'Mặt hàng xăng không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt'
Với kiến nghị của đại biểu Quốc hội về việc nên loại xăng dầu khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt do không phải loại hàng xa xỉ, Bộ trưởng Tài chính phân trần, nếu không đánh thuế xăng, rất khó thay đổi hành vi tiêu dùng.
Tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ 9, ngày 9/5, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.
Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ vẫn giữ quy định mặt hàng xăng các loại thuộc nhóm đối tượng phải chịu khoản thuế này.
Tham gia góp ý vào dự thảo luật tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị, không tiếp tục quy định mặt hàng xăng là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, để đúng với bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng của xã hội.
Theo đại biểu, xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Mặt khác, xăng cũng đã thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, theo đại biểu Giang, lý giải của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để bảo vệ môi trường là chưa thuyết phục.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Media Quốc hội.
Đồng tình quan điểm đó, đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay chủ yếu áp dụng đối với các mặt hàng xa xỉ, gây hại cho sức khỏe và môi trường, nhằm điều tiết sản xuất và tiêu dùng trong xã hội. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, một mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống, sản xuất và giao thông vận tải là chưa hợp lý.
"Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào xăng sẽ dẫn đến tăng chi phí sản xuất, vận chuyển và lưu thông hàng hóa, gây ra hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Điều này đặc biệt tác động tiêu cực đến những người có thu nhập thấp, khi chi phí cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng tăng mà thu nhập không thay đổi," Đại biểu Lê Thị Song An lập luận.
Đồng thời, theo đại biểu, xăng đã bị đánh thuế bảo vệ môi trường, do đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này sẽ dẫn đến tình trạng "thuế chồng thuế" và không công bằng đối với người tiêu dùng.

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An. Ảnh: Media Quốc hội.
Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc đánh thuế xăng đã áp dụng từ năm 1998. Vừa qua, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết phải giảm phát thải về 0 vào năm 2050. Đây là cam kết rất khó khăn với Việt Nam. Các quốc gia châu Âu đã triển khai rất quyết liệt với nhiều biện pháp, còn Việt Nam do điều kiện có hạn nên dù đã đưa ra nhiều chương trình vẫn cần nhiều cố gắng để thực hiện.
"Mặt hàng xăng càng không thể không đánh thuế. Ô nhiễm môi trường của Việt Nam ngày càng lớn, với các phương tiện trong lĩnh vực giao thông nếu chúng ta tiếp tục khuyến khích, không đánh thuế xăng thì sẽ rất khó khăn thay đổi hành vi.
Chúng ta mong muốn sử dụng xe điện, hệ thống metro... nhiều hơn thì phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp liên quan đến xăng," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Media Quốc hội.
Về ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay mặt hàng xăng đang chịu hai loại cả thuế và phí, Bộ trưởng Thắng cho hay trên thế giới hầu hết các nước nước phát triển đều đánh thuế và phí, chỉ khác về tên gọi.
Bộ trưởng khẳng định thuế tiêu thụ đặc biệt và phí môi trường hướng đến mục tiêu khác nhau. Thuế tiêu thụ đặc biệt tập trung để điều tiết hành vi tiêu dùng và tăng thu ngân sách. Còn phí bảo vệ môi trường là nhằm tạo ra các quỹ cho các dự án về môi trường.
Việc áp cả hai loại thuế và phí là phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26 và mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hơn nữa, nếu cộng cả hai loại thuế, phí này thì vẫn thấp hơn nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.