Lễ thượng nêu, thả cá chép trong Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ

Đã thành một nét đẹp truyền thống, vào dịp lễ ông Công - ông Táo ngày 23 tháng Chạp, tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) lại diễn ra Lễ thượng nêu - dựng cây nêu ngày tết và thả cá chép đưa ông Công - ông Táo về trời.

Clip Lễ thượng nêu trong Thành Nhà Hồ

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, Lễ thượng nêu (gọi theo dân gian là dựng nêu) ngày tết là một nét đẹp trong đời sống tâm thức của người Việt từ xa xưa. Cây nêu được dựng lên báo hiệu một năm mới bắt đầu, thường vào ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công - ông Táo và khi hạ cây nêu cũng là lúc người nông dân xuống đồng cày cấy vào mùng 7 tháng Giêng năm sau.

Hình ảnh cây nêu từ bao đời nay đã được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán đối với người dân Việt. Ngày xuân dựng nêu để mong muốn những điều tốt đẹp, bình an, mưa thuận gió hòa cho một năm mới đang tới.

Trong các triều đại quân chủ Việt Nam, tục dựng cây nêu được đưa vào hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình. Khi Lễ thượng nêu thực hiện là thông báo thời khắc năm mới đã đến, triều đình sẽ tạm dừng mọi hoạt động và chỉ tập trung đón tết. Triều đình dựng cây nêu để cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi phát triển, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Theo điển lệ, khi thấy cây nêu lấp ló trên tường thành của hoàng cung thì các nhà dân mới bắt đầu tiến hành dựng cây nêu ăn tết, cúng thần linh, tổ tiên và vạch vôi trừ ma quỷ. Ngày giờ dựng nêu của dân chúng sau định lệ của triều đình.

Trong dịp Lễ thượng nêu năm nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ phối hợp với Trường THCS Tây Đô đã tổng kết và trao giải cuộc thi ảnh, video với chủ đề “Rực rỡ Cố đô”.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ chia sẻ, nhận thức được ý nghĩa quan trọng của Lễ thượng nêu và thực hiện chương trình giáo dục di sản cho các em học sinh, trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã nghiên cứu và tái hiện lại nghi lễ Lễ thượng nêu nhằm mang đến cho đông đảo nhân dân, du khách và các em học sinh được trải nghiệm và hiểu hơn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, tạo sinh hoạt có tính điểm nhấn, đồng thời mang đến không khí vui tươi vào dịp khởi đầu Tết Nguyên đán.

DUY CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/le-thuong-neu-tha-ca-chep-trong-di-san-van-hoa-the-gioi-thanh-nha-ho-post779035.html