Môi giới bất động sản nở rộ nhờ... học 'chui'?
Nhu cầu hành nghề môi giới bất động sản tăng mạnh kéo theo sự bùng nổ của các khóa đào tạo không phép, thiếu chuẩn. Dù pháp lý đã có, tình trạng 'thu tiền thật, dạy giả danh' vẫn diễn ra công khai, đặt thị trường vào nguy cơ rủi ro nghiêm trọng.
Nhu cầu gia nhập thị trường môi giới bất động sản (BĐS) tăng mạnh trong thời gian qua đã mở ra cơ hội cho nhiều đối tượng tổ chức các khóa học “cấp tốc”, “cam kết đậu”, “lấy chứng chỉ ngay” mà không đảm bảo bất kỳ tiêu chuẩn đào tạo tối thiểu nào theo quy định pháp luật.
Dù Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 04/2024/TT-BXD, quy định khung đào tạo môi giới BĐS với ít nhất 74 tiết học (tương đương hơn 50 giờ giảng dạy và thực hành), thực tế cho thấy nhiều đơn vị đào tạo chỉ tổ chức 2 buổi học, mỗi buổi chưa đầy 3 giờ. Có nơi, chỉ cần học duy nhất một buổi là có thể nhận giấy chứng nhận “quản lý sàn”, hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu pháp lý.
Đáng chú ý, dù rút gọn nội dung và thời lượng một cách nghiêm trọng, các đơn vị này vẫn thu học phí từ 2 – 2,5 triệu đồng/khóa, tương đương hoặc thậm chí cao hơn các chương trình đào tạo bài bản.
Các chuyên gia về môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định: “Tình trạng đào tạo chui đã biến một bộ phận người hành nghề môi giới thành lực lượng thiếu năng lực, thiếu hiểu biết pháp luật, làm xấu hình ảnh và uy tín của toàn thị trường.”
Hệ quả dễ thấy là sự xuất hiện ồ ạt của môi giới “nửa vời”, không đủ kiến thức nghề nghiệp, không được sát hạch kỹ lưỡng. Nhiều người sau khóa học chui đã bước ra thị trường, hoạt động tư vấn sai pháp lý, môi giới dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, tiếp tay cho các hoạt động “thổi giá”, tạo sốt ảo, gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Môi giới BĐS cần học thật, thi thật.
Trong khi đó, những khóa đào tạo bài bản, chất lượng cao tại các trường, viện hoặc cơ sở được cấp phép theo Thông tư 04 lại ít thu hút học viên do yêu cầu khắt khe về nội dung và thời gian học.
Nhiều chuyên gia về đào tạo môi giới bất động sản nhận định, cung cấp chứng chỉ hành nghề cho những người không đủ năng lực là tiếp tay cho rủi ro. Không chỉ người mua thiệt, mà sự phát triển bền vững của thị trường cũng bị đe dọa.
Trong bức tranh phát triển nóng của thị trường bất động sản, môi giới đang là một trong những nghề được nhiều người lao động chuyển hướng theo đuổi. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến về nhu cầu đã kéo theo hiện tượng nhiều người chọn con đường “ngắn nhất” để hành nghề: học chui, lấy chứng chỉ một cách đối phó, thay vì đầu tư nghiêm túc cho đào tạo. Tình trạng này không chỉ là vấn đề pháp lý, mà còn là một mối đe dọa đáng lo ngại dưới góc nhìn kinh tế vĩ mô và vi mô.
Ở cấp độ cá nhân, môi giới thiếu kiến thức chuyên môn chính là nguyên nhân dẫn đến tư vấn sai lệch, lựa chọn sai sản phẩm hoặc tiếp tay cho các giao dịch bất hợp pháp. Với số vốn đầu tư không lớn, nhưng hậu quả môi giới “tay ngang” gây ra lại không hề nhỏ: khách hàng mất niềm tin, nhà đầu tư gánh rủi ro, thị trường bị méo mó bởi các giao dịch không minh bạch. Nói cách khác, lựa chọn “học chui” để hành nghề là cách tiết kiệm chi phí sai lầm, khi cái giá phải trả về sau là uy tín, pháp lý và cả sự tồn tại bền vững trên thị trường.
Ở cấp độ thị trường, sự tồn tại phổ biến của lực lượng môi giới thiếu năng lực kéo giảm chất lượng giao dịch và làm gia tăng rủi ro hệ thống. Một thị trường mà ở đó người hành nghề không hiểu rõ pháp luật, thiếu kỹ năng thẩm định, dễ bị lôi kéo bởi các chiêu trò “thổi giá” hay “bán dự án ma” là một thị trường không an toàn cho nhà đầu tư và người mua nhà.
Hệ quả theo đó là niềm tin bị xói mòn, dòng vốn đầu tư dịch chuyển sang các kênh khác, khiến thị trường bất động sản rơi vào trạng thái thiếu thanh khoản hoặc tăng trưởng lệch pha.
Từ góc nhìn kinh tế học, hiện tượng “đào tạo chui” tạo ra một dạng ngoại ứng tiêu cực, người học không đầu tư đúng mức vào năng lực cá nhân nhưng lại gây ra chi phí xã hội lớn cho những bên liên quan, từ khách hàng, doanh nghiệp đến chính sách quản lý nhà nước. Thậm chí, nó còn làm suy yếu hiệu quả của các đơn vị đào tạo chính quy, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh về chi phí, phá vỡ chuỗi giá trị đào tạo, hành nghề và phát triển bền vững.
Để thị trường môi giới bất động sản phát triển đúng hướng, cần chấm dứt ngay cơ chế “đầu tư ngắn - lãi ảo” như hiện nay. Không thể coi chứng chỉ môi giới là món hàng mua bán, mà phải là kết quả của quá trình đào tạo thật, thi cử thật và hành nghề có trách nhiệm. Một nền kinh tế phát triển không thể đặt nền móng lên lực lượng lao động kém chất lượng, đặc biệt là trong một ngành nghề có tính dẫn dắt như bất động sản.