Nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng cao: Thách thức trong nông thôn mới

Chuyển đổi số, kinh tế xanh chỉ thực sự hiệu quả khi nông thôn mới được tháo gỡ điểm nghẽn về quy hoạch, nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều thành tựu trong 5 năm qua, song trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Trịnh Thị Thanh Thủy - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), nếu không sớm tháo gỡ các điểm nghẽn về quy hoạch, nguồn lực và tập quán sản xuất, nông thôn Việt Nam sẽ khó tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành hàng, kinh tế số và chuyển đổi xanh trong giai đoạn tới.

Nguồn lực tài chính, nhân lực chất lượng cao vẫn là nút thắt lớn

Thưa bà, từ thực tiễn 5 năm qua, theo bà, đâu là những điểm nghẽn lớn, nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ làm chậm lại quá trình nâng chuẩn nông thôn mới và hạn chế khả năng nông thôn tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị ngành hàng, kinh tế số hay chuyển đổi xanh… những trụ cột được coi là xu thế tất yếu trong tương lai?

TS. Trịnh Thị Thanh Thủy: Từ quá trình nghiên cứu tài liệu, kết hợp với khảo sát thực tế tại một số địa phương, chúng tôi nhận thấy có một số điểm nghẽn lớn, đặc biệt liên quan đến khả năng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn một cách bền vững ở khu vực nông thôn.

Thứ nhất, điểm nghẽn lớn nhất và cũng là bài toán muôn thuở chính là hạn chế về nguồn lực tài chính. Hiện nay, chương trình vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong khi nguồn vốn từ doanh nghiệp, từ xã hội hóa hay từ cộng đồng chưa được huy động hiệu quả.

Bên cạnh đó, còn có một điểm nghẽn khác rất đáng lưu ý, đó là nguồn lực con người. Mặc dù nông thôn Việt Nam là nơi sinh sống của hơn 60% dân số, với 54 dân tộc anh em, hội tụ đầy đủ bản sắc văn hóa và truyền thống nhưng nguồn nhân lực có trình độ, có khả năng thích ứng với các yêu cầu mới, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh vẫn còn hạn chế.

TS. Trịnh Thị Thanh Thủy - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương). Ảnh: Quốc Chuyển

TS. Trịnh Thị Thanh Thủy - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương). Ảnh: Quốc Chuyển

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới, nhận thức về sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường, hiểu biết về chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều người chưa có đủ thông tin thị trường, thiếu kỹ năng xử lý vấn đề trong quá trình sản xuất hay chưa quen với việc sử dụng hạ tầng số, nền tảng số phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thực tế là nông dân ở nhiều khu vực vẫn sản xuất theo tập quán truyền thống, chưa có sự bứt phá để chuyển sang mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ mới.

Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ trẻ, các kỹ sư, chuyên gia có kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp về xây dựng quê hương hiện còn rất khó khăn. Cơ chế, chính sách để tạo động lực, thu hút nhóm nhân lực này còn thiếu và chưa hiệu quả.

Thứ hai, tập quán sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, dù đã có một số tiêu chí về vùng trồng, về hạ tầng thương mại và liên kết sản xuất được đưa vào hệ thống xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, đây vẫn là một điểm nghẽn trong quá trình sản xuất ở khu vực nông thôn, đặc biệt là khi xét đến chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng phi nông nghiệp. Chuyển dịch này diễn ra chậm, chưa rõ nét và chưa tạo được những cú hích đủ mạnh cho khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, tập quán và phương thức sản xuất nông nghiệp cũng còn nhiều bất cập, hạn chế. Việc đổi mới mô hình sản xuất theo hướng hiện đại vẫn gặp nhiều rào cản, cả về nhận thức, kỹ thuật và hạ tầng.

Một vấn đề khác cũng rất đáng lưu ý là môi trường nông thôn. Môi trường ở khu vực này đang chịu tác động từ cả sản xuất lẫn sinh hoạt. Các vấn đề như thu gom rác thải, tái chế, xử lý chất thải hay phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tuy đã bắt đầu manh nha ở một số nơi nhưng vẫn chưa được triển khai rộng rãi.

Có thể nói, môi trường đang là một điểm nghẽn, thậm chí là điểm nóng, dù trong chương trình xây dựng nông thôn mới đã có tiêu chí cụ thể về xử lý chất thải, rác thải. Tuy nhiên, việc thực hiện các tiêu chí này trên thực tế vẫn còn nhiều khoảng trống, cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Tôi cho rằng bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới chắc chắn sẽ cần có sự điều chỉnh. Việc đo lường, đánh giá các tiêu chí cần phù hợp hơn với đặc thù của từng địa phương, gắn với thực tiễn sản xuất, chế biến và lưu thông hàng hóa. Đây chính là một điểm nghẽn đáng chú ý.

Sâu xa hơn, cần phải nhìn lại từ góc độ quy hoạc, cụ thể là chất lượng của quy hoạch. Việc xây dựng quy hoạch hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo được tính phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Quy hoạch hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu liên ngành, liên vùng; chưa thể hiện rõ sự kết nối giữa nông thôn và đô thị, chưa theo kịp quá trình đô thị hóa nông thôn, cũng như chưa hỗ trợ hiệu quả cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là một điểm nghẽn rõ ràng.

Tất nhiên, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức khác, nhưng theo tôi, những điểm nghẽn về nguồn lực, tập quán sản xuất, môi trường và đặc biệt là quy hoạch nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn ở khu vực nông thôn.

Quy hoạch vùng sản xuất và kinh tế tuần hoàn cần đột phá thực chất

Vậy theo bà, đâu là những bài học lớn nhất từ 5 năm triển khai chương trình nông thôn mới và cách thức khơi dậy nội lực từ người dân và doanh nghiệp địa phương?

TS. Trịnh Thị Thanh Thủy: Bài học quan trọng nhất chính là phát huy tinh thần tự chủ và trách nhiệm cộng đồng. Như Bác Hồ từng nói “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Khi người dân được tham gia vào hoạch định, thực thi và giám sát, họ sẽ chủ động, tự nguyện đóng góp và hưởng thụ thành quả.

Thực tế tại nhiều vùng ngoại thành Hà Nội hay các tỉnh phía Bắc cho thấy, người dân sẵn sàng hiến đất, góp tiền, ngày công để làm đường, xây trường, chỉnh trang khu dân cư. Điều này chứng minh rằng, khi chương trình bám sát nhu cầu và quyền lợi của người dân thì sức mạnh nội sinh sẽ vô cùng lớn.

Bên cạnh đó là bài học về phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế tuần hoàn. Muốn giải bài toán sản xuất manh mún, thiếu liên kết, cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng sản xuất tập trung, có tiêu chuẩn kỹ thuật và truy xuất nguồn gốc.

Mô hình hợp tác xã kiểu mới đã ra đời với sự tham gia của nhiều nhân lực trẻ có trình độ học vấn cao, am hiểu công nghệ. Ảnh: Thu Hoài

Mô hình hợp tác xã kiểu mới đã ra đời với sự tham gia của nhiều nhân lực trẻ có trình độ học vấn cao, am hiểu công nghệ. Ảnh: Thu Hoài

Kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, điện sinh khối, giảm thiểu ô nhiễm và tạo thu nhập bổ sung cho nông dân. Một số mô hình đã áp dụng thành công tại Hậu Giang, Sóc Trăng, Hà Nam… nhưng chưa được nhân rộng đồng bộ do thiếu chính sách linh hoạt.

Cuối cùng, bà có thể chia sẻ những mô hình hoặc hướng đi nào được xem là có tính sáng tạo, thực chất, có thể nhân rộng trong giai đoạn tới?

TS. Trịnh Thị Thanh Thủy: Tôi đánh giá rất cao các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn. Đây không còn là xu hướng mà là yêu cầu bắt buộc nếu muốn nông nghiệp Việt Nam hội nhập sâu với quốc tế.

Những mô hình này cần gắn chặt với quy hoạch vùng sản xuất, tiêu chuẩn hóa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ số để giám sát, truy xuất nguồn gốc. Việc xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, làng số, xã thông minh hoàn toàn khả thi nếu các địa phương biết tận dụng hạ tầng số và nguồn nhân lực trẻ tại chỗ.

Với nông nghiệp tuần hoàn, chúng ta có thể tái sử dụng toàn bộ phụ phẩm và chế phẩm đầu ra để: Sản xuất phân bón hữu cơ; chế tạo chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất sạch; phát triển công nghiệp năng lượng xanh như điện sinh khối, sử dụng từ rơm rạ, vỏ trái cây, chất thải nông nghiệp

Đây không phải là những mô hình “trên giấy”, mà nhiều vùng nông thôn đã triển khai và cho thấy hiệu quả thực tiễn rõ rệt.

Tuy nhiên, vấn đề là mô hình này chưa được nhân rộng một cách đồng bộ, bởi vì mỗi địa phương có điều kiện khác nhau – nơi thì có lợi thế về hạ tầng, kỹ thuật; nơi khác lại gặp nhiều hạn chế về nguồn lực, trình độ, hoặc chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy mô hình.

Do đó, nhiệm vụ sắp tới là phải xây dựng cơ chế hỗ trợ linh hoạt hơn, dựa trên đặc thù từng vùng để nhân rộng những mô hình hiệu quả, từ đó định hình một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, bền vững, vừa đáp ứng thị trường trong nước, vừa đủ sức vươn ra quốc tế.

Vì vậy, theo tôi, bài học quan trọng ở đây là cần phải "đo ni đóng giày", tức là thiết kế chương trình, tiêu chí, cách thức triển khai nông thôn mới sao cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Không thể áp dụng một bộ tiêu chí cứng nhắc cho mọi vùng miền. Thay vào đó, cần phân loại vùng, điều chỉnh chỉ tiêu linh hoạt, có chính sách hỗ trợ riêng cho từng loại địa bàn, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, nơi “chạm đáy” về cơ hội tiếp cận nguồn lực.

Chỉ khi chúng ta thực hiện theo hướng linh hoạt sát thực tế dựa trên năng lực tiếp nhận của địa phương, thì chương trình xây dựng nông thôn mới mới thực sự toàn diện, công bằng và bền vững trên phạm vi cả nước.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.Chương trình được triển khai đến hết năm 2025 ở khu vực nông thôn của cả nước. Mục tiêu nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới và tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Nguyễn Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguon-luc-tai-chinh-va-nhan-luc-chat-luong-cao-thach-thuc-trong-nong-thon-moi-409980.html