Mỹ đối mặt với hỗn loạn thương mại

Giữa những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, Tổng thống Donald Trump đã chọn cách 'tiêm thêm một liều thuốc bất ổn nữa'.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Sau khi dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu được thông qua vào tuần trước, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn sẽ sớm đề xuất thêm nhiều thỏa thuận thương mại nữa. Tuy nhiên, thay vì việc các luật mới mang lại sự chắc chắn và hỗ trợ tăng trưởng, nền kinh tế lớn nhất thế giới lại đang đối mặt với tình trạng hỗn loạn.
Tổng thống Trump đã thông báo về kế hoạch áp thuế 50% đối với các mặt hàng đồng từ ngày 1/8/2025 — thời hạn mới mà ông đưa ra để các quốc gia ngồi vào bàn đàm phán. Động thái này đẩy giá đồng lên mức cao nhất mọi thời đại. Ông Trump cũng cho biết các sản phẩm dược phẩm có thể sẽ phải chịu mức thuế lên tới 200%, tuy nhiên các công ty sẽ có thời gian chuẩn bị để thích ứng với thuế mới lên đến 18 tháng.
Phát biểu trên chương trình "State of the Union" của kênh truyền hình CNN ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tiết lộ ông dự kiến sẽ có thêm các hiệp định thương mại mới được công bố trong tuần, trong khi hàng chục quốc gia khác sẽ nhận được thư đề xuất về thuế quan. "Chúng tôi đang tiến gần đến một số thỏa thuận như thường lệ", ông Bessent nói, đồng thời cho biết thêm: “Khi chúng tôi gửi 100 lá thư đến các quốc gia này, chúng tôi sẽ thiết lập mức thuế quan của họ. Vì vậy, chúng tôi sẽ có 100 thỏa thuận được thực hiện trong vài ngày tới”.

Tính đến ngày 10/7, không có thỏa thuận mới nào được công bố, trong khi ông Trump chỉ thông báo đã gửi 22 lá thư, với nhiều thư trong số đó là gửi tới các đối tác thương mại nhỏ như Brunei, Moldova và Sri Lanka.Trong trường hợp của Brazil, quốc gia hiện đang phải đối mặt với mức thuế tiềm năng lên đến 50%, Tổng thống Trump đã viện dẫn cách các nhà chức trách nước này đối xử với cựu Tổng thống Jair Bolsonaro làm lý do cho việc áp thuế. Tổng thống đương nhiệm của Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cho biết đất nước của ông sẽ đáp trả bằng “sự đối ứng”. Đáng chú ý, Mỹ có thặng dư thương mại hàng hóa với quốc gia Nam Mỹ này.Đây là sự trở lại với những tuần đầu đầy biến động trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, khi Tổng thống Mỹ công bố các mục tiêu thuế quan mà dường như có thể thay đổi chỉ trong vài giờ.Giữa những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, Tổng thống Trump đã chọn cách "tiêm thêm một liều thuốc bất ổn nữa". Mặc dù phản ứng của thị trường cho đến nay vẫn còn khá dè dặt so với đợt bán tháo kỷ lục xảy ra sau bài phát biểu gây sốc của ông Trump vào ngày 2/4, được ông gọi là "Ngày Giải phóng", nhưng những thông báo mới nhất đã làm chậm đà tăng trưởng vốn đã giúp giá cổ phiếu trở lại các mức cao nhất mọi thời đại."Có khả năng những mức thuế này sẽ không bao giờ được áp dụng, như một số người trên thị trường đang hy vọng", các nhà phân tích của J.P. Morgan viết trong một lưu ý gửi khách hàng hôm 9/7, “nhưng dự báo của chúng tôi rằng sự giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại sẽ không kéo dài, vẫn đang diễn ra đúng như dự kiến, và chúng tôi vẫn nhận thấy mức thuế trung bình của Mỹ sẽ ổn định gần 18% hơn so với mức 14% hiện tại”.Các mức thuế quan mới được công bố trong các bức thư cho thấy Tổng thống Mỹ đang nhắc lại những con số gây choáng mà ông đã công bố vào “Ngày Giải phóng”. Đầu tuần này, ông Trump đã đưa ra lời giải thích về những con số đó, nói rằng chúng “dựa trên lẽ thường, dựa trên thâm hụt, dựa trên cách chúng ta đã bị đối xử trong nhiều năm qua và dựa trên các con số thô” và “Brazil là một ví dụ, đã không đối xử tốt với chúng ta. Hoàn toàn không tốt”, ông Trump nói.Nhà Trắng cho biết đợt áp thuế mới này sẽ được thực hiện theo Đạo luật về quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA). Đây là một quyền hạn hiện đang bị tranh tụng tại tòa án. Một quan chức Nhà Trắng cho biết đạo luật này vẫn sẽ áp dụng đối với các khía cạnh khác mà ông Trump đề cập trong bức thư của ông, cụ thể là “sự đối xử không công bằng” trong quan hệ với Mỹ và rằng sẽ có thêm nhiều thỏa thuận được công bố trong thời gian trước mắt.Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục khẳng định chiến lược áp thuế đang phát huy hiệu quả. Tổng thống đã dẫn chứng hàng tỷ USD nguồn thu từ các mức thuế mới, đồng thời ca ngợi hàng tỷ USD khác trong các khoản đầu tư của các công ty tại Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nguồn thu từ thuế còn xa mới đủ để giải quyết các mất cân đối tài chính của Mỹ, và cho rằng chính các mức thuế này đang kéo chậm tăng trưởng của Mỹ.Trong khi đó, nhiều khoản đầu tư mà ông Trump ca ngợi thực ra đã được lên kế hoạch từ trước. Một số khác đang bị tạm ngưng. Và các dự án lớn, như nhà máy mới và dây chuyền lắp ráp, có thể mất nhiều năm mới đi vào hoạt động.Một số nhà phân tích khác chỉ ra rằng Chính phủ Mỹ đang làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa cho các nhà sản xuất trong nước bằng cách nâng giá các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như thép, nhôm và đồng, đồng thời lại tạo điều kiện cho các quốc gia áp đặt thuế trả đũa lên hàng xuất khẩu của Mỹ.Có khả năng sự hỗn loạn sẽ lắng xuống. Biến động giá cổ phiếu đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm, trong khi thị trường chứng khoán vẫn duy trì ở mức cao nhất mọi thời đại. Trong một bản ghi chú gửi khách hàng hôm 10/7, các nhà phân tích tại Capital Economics nhận định, những điều hiện tại sẽ không có nhiều tác động đến thị trường nói chung.“Động thái áp thuế 50% đối với Brazil do ông Trump lên kế hoạch với lý do có vẻ mang tính chính trị có thể đánh dấu một cột mốc mới”, họ viết, “nhưng Brazil đơn giản không phải là một đối tác thương mại đủ lớn của Mỹ để có thể làm chao đảo các thị trường toàn cầu. Để điều đó xảy ra, các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu hoặc Trung Quốc có lẽ sẽ phải trở nên xấu đi”.Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang chuẩn bị đối phó với lạm phát. Các nhà phân tích tại BNP Paribas dự đoán Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại trong suốt phần còn lại của năm nay, khi tác động của lạm phát bắt đầu được cảm nhận vào khoảng mùa Thu.“Vẫn có thể hoàn toàn chọn cách chuyển chi phí thuế quan sang người tiêu dùng vào mùa Thu thay vì mùa Hè”, các nhà phân tích tại BNP Paribast cho biết. “Theo quan điểm của chúng tôi, sẽ rất khó để tránh được rủi ro vẫn còn hiện hữu phía trước về lạm phát do thuế quan, ngay cả khi không có tác động rõ rệt nào xuất hiện trong mùa Hè”.

Ngọc Quang/BNEWS/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-doi-mat-voi-hon-loan-thuong-mai/380048.html