Nam Định: Nâng cao nhận thức về giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa
Ngày 29/11, tại tỉnh Nam Định đã diễn ra các chương trình Hội nghị-Hội thảo-Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023) và đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với Di sản 'Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt'.
Chuỗi sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức, diễn ra từ sáng 29/11 đến hết ngày 30/11. Dự sự kiện có các đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo tỉnh Nam Định; đại diện ngành văn hóa của 21 tỉnh, thành phố và hơn 300 đại biểu là các nghệ nhân, nhà nghiên cứu di sản.
Năm 2023 đánh dấu tròn 20 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Văn hóa, Giáo dục, Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua. Công ước mang giá trị toàn cầu nhằm gìn giữ, bảo tồn truyền bá và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống nhân loại, tăng cường nhận thức và sự tham gia của các cộng đồng địa phương, quốc gia, thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này.
Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Đến nay, nước ta đã có 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh. Trong đó, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nam Định là địa phương đại diện các tỉnh, thành phố có di sản chủ trì xây dựng hồ sơ trình UNESCO và tổ chức đón Bằng vinh danh di sản vào năm 2017.
Hội nghị-Hội thảo kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tại tỉnh Nam Định được tổ chức nhằm đánh giá tổng thể hiệu quả việc thực hiện Công ước tại Việt Nam; đồng thời đánh giá kết quả thực hiện Công ước cũng như Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Từ khi được UNESCO ghi danh di sản, tỉnh Nam Định đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; đồng thời tập trung thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030”.
Tại hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia, nghệ nhân đã tập trung làm rõ những kết quả thực hiện Công ước của UNESCO của Việt Nam; công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Nam Định và các địa phương trên cả nước; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, của các nghệ nhân trong gìn giữ giá trị của di sản…
Từ đó, hội nghị đề ra các giải pháp, xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO giai đoạn 2023-2028.
Bên cạnh đó, chuỗi sự kiện tại Nam Định còn là dịp để tỉnh giới thiệu các giá trị tiêu biểu về mảnh đất, văn hóa và con người, quảng bá các giá trị về di sản văn hóa; phát triển du lịch, góp phần bảo vệ, lan tỏa các giá trị của Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và tôn vinh các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Sau hội nghị-hội thảo tại thành phố Nam Định, từ chiều 29/11 đến hết ngày 30/11, các hoạt động tổ chức thực hành, truyền dạy Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ diễn ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Nam Định như Khu di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) và di tích Phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên).