Lễ hội Sen Hà Nội - Nâng tầm sen Việt, định vị thương hiệu văn hóa, du lịch Thủ đô

Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 sẽ chính thức khai mạc vào 20h tối nay (12/7) với nhiều hoạt động hấp dẫn, nhằm tôn vinh và khẳng định giá trị của sen Hà Nội trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là sự kiện được tổ chức, hướng tới mục tiêu định vị thương hiệu văn hóa, du lịch Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước.

Sản xuất hoa sen gắn với phát triển du lịch sinh thái

Trong văn hóa của người Việt, hoa sen mang những ý nghĩa biểu tượng nhân văn sâu sắc. Trong đời sống, hoa sen là biểu tượng cho sự trong sáng, thuần khiết. Hoa sen cũng đi vào văn học, nghệ thuật với những bài thơ, văn, ca khúc được nhiều người biết đến, mang ý nghĩa đối với đời sống tinh thần.

Không chỉ chiếm vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, cây sen ngày nay còn mang lại những giá trị kinh tế thiết thực. Với trí tuệ, bàn tay tài khéo của các nghệ nhân, doanh nhân, cây sen đã trở thành nguyên liệu chính để làm nên nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày của người Việt, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng; được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Nghệ nhân Lưu Thị Hiền chăm chút từng bông hoa sen (Ảnh: Nguyệt Ánh).

Nghệ nhân Lưu Thị Hiền chăm chút từng bông hoa sen (Ảnh: Nguyệt Ánh).

Nhằm phát huy hết lợi thế, để mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình khuyến nông trình diễn đưa các giống sen mới chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Mô hình đã được triển khai tại các huyện Mê Linh, Mỹ Đức, Thạch Thất và quận Tây Hồ với tổng diện tích gần 30ha. Và các mô hình trồng sen sẽ tiếp tục được quan tâm phát triển trong thời gian tới.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của cây sen và việc xây dựng Đề án phát triển, tăng diện tích trồng sen những năm tới, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có khoảng 600ha trồng sen. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, sẽ mở rộng diện tích trồng sen lên 900ha. Nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp Hồ Tây, năm 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) và Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ đã phối hợp triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội”.

Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người trồng sen; tổ chức các hội thảo quốc tế, nghiên cứu, đặt hàng các nhà khoa học để có các giống sen nở “4 mùa”, tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

“Xác định Hà Nội đô thị hóa nhanh, đất sản xuất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp nên rất cần liên kết với các tỉnh, thành khác trong phát triển vùng trồng sen, đặc biệt là các giống sen quý, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho Thành phố trong phát triển vùng trồng sen Bách Diệp nói chung, cây sen nói riêng. Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đưa ra nhiều giống sen chất lượng cao, chuyên biệt vào sản xuất tại các vùng chuyên canh sen của Hà Nội.

Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông đẩy mạnh xây dựng các mô hình trình diễn sen giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng Mô hình sản xuất hoa sen hàng hóa, chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch theo chuỗi giá trị, góp phần tăng thu nhập cho người dân… từ đó nhân rộng trên địa bàn thành phố, vừa tạo cảnh quan môi trường sinh thái, thúc đẩy du lịch phát triển và làm gia tăng giá trị kinh tế cho người dân trên địa bàn”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa nhấn mạnh.

Hướng Lễ hội Sen Hà Nội trở thành sự kiện quốc tế

Tại vùng đất Tây Hồ, từ bao đời nay, đã lưu giữ và vun trồng giống sen quý Bách Diệp có màu sắc tươi sáng, hương thơm độc đáo. Sen Bách Diệp Tây Hồ cũng là nguyên liệu chính, góp phần tạo nên món trà ướp hương sen thơm ngát được vinh danh là “Thiên cổ đệ nhất trà”.

Chia sẻ về giá trị độc đáo của cây sen với cảnh quan hồ Tây cũng như với việc phát triển du lịch, văn hóa của địa phương, đặc biệt là việc phát triển sản phẩm trà sen Tây Hồ nức tiếng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Trưởng ban Quản lý hồ Tây Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì Tây Hồ có vùng trồng sen rất quý giá. Qua một số tài liệu còn lưu giữ, từ xưa người dân khu vực Quảng An đã trồng sen để bán.

Từ những bông sen Bách Diệp, gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm gắn bó 5 thế hệ với nghề làm trà sen. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Từ những bông sen Bách Diệp, gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm gắn bó 5 thế hệ với nghề làm trà sen. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thời gian qua, do nhiều lý do, diện tích trồng sen đã bị mai một, lãnh đạo quận Tây Hồ rất trăn trở làm thế nào giữ gìn diện tích trồng sen. Điều này không chỉ xuất phát từ lợi ích kinh tế, nhu cầu mưu sinh mà còn để giữ nét văn hóa của người Hà Nội, văn hóa của người Việt.

Quận đã triển khai thí điểm khôi phục diện tích trồng sen Bách Diệp với 9 hồ sen trên diện tích 10ha, bước đầu đã cho kết quả tốt. Quận sẽ phấn đấu sẽ phủ kín diện tích trồng sen 9 hồ này. Thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội khai thác thêm giá trị mới từ sen, xây dựng tour, tuyến mới để phát triển sản phẩm du lịch gắn với đề án phát triển du lịch bền vững trên địa bàn quận”.

Nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp văn hóa của Thăng Long - Hà Nội và vùng đất Tây Hồ, giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề “ướp trà sen” và ý nghĩa văn hóa của cây sen trong đời sống người Việt Nam, Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 12 -16/7 tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ với chuỗi các hoạt động hấp dẫn.

Bày tỏ ấn tượng về nỗ lực tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đưa ra một số gợi ý trong việc quảng bá thương hiệu sen Tây Hồ, cũng như hình ảnh của Hà Nội, của Việt Nam với du khách trong và ngoài nước.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, Hà Nội đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, và đây là hoạt động đóng góp tích cực, tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Thủ đô, của Tây Hồ, làm gia tăng giá trị của sen trong đời sống.

Lễ hội Sen Hà Nội phải hướng lễ hội trở thành sự kiện mang tính quốc gia và quốc tế, lễ hội cần quảng bá để lan tỏa sự kiện rộng rãi đến người dân và du khách. Bên cạnh đó, cần liên kết với các địa phương nổi tiếng về hoa sen như Làng Sen quê Bác, đồng sen Tháp Mười… để tạo giá trị gia tăng cho hoạt động và câu chuyện về sen trong lễ hội, thậm chí có thể liên kết với các nước châu Á để xây dựng mạng lưới quảng bá, giới thiệu, làm tăng giá trị của sen trong đời sống.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/le-hoi-sen-ha-noi-nang-tam-sen-viet-dinh-vi-thuong-hieu-van-hoa-du-lich-thu-do-173600.html