Một hành trình Di sản

Việt Nam được coi là 'Vương quốc của Di sản', trong đó có Di sản Văn hóa phi vật thể. Điều đó cho thấy chiều sâu của một nền văn hiến vô cùng vẻ vang. Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy di sản trong cuộc sống đương đại cũng không phải dễ dàng.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Những giá trị văn hóa có tính phổ quát toàn cầu

Kể từ năm 2003 thới nay, 15 Di sản Văn hóa phi vật thể (VHPVT) của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản VHPVT sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày 7/11/2003, nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản VHPVT của nhân loại. Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.

Dệt thủ công truyền thống của đồng bào Bana.

Dệt thủ công truyền thống của đồng bào Bana.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên: từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả cho đến lễ cúng máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới… Ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản VHPVT của nhân loại.

Ngày 30/9/2009, dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản VHPVT đại diện của nhân loại.

Ngày 1/10/2009, ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản VHPVT cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tương tự, ngày 24/11/2011, Hát Xoan được ghi danh vào Danh sách Di sản VHPVT của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Và ngày 8/12/2017, Hát Xoan được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh sách Di sản VHPVT đại diện của nhân loại.

Ngày 16/11/2010, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản VHPVT đại diện của nhân loại. Tới ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ghi danh vào Danh sách Di sản VHPVT đại diện của nhân loại. Sau đó, ngày 5/12/2013, Đờn ca tài tử Nam bộ trở thành Di sản VHPVT đại diện của nhân loại. Danh hiệu này cũng được trao cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào ngày 27/11/2014.

Ngày 1/12/2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản VHPVT đại diện của nhân loại. Tiếp đó, ngày 7/12/2017, là nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ. Tương tự với Hát Then vào ngày 13/12/2019; còn Xòe Thái là ngày 18/12/2021.

Ngày 29/11/2022, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản VHPVT cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Đáng chú ý, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản VHPVT đại diện của nhân loại, ngày 2/12/2015.

Tết Trung thu ở phố cổ Hội An.

Tết Trung thu ở phố cổ Hội An.

Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Còn theo thống kê của Cục Di sản (Bộ VHTTDL), tính từ năm 2012 đến năm 2021 có 395 DSVHPVT được công nhận ở cấp quốc gia. Mới đây nhất, có thêm 14 DSVHPVT quốc gia được công nhận. Đó là:

Các Di sản VHPVT Quốc gia của Việt Nam gồm các loại hình: Lễ hội Truyền thống, Nghệ thuật Trình diễn Dân gian, Tập quán Xã hội và Tín ngưỡng, Nghề Thủ công Truyền thống, Tri thức Dân gian. Tiếng nói, Chữ viết, Ngữ văn Dân gian, Di sản Hỗn hợp.

Việc bảo tồn gìn giữ Di sản VHPVT mang ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, quốc gia. Không chỉ là lưu giữ được công sức và nét đẹp văn hóa truyền thống của các thế hệ trước mà còn tạo tiền đề để các thế hệ sau phát triển và tái tạo. Việc bảo tồn gìn giữ Di sản VHPVT cũng góp phần quan trọng làm phong phú nền văn hóa dân tộc nói riêng.

Việc công nhận Di sản VHPVT không chỉ là vinh danh, mà còn là nhắc nhở trách nhiệm của chính quyền, người dân trong việc bảo tồn, khai thác, lan tỏa giá trị của di sản. Đây cũng chính là bổn phận của con cháu đối với tổ tiên.

Chiêng Mường trong nghi lễ Mo Mường.

Chiêng Mường trong nghi lễ Mo Mường.

Tạo sức sống mới cho các di sản văn hóa phi vật thể

Năm 2001, lần đầu tiên loại hình Di sản VHPVT chính thức được quy định trong Luật Di sản văn hóa. Tại các địa phương, nhiều Di sản VHPVT gắn với di tích lịch sử, văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương. Cùng với việc phát huy giá trị Di sản VHPVT cũng đã góp phần ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền.

Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương hiện có trên 20 Di sản VHPVT thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, lễ hội, trình diễn dân gian và ngữ văn dân gian, trong đó có một số di sản được đưa vào Danh mục Di sản VHPVT Quốc gia. Cùng với các tỉnh, thành phía Nam, Đồng Tháp còn có nghệ thuật đờn ca tài tử - Di sản VHPVT đại diện của nhân loại.

Nhân rộng mô hình các câu lạc bộ đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp, tỉnh thường xuyên tổ chức liên hoan, trình diễn; phát động sáng tác lời mới cho 20 bản tổ của Nhạc tài tử Nam bộ và hò Đồng Tháp, đồng thời xây dựng hai loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng. Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2024-2025, có 50-70% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành lập Câu lạc bộ đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp cấp xã.

Trong khi đó tỉnh Kiên Giang đã tiếp tục triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh, giai đoạn 2021-2025 với trên 150 câu lạc bộ đờn ca tài tử, nhiều tổ, nhóm nhỏ, thường xuyên sinh hoạt.

Tuy nhiên, nói như Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, thách thức lớn nhất mà hầu hết các Di sản VHPVT phải đối diện đó là có một bộ phận giới trẻ chưa cảm nhận hết giá trị của di sản, trong khi đó, các nghệ nhân cao tuổi ngày càng già yếu, nhiều người đã mất, chưa kịp truyền thụ cho thế hệ trẻ. Một số địa phương, do điều kiện còn hạn chế, nên chưa có chính sách đãi ngộ mức độ cao đối với nghệ nhân để họ yên tâm thực hành nghề.

Làm sao để Di sản VHPVT vừa được bảo tồn tốt, vừa đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và đất nước vẫn là vấn đề khiến nhiều địa phương trăn trở. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đòi hỏi nhiều nỗ lực với sự tham gia của nhiều chủ thể, hoạt động trên các lĩnh vực như xây dựng chính sách, phối hợp thông tin, hoạt động giữa các đơn vị quản lý, tuyên truyền giáo dục cộng đồng...

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho rằng ý nghĩa đích thực của mỗi di sản văn hóa sau khi được UNESCO ghi danh không chỉ dừng lại ở chiếc bằng chứng nhận. Mà, đó là một khối lượng công việc to lớn liên quan đến chính sách, đầu tư và vận động xã hội để phát huy ý nghĩa và giá trị của các di sản phục vụ cho các mục tiêu mang tính nhân văn, hướng thượng của đời sống. Đó là chuỗi hành động liện tục, lâu dài bằng tinh thần trách nhiệm, bằng lòng kiên nhẫn, bằng tiền của và bằng cả danh dự...

Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước của UNESCO về Bảo vệ Di sản VHPVT. Từ đó đến nay, Việt Nam đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ Di sản VHPVT (nhiệm kỳ 2006-2010 và 2022-2026). Điều này cho thấy những đóng góp của Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được công nhận; thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp, năng lực điều hành của nước ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.

Hạnh An

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mot-hanh-trinh-di-san-5727261.html