức ngày mồng 5, 6 tháng giêng theo lịch Mường Thàng tại miếu Cả. Đối với phần lễ ở lễ hội Mường Động (Kim Bôi) được tổ chức ngày mùng 3 tháng 5 (âm lịch), tức ngày mùng 4 tháng 4 theo lịch Mường Động tại miếu Mường Chanh.
Mỗi địa điểm diễn ra lễ hội đều gắn liền với lịch sử của các vị thần là người có công lập đất, lập mường. Ở huyện Tân Lạc, lễ hội Khai hạ Mường Bi là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn của nền văn minh Việt cổ được tổ chức hàng năm. Đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Lễ hội Khai hạ Mường Bi là hoạt động văn hóa tín ngưỡng mang tính cộng đồng, gắn với truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà, thân mẫu của Đức Thánh Tản, người đã chỉ dạy cho con dân Mường Bi cách làm ruộng, cách ăn, cách ở; Tản Viên Sơn Thánh, con rể của Vua Hùng Vương thứ 18, người có công giúp vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho nhân dân; Ải Lý, Ải Lo, hai vị thần đã dạy con dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước... Lễ hội Khai hạ Mường Bi được huyện Tân Lạc phục dựng và duy trì tổ chức thường xuyên từ năm 2002.
Truyền thuyết về lễ hội các vùng Mường rất ấn tượng. Ở Mường Vang, tương truyền về truyền thuyết của vị thần được thờ tại di tích. Chuyện xưa kể rằng, từ rất lâu rồi, không nhớ năm nào, tháng nào, có một người phụ nữ ở trong mường Chu Đồng đi ra lập trại ở tại làng Lông, người mường Mương gọi là Nàng Cô Hai. Nàng Cô Hai đã tập hợp dân mường Mương - Chóng đi đắp bai Vồng Tràng thành đập Vồng Tràng, lấy nước tưới cho đồng ruộng mường Mương - Chóng. Từ khi có đập, đồng ruộng mường Mương - Chóng được tưới nước đủ đầy, lúa tốt hẳn lên, dân trong vùng không lo đói kém như trước nữa. Sau này người mường Mương - Chóng học theo nàng Cô Hai đắp nhiều bai khác lấy nước tưới cho đồng ruộng nên đời sống nhân dân trong vùng ngày càng no ấm. Thấy mường Mương - Chóng ngày càng giàu có, lang mường Ót ghen tức vu vạ cho Nàng Cô Hai, rồi giết chết nàng. Nhớ tới công lao to lớn của Nàng Cô Hai, dân mường Mương cho thi hài của nàng vào hai chiếc xanh tám úp lên nhau, mang đi chôn cất trên một ngọn đồi thấp, ngay cạnh đập Vồng Tràng. Sau đó, ngọn đồi được đặt tên là đồi Bông Niêu. Sau khi Nàng Cô Hai chết, hàng ngày trên thửa ruộng bên dưới đồi Bông Niêu, dưới chân gốc thị nghìn năm tuổi xuất hiện một con gà trắng thường ra đó kiếm ăn, người dân trong mường đuổi nhưng gà không đi, họ cho rằng đó là Nàng Cô Hai hóa thành. Để tưởng nhớ công ơn của bà, dân mường Mương - Chóng lập miếu thờ ngay tại gốc thị sát ruộng Áng Ka. Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng Giêng (theo lịch Mường Vang), dân mường trong vùng tổ chức lễ cúng cho bà, cầu xin Nàng Cô Hai phù hộ cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, với nghi thức luống cày đầu tiên như một hình thức để tưởng nhớ tới công lao to lớn của bà.
Ở Mường Thàng, theo lời kể của các cụ cao niên trong xóm và theo truyền thuyết của nhân dân địa phương, miếu Cả ở xã Dũng Phong thờ tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Theo sự tích vùng Ba Vì - Sơn Tây, sông Tích Giang, các vùng Mường cổ ở Hòa Bình đều thờ Thánh Tản Viên (người Mường Hòa Bình gọi là Thánh Đản). Các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam đều phong mỹ tự gọi là "Thượng Đẳng Phúc Thần". Cũng như đồng bào Mường ở các vùng khác, đồng bào Mường ở Mường Thàng thờ vọng Thánh Đản tại ngôi miếu của mình.
Ở Mường Động là câu chuyện về vị thần được thờ tại di tích, từ thời xa xưa có 3 anh em nhà vua đi dẹp loạn, hành quân qua đây, thấy khu vực này có địa thế rất đẹp, xung quanh bốn bên quan sát tốt nên đã dừng chân tại núi Khụ Động. Nhưng có một người em út bị chó ngao cắn vào chân nên không thể tiếp tục hành quân được nữa, do vậy người em út phải ở lại đây, được trẻ trâu vùng mường này nuôi ăn. Sau khi khỏe mạnh, cảm động trước tình cảm của dân mường ông quyết định ở lại và dạy người dân trong mường cách đào mương bai, làm ruộng, cấy lúa nước (do vậy trong những mâm cúng lễ thường có một mâm cho trẻ trâu ăn). Sau khi ông mất, dân làng lập miếu thờ ông. Hàng năm tổ chức lễ cúng để tạ ơn ông đã dạy dân vùng mường cách đào mương, trồng lúa. Trong miếu cũng thờ vọng hai người anh của ông.
Lễ hội Khai hạ mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, với bao sự đổi thay của cuộc sống, lễ hội khai hạ người Mường Hòa Bình đã đi sâu vào tâm thức của cộng đồng người Mường ở 4 vùng Mường nói riêng, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói chung. Lễ hội được người dân địa phương bảo tồn, gìn giữ gần như nguyên vẹn các giá trị truyền thống, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương về tham dự mỗi mùa lễ hội.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Với những ý nghĩa và giá trị sâu sắc đó, năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2023 được tổ chức quy mô cấp tỉnh tại Mường Bi (Tân Lạc). Đây cũng chính là nét văn hóa đặc sắc riêng của người Mường Hòa Bình, là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.