Mướt xanh làng Chơro ở ấp Bình Hòa

Những ngày tháng 7 này, vùng đất ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú, tỉnh Đồng Nai) với những ruộng lúa, bắp của đồng bào Chơro xanh mướt, uốn mình theo gió.

Ngoài bắp, lúa, hoa màu khác, đồng bào Chơro trong ấp Bình Hòa trồng nhiều cây ngon nức tiếng của vùng đất Long Khánh, Xuân Lộc. Ảnh: Đ.Phú

Ngoài bắp, lúa, hoa màu khác, đồng bào Chơro trong ấp Bình Hòa trồng nhiều cây ngon nức tiếng của vùng đất Long Khánh, Xuân Lộc. Ảnh: Đ.Phú

Già làng Hùng Văn Xứng (75 tuổi, dân tộc Chơro) rất vui khi dẫn chúng tôi dạo đồng và nói chuyện xưa, chuyện nay.

Tụ hội lập làng mới

Thời điểm năm 1960, khi đồng bào Chơro của già làng Hùng Văn Xứng, từ vùng đất Lý Lịch (nay là xã Phú Lý), Hàng Gòn (nay là phường Hàng Gòn) tìm về vùng đất ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú lập làng định cư thì vùng đất này chỉ là rừng già và lác đác vài chòi rẫy của đồng bào dân tộc S’tiêng, Hoa và người Kinh sinh sống. Trong quá trình cộng cư, các hộ đồng bào dân tộc S’tiêng dần di chuyển về lại tỉnh Bình Phước (cũ) sinh sống.

Xã Xuân Phú vẫn còn nhiều diện tích đất trồng lúa 2-3 vụ/năm. Riêng ấp Bình Hòa, do không có hệ thống kênh mương nên đồng bào Chơro còn giữ tập quán sạ khô ở vụ mùa tháng 6-9.

Già làng Xứng kể, khi ấy già mới 15 tuổi. Nhờ đất tốt, cha mẹ già trồng được nhiều bắp, lúa, khoai nên già luôn được ăn no. Từ vài chục hộ đồng bào Chơro ban đầu, các nhóm đồng bào Chơro nhỏ lẻ, ở rải rác nhiều nơi trong rừng sâu, hay tin già làng Văn Hưng (mất năm 2005) có đức độ nên rủ nhau gia nhập làng ngày một đông (từ 40 hộ ban đầu, lên đến gần 200 hộ sau vài năm).

Sau năm 1975, rừng già Bình Hòa không còn tiếng bom, tiếng pháo, già Xứng khi đó đã là người có gia đình, chín chắn trong việc nhà, việc làng, lại siêng năng nên được già làng Văn Hưng yêu quý, kèm cặp, bồi dưỡng để sau này giao chức già làng.

“Năm 2000, già làng Văn Hưng vì già yếu nên tổ chức họp làng và xin ý kiến của chính quyền địa phương bàn giao chức già làng khu định canh - định cư Chơro, ấp Bình Hòa lại cho mình” - già Xứng cho biết.

Gió đồng mát rượi, già Xứng dừng xe máy bên ruộng lúa, bắp của cánh đồng tổ 7A và 7B kể, chỉ có dụng cụ nông nghiệp thô sơ như: rựa, cuốc, liềm, cưa…, đồng bào dân tộc Chơro và các dân tộc anh em trong ấp, theo năm tháng đã làm nên rẫy nơi đất cao và ruộng lúa nước vùng thấp trũng. Sau thời gian đất đã quen với lúa, bắp, khoai, hoa màu các loại, đồng bào Chơro bắt đầu học theo người Kinh, người Hoa trồng cà phê, tiêu, chôm chôm nơi đất cao, còn đất thấp thì tạo bờ, mương sâu, đào ao, giếng tích nước trồng 2 vụ lúa và 1 vụ bắp. Đồng thời, đồng bào còn biết trồng trọt kết hợp với chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, vịt…

“Đồng bào Chơro của mình đã định canh định cư ổn định từ năm 1960 đến nay. Vì lẽ đó, nét văn hóa truyền thống Chơro như: cúng lúa mới, đánh cồng chiêng vẫn còn giữ gìn trong người già, giới trẻ” - già Xứng kể rồi tiếp tục đưa chúng tôi đi thăm các vườn, ruộng của đồng bào Chơro nơi cánh đồng Cây Me.

Ông VÒNG CHÓNG HUỆ, Phó trưởng ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, tỉnh Đồng Nai, cho biết đồng bào dân tộc Chơro và các dân tộc anh em trong ấp sống rất đoàn kết và học tập nhau trong làm kinh tế, nhất là biết đưa các giống cây trồng mới cho năng suất cao, thị trường ưa chuộng vào canh tác.

Đặc sản lúa sạ khô

Để sản xuất ra những hạt gạo mang hương vị đặc trưng của thổ nhưỡng địa phương, đồng bào Chơro ở ấp Bình Hòa vẫn giữ tập quán sạ khô rất độc đáo. Chính vì vậy, hạt gạo của đồng bào Chơro làm ra vẫn còn phảng phất hương vị cây lúa nương của thời lập làng.

Ấp Bình Hòa có diện tích tự nhiên trên 1,6 ngàn hécta, trong đó diện tích đất trồng lúa trên 100 hécta. Kỹ thuật gieo sạ lúa của nông dân trong ấp nói chung và đồng bào Chơro trong khu định canh định cư nói riêng có nét đặc biệt hơn các ấp khác trong xã là sạ khô chứ không phải sạ ướt.

Già làng Hùng Văng Xứng cùng các em nhỏ trong làng Chơro.

Già làng Hùng Văng Xứng cùng các em nhỏ trong làng Chơro.

Để hiểu hơn về kỹ thuật sạ khô tưởng chừng đã bị quên lãng trong kỷ nguyên số, già làng Hùng Văn Xứng giới thiệu với chúng tôi nông dân Thổ Thành (dân tộc Chơro, ngụ tổ 10) đang lúi húi kiểm tra sâu bệnh tại 5 sào lúa của gia đình.

Ông Thổ Thành cho biết, sạ khô là phương pháp gieo hạt trực tiếp trên nền đất đã được cày xới trong điều kiện ruộng khô. Hạt lúa sẽ nảy mầm sau những cơn mưa hoặc tưới nước. Nước sử dụng trong canh tác lúa sạ khô chủ yếu là nước mưa trong suốt chu kỳ sinh trưởng của lúa. Với kỹ thuật sạ khô, đồng bào Chơro chỉ tưới nước bổ sung cho cây lúa vào thời điểm không có mưa, giai đoạn cây lúa cần nước nhiều nhất là thời điểm đẻ nhánh, làm đòng, ngậm sữa.

Cũng theo ông Thổ Thành, lý do đồng bào Chơro chọn kỹ thuật sạ khô theo kiểu truyền thống làm ruộng nương của mấy chục năm về trước là do cánh đồng không có hệ thống kênh mương tưới tiêu, ruộng lúa chỉ có lớp đất mặt mỏng trên nền đá. Vì vậy, để chủ động xuống giống và không bị trễ vụ, đồng bào Chơro chọn giải pháp sạ khô đón mưa. Mặc dù gặp bất lợi về điều kiện tự nhiên nhưng bù lại, hạt gạo vụ lúa sạ khô luôn mang hương vị thơm ngon, dẻo của lúa rẫy.

“Kỹ thuật sạ khô của đồng bào Chơro trong ấp có từ mấy chục năm về trước khi khai phá vùng đất này. Cũng trồng các giống lúa ngắn ngày như các vùng khác nhưng nhờ hấp thụ sương trời, hơi đất, nước mưa nên hạt gạo mang hương vị đặc trưng của lúa rẫy” - ông Thổ Thành bày tỏ.

Ngoài đặc sản hạt gạo vụ sạ khô vào tháng 6, đến tháng 9 thu hoạch, đồng bào Chơro ấp Bình Hòa còn trồng nhiều loại cây ăn trái ngon, ngọt nức tiếng của vùng đất Long Khánh, Xuân Lộc như: chôm chôm, mít, sầu riêng, măng cụt… Cũng nhờ bám đất, yêu lao động, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau mà trên 450 hộ Chơro trong ấp Bình Hòa của già làng Xứng đều no đủ, sung túc, nhà cửa khang trang. Đồng bào dân tộc Chơro nơi đây tự hào khi chung sức cùng các dân tộc anh em khác như: Kinh, Hoa, Nùng… và địa phương xây dựng nông thôn mới thành công vào năm 2013, nông thôn mới nâng cao năm 2017 và nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022.

“Xã Xuân Phú và xã Lang Minh của huyện Xuân Lộc cũ, sau khi hợp nhất thành xã Xuân Phú mới, già mong đồng bào Chơro trong làng giữ gìn những điều tốt đẹp hiện có và không ngần ngại đổi mới tư duy trong làm kinh tế để bắt nhịp với cái mới khi tỉnh Bình Phước (cũ) và Đồng Nai (cũ) thành một nhà” - già làng HÙNG VĂN XỨNG bộc bạch.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202507/muot-xanh-lang-choro-o-ap-binh-hoa-7f9201d/