Luân chuyển, điều động giáo viên: 'Đi dễ, khó về'

Những bất cập trong luân chuyển, điều động GV đòi hỏi phải có cơ chế rõ ràng, đảm bảo tính minh bạch, dân chủ, công bằng, hạn chế tiêu cực...

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Mới đây, tại Phiên thảo luận về Luật Nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã làm nóng diễn đàn khi đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu và quy định rành mạch hơn về luân chuyển, điều động giáo viên công tác ở vùng sâu, xa, miền núi, đặc biệt khó khăn và hơn thế là việc bố trí trở về.

Dự thảo Luật quy định nhà giáo đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận.

“Nêu có vẻ đúng, nhưng đặt trường hợp nhiều nơi không đồng ý, lấy đủ lý do như đủ biên chế, không cần chuyên ngành đó, dẫn đến có tình trạng cô giáo 10 năm, 20 năm vẫn cắm bản. Lần này ta làm Luật Nhà giáo và sau này là Luật Giáo dục phải tháo cho được chỗ này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến.

Thực tế cho thấy, điểm cần “tháo” mà Phó Chủ tịch Quốc hội nêu, cũng là điểm nghẽn đầy trăn trở của ngành Giáo dục bấy lâu nay. Thời gian qua, công tác luân chuyển điều động giáo viên còn nhiều bất cập. Quy định điều động, luân chuyển giáo viên lên miền núi đối với nam thực hiện nghĩa vụ 5 năm, nữ là 3 năm. Khi hết thời gian công tác, thầy cô được điều động, thuyên chuyển về xuôi.

Tuy vậy thực tế quy định này chỉ thực hiện được một thời gian ngắn. Khi các huyện thị, thành phố ở miền xuôi tuyển đủ và dôi dư, việc giáo viên từ miền núi xin về miền xuôi khó khăn hơn, thậm chí không được tiếp nhận. Số xin về được cũng hiếm hoi và đi kèm nhiều vấn đề tiêu cực khác như phải xin, nhờ vả, tận dụng các mối quan hệ. Nhiều giáo viên không xin về được dần mất niềm tin vào chính sách.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đường về của giáo viên thuộc diện điều động, luân chuyển trở nên khó khăn. Nhiều nhà giáo cho biết cơ cấu môn học của chương trình khiến đơn vị có giáo viên được thuyên chuyển buộc phải tuyển dụng để bổ sung số lượng thiếu; giáo viên công tác ở vùng sâu, xa gặp khó khăn trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng chương trình khi quay trở về. Trong khi giáo viên được cử đi thì ở trường cũ vẫn thực hiện tinh giản biên chế, nên khi thầy cô đủ điều kiện để về, nhà trường lại không có chỉ tiêu tiếp nhận…

Đặc biệt quy định hiện hành về phân cấp quản lý thì giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS vẫn thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện, không thể chuyển thầy cô từ huyện này sang huyện khác. Vấn đề chuyển giáo viên từ nơi thừa sang thiếu hoặc chuyển công tác cho giáo viên có nguyện vọng nhưng nơi đến và đi không cùng cơ quan quản lý vì thế khó được giải quyết triệt để.

Những bất cập trong luân chuyển, điều động giáo viên đòi hỏi phải có cơ chế rõ ràng, đảm bảo tính minh bạch, dân chủ, công bằng, hạn chế tiêu cực, để việc đi về của thầy cô được thông suốt. Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất giao cho cấp sở được điều động giáo viên trong toàn tỉnh sẽ là thay đổi mang tính cách mạng. Bởi khi ngành Giáo dục có thẩm quyền quản lý viên chức tổng thể, việc thực hiện chính sách với giáo viên diện điều động, luân chuyển sẽ được thực hiện tốt nhất, hạn chế thấp nhất tình trạng “đi dễ khó về”.

Gia Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luan-chuyen-dieu-dong-giao-vien-di-de-kho-ve-post719309.html