Mỹ cản trở thuế tối thiểu toàn cầu
Quy định áp thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15%, từng gây xôn xao giới đầu tư nước ngoài, nay chưa biết có được thực thi hay không vì Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự phản đối cách áp thuế này.
![Hiện nay, tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp trong tổng thu thuế ở Mỹ chỉ chừng 7%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 12% của các nước thuộc khối OECD. Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_112_51464485/272ab76887266e783737.jpg)
Hiện nay, tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp trong tổng thu thuế ở Mỹ chỉ chừng 7%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 12% của các nước thuộc khối OECD. Ảnh minh họa.
Nhằm mục đích ngăn cản các nước thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, trong đó có cuộc đua xuống đáy giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như ngăn ngừa các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận tránh thuế, 136 nước đồng thuận vào năm 2021 cải cách các quy định về thuế, trong đó có một nội dung quan trọng đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đó là sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu trên khắp các nước là 15%; nếu doanh nghiệp đóng thuế thấp hơn ở một nước, chẳng hạn 10%, thì nước chủ nhà có thể đánh thêm thuế lên doanh nghiệp kia sao cho đủ mức tối thiểu.
Thoạt tiên, chính Mỹ là nước thúc đẩy sự đồng thuận của các nước áp thuế tối thiểu toàn cầu; Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó, bà Janet Yellen, tuyên bố: “Sự đồng thuận hôm nay của hơn 130 nước đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu là một dấu hiệu rõ ràng: Cuộc đua xuống đáy đã gần chấm dứt”. Tuy nhiên trong khi nhiều nước như Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh… đã tiến hành các bước cần thiết để phê chuẩn và thực thi cam kết, cho đến nay Mỹ vẫn bình chân như vại trước sự phản đối của phe Cộng hòa. Tại Quốc hội Mỹ, phe Dân chủ muốn thông qua luật để nâng mức thuế tối thiểu ở nước này từ 10,5% lên 15% nhưng họ chưa tập hợp đủ phiếu để sửa luật thì nay khi phe Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện, viễn cảnh nâng thuế tối thiểu càng xa vời.
Cụ thể, theo quy định được nhất trí năm 2021, một công ty Mỹ hoạt động ở Anh đang đóng thuế ở mức 10% sẽ bị Chính phủ Anh nâng thuế lên cho đủ mức tối thiểu là 15%. Còn theo lộ trình đến năm 2025, các nước sẽ quan sát hoạt động toàn cầu của một doanh nghiệp nếu ở bất kỳ đâu họ chưa nộp thuế đến mức tối thiểu 15%, kể cả ở nước gốc, các nước sẽ có quyền tăng thuế cho đủ mức tối thiểu. Chẳng hạn, một công ty Mỹ do được ưu đãi hưởng tín dụng thuế nhờ hoạt động nghiên cứu và phát triển nên được nộp thuế ở mức 12% tại Mỹ, nhưng nước Anh, nơi công ty này cũng có cơ sở hoạt động, sẽ có quyền thu thêm thuế sao cho mức thuế công ty này nộp lên mức tối thiểu.
Quy định này làm các doanh nghiệp Mỹ lo lắng vì như thế sẽ vô hiệu hóa các chính sách ưu đãi thuế Chính phủ Mỹ đưa ra, đồng thời cho phép các nước đánh thuế bên ngoài biên giới địa lý. Quy tắc này được biết đến dưới tên gọi UTPR (Undertaxed Profits Rule - quy tắc lợi nhuận đánh thuế thấp). Chính vì thế ngay từ thời Tổng thống Joe Biden, Quốc hội Mỹ cũng chưa thông qua được việc phê chuẩn thuế tối thiểu toàn cầu. Ông Biden chỉ biết thúc đẩy các nước khác nhanh chóng thông qua và áp dụng quy định mới với hy vọng nó sẽ thúc đẩy các nước khác, trong đó có cả Mỹ phải tuân thủ để doanh nghiệp mình khỏi phải đóng thuế cao ở nước ngoài.
Nay quan điểm của Tổng thống Donald Trump là dứt khoát: bất kỳ nước nào áp thuế bổ sung lên doanh nghiệp Mỹ sẽ bị xem là vượt quá thẩm quyền. Trong một sắc lệnh hành pháp ký vào hôm 20-1, ngay ngày nhậm chức, ông Trump nói sẽ trả đũa bằng cách nâng thuế gấp đôi lên cá nhân và doanh nghiệp đến từ nước vi phạm chuyện áp thuế bổ sung nếu có hoạt động tại Mỹ. Phải nói đội ngũ tư vấn cho ông Trump rất giỏi; họ tìm ra một sắc luật có từ 90 năm trước, ít khi được sử dụng, cho phép áp thuế gấp đôi trong một số trường hợp.
Hiện nay, tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp trong tổng thu thuế ở Mỹ chỉ chừng 7%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 12% của các nước thuộc khối OECD. Tỷ trọng này có thể giảm thêm nữa nếu ông Trump thực hiện việc cắt giảm thuế thu nhập theo hứa hẹn như đã từng làm trong nhiệm kỳ đầu tiên. Cho dù việc tăng thuế gấp đôi là mối đe dọa quá mức, Quốc hội Mỹ đã dự thảo luật cho phép mức trả đũa dù thấp hơn nhưng cũng đáng ngại cho các nước: cho phép nâng thuế lên các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Mỹ mỗi năm thêm 5 điểm phần trăm trong vòng bốn năm.
Quy định thuế tối thiểu toàn cầu có một điều khoản loại trừ; các nước không áp dụng chuyện áp thuế bổ sung cho đủ mức tối thiểu cho đến năm 2027 đối với nước nào có mức thuế thu nhập doanh nghiệp nội địa ít nhất là 20%. Đây là mức nước Mỹ đáp ứng nên trước mắt các nước đã thông qua chuyện áp thuế bổ sung sẽ chưa phải áp dụng lên các doanh nghiệp Mỹ nên chưa ngại chuyện chính quyền ông Trump trả đũa. Người ta hy vọng thời hạn 2027 được kéo dài để các nước vẫn có thể triển khai thuế tối thiểu toàn cầu trong trung hạn. Ngoài ra mức thuế tối thiểu nước Mỹ đang áp dụng sẽ tăng từ 10,5% lên 13% vào năm 2026, xóa dần khoảng cách 15% mà các nước đã đồng thuận.
Như thế, thuế tối thiểu toàn cầu có được áp dụng xuyên suốt ở các nước hay không còn phải chờ thời gian trả lời.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/my-can-tro-thue-toi-thieu-toan-cau/