Nhà văn Nguyễn Văn Học: Văn chương là để chữa lành những vết thương lòng, xoa dần những tổn thương xã hội

Nhà văn Nguyễn Văn Học là một tác giả đã khá quen thuộc với nhiều độc giả văn chương Việt. Hiện tại, dù còn khá trẻ, anh đã xuất bản khoảng 40 đầu sách gồm nhiều thể loại như: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ký chân dung, tản văn. Phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn anh về một số vấn đề trong quá trình lao động nghệ thuật miệt mài của nhà văn.

Phóng viên: Thưa nhà văn, anh có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống hiện tại?
Nhà văn Nguyễn Văn Học: Tôi sống bình dị, công tác ở báo Nhân Dân. Với sự chịu khó của mình, tôi không giàu có nhưng cuộc sống tạm đủ, mỗi tháng trả tiền lãi ngân hàng 7 triệu đồng vì mua căn hộ chung cư hiện tại. Nhưng tôi thấy như vậy vừa sức với mình. Tôi đi làm báo, viết văn hằng ngày, chăm chút cho công việc chuyên môn và cố gắng đều đặn viết vì đam mê.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học.

Phóng viên:Anh từng chia sẻ rằng, mỗi ngày anh thường dành khoảng 3 tiếng để viết tiểu thuyết. Hiện nay, anh đã có chừng 40 đầu sách ở nhiều thể loại, hẳn là một quá trình lao động gian khổ. Những động lực nào đã thúc đẩy anh dấn thân vào nghề viết?
Nhà văn Nguyễn Văn Học: Bây giờ thì không còn được 3 tiếng nữa đâu. Bây giờ việc làm báo cuốn đi, rất nhanh nên phải dành nhiều tâm sức cho nghề báo. Tôi viết ít đi. Nhưng nếu để viết tiểu thuyết thì hẳn là phải thu xếp thời gian, để ít nhất mỗi ngày có khoảng một tiếng rưỡi cho tiểu thuyết.
Còn động lực để dấn thân, thì là đam mê từ tấm bé. Niềm đam mê cộng với một chút thành công sẽ tạo nên động lực sáng tạo. Thêm nữa, với trách nhiệm của một con người đi và trải nghiệm, chứng kiến sự vận động của xã hội. Những bất công, ngang trái vẫn diễn ra. Những điều đó gây cho tôi sự xúc động. Và tôi đã muốn viết. Tôi viết vì thấy không viết ra thì có lỗi. Có lỗi trước hết với chính bản thân mình vì vô cảm. Vừa rồi tôi hoàn thành tiểu thuyết “Tiên đã về trời”, nói về nạn ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên. Môi trường có tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Thiên nhiên muốn con người phải cộng sinh. Nhưng con người đã từ chối. Con người khai thác triệt để, kiệt quệ và thậm chí ác độc với thiên nhiên. Thiên nhiên đã nổi giận. Rừng núi bị tàn phá, bão lũ, sạt lở đất diễn ra…Đó, làm sao tôi có thể ngồi yên mà không viết. Mà vấn đề môi trường chỉ là một phần trong vô vàn sự quan tâm của tôi.
Phóng viên: Có khi nào anh đã từng muốn bỏ nghề viết chưa (cười)? Hẳn rằng đó là cái nghiệp?
Nhà văn Nguyễn Văn Học: Không, tôi chưa từng muốn bỏ nghề. Hiện viết văn và làm báo là công việc song hành của tôi. Nó bổ trợ cho nhau và tôi đang làm khá tốt. Tôi được hưởng niềm vui từ nghề, sống với nghề. Nghiệp văn lại cho tôi sự thăng hoa, những người bạn thân thiết. Nghiệp văn giúp tôi được là mình, làm sao tôi có thể bỏ nghề được.
Phóng viên: Anh cũng từng chia sẻ rằng, Hỗn Danh là cuốn tiểu thuyết mà anh dành nhiều tâm huyết và nặng tình nhất, anh có thể chia sẻ đôi chút về quá trình viết và thông điệp gửi gắm?

Nhà văn Nguyễn Văn Học: Tôi viết “Hỗn Danh” khi vừa tốt nghiệp Khóa 8 Trường Viết văn Nguyễn Du, năm 2010. Trước khi viết tôi đã “chưng cất” lòng mình thành thứ men quan sát, và chắt lọc thực tiễn cuộc sống, để thành sự si mê của nhân vật chính trong đó, là anh họa sĩ Bình. Tôi viết gói gọn trong 4 tháng trời. Khoảng thời gian đó tôi ít đi công tác, giảm bớt việc làm báo để dành thời gian cho cuốn tiểu thuyết mà bản thân tôi cố gắng tạo ra nhiều cái mới. Bè bạn rất khen. Nó mới ở chỗ nào? Là ở nhân vật, ở tính cách nhân vật, cách thể hiện. Một nhân vật chính của tiểu thuyết là bức tranh có năm cô gái khỏa thân.
“Hỗn Danh” đậm đặc các chi tiết về sự háo danh, mua danh bán tước, dối trá, đánh tráo mọi giá trị, kệch cỡm đến đau lòng. Người ta hả hê khoe mẽ, phô trương cái danh, đánh bóng bản thân một cách lố bịch, và tự bằng lòng vui thú với cái lố bịch đó, bất chấp mọi thủ đoạn, như mua bán, cưỡng bức, trộm cắp, đánh lừa dư luận. Sự tha hóa và lừa mị lại bắt đầu từ bộ phận trí thức cấp cao của xã hội, như giáo sư Mẫn, nhà thơ – tiến sĩ Huỳnh Bạch, cho đến những con người đua đòi, bắt chước, chạy theo thị hiếu tầm thường như nữ văn sĩ khỏa thân Buồn Cây Sậy. Tác giả cắt nghĩa sự háo danh là đam mê bản thân, nhầm lẫn giá trị của một lớp người bị xã hội xô đẩy, ham hố tranh cướp cái danh khi cuộc đời không còn mục tiêu gì để sống. Cũng lẽ bởi con người luôn khao khát mình được là gì trong thế giới. Trong khi đó, sức mạnh của văn chương, thi ca, nhạc họa… là vô địch, làm tăng ảo tưởng của con người, làm họ đam mê chính mình, cuồng vọng bản thân, nếu không tỉnh táo và hiểu biết có thể ngộ nhận, lầm lạc một đời.
Phóng viên: Những mảng nào anh quan tâm nhất khi viết? Điều gì khiến anh đau đáu nhất mỗi khi sáng tác?

Nhà văn Nguyễn Văn Học: Quan tâm thì nhiều, nhưng không ai có thể “ôm” hết. Tạng của tôi là xã hội hiện đại. Tất nhiên cách kể thì phải luôn ý thức là làm sao cho nó mới nhất. Như đã chia sẻ, bây giờ tôi quan tâm đến vấn đề môi trường, sự rạn nứt của gia đình hiện đại.
Đau đáu nhất là mình vẫn chưa đủ tài năng để tại ra những tác phẩm ưng ý nhất, đủ để thu hút nhiều người quan tâm hơn nữa.
Phóng viên: Là một người viết, lại quan tâm tới những biến động của thời cuộc khi anh là 1 nhà báo. Anh có thể chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi đồng thời theo đuổi cả 2 lĩnh vực đó?
Nhà văn Nguyễn Văn Học: Hiện hai công việc tôi làm song hành. Khó khăn thực ra cũng không nhiều, bởi ai cũng sẽ gặp phải những khó khăn về thời gian. Ai cũng phải có công việc chính để làm, mưu sinh. Còn thuận lợi thì khá nhiều, bởi cái này nó hỗ trợ cái kia, nên từ báo mà có điều kiện quảng bá tác phẩm. Đây là điều thậm chí còn thuận lợi hơn một số người viết không phải là nhà báo.
Nhưng rõ ràng, chúng ta phải tách bạch hai công việc. Văn là văn mà báo là báo.

Phóng viên: Các tác giả trẻ hiện nay, anh có đặt nhiều hy vọng vào họ chứ? Điều thiếu nhất ở những người viết trẻ thế hệ anh và sau anh?Nhà văn Nguyễn Văn Học: Hiện nay một số bạn viết trẻ dám dấn thân, thích tìm tòi, thể nghiệm. Điều đó rất đáng trân trọng. Từ sự dấn thân và thể nghiệm đó đã cho thấy những dấu hiệu tích cực và tạo ra những tác phẩm khá.
Tuy nhiên người viết trẻ hiện nay lại thiếu vốn sống. Từ thiếu vốn sống nên sinh ra dấn thân nửa vời, dễ cạn nhiệt huyết, ý tưởng và từ đó sáng tạo không bền. Chỉ một hoặc vài cuốn sách ra đời rồi… thôi. Họ rẽ đi theo con đường khác, như đi buôn. Như vậy là phí phạm, bởi họ vừa xác lập được một tác giả, thì vì bỏ giữa chừng nên tác giả đó đã không lớn lên được nữa.
Phóng viên: Theo anh, điều quan trọng nhất đối với 1 người cầm bút khi đã xác định theo nghề là gì? Quan điểm sáng tác của anh?
Nhà văn Nguyễn Văn Học: Thật ra để xác định điều gì thì cũng thật khó nói. Nó mênh mông lắm. Cuộc sống vốn nhiều bất trắc, nay thế này mai thế khác. Nhưng đã theo nghiệp thì cơ hội đến là viết, tận dụng thời gian để đọc, tìm hiểu, sáng tạo với phong độ lớn nhất của mình. Bởi cứ chần chừ, thời gian trôi đi, ngoảnh lại thì sức lực không còn.
Quan điểm sáng tác ư, là hãy làm nhiều và nói ít. Văn chương là để chữa lành những vết thương lòng, xoa dần những tổn thương xã hội, để con người muốn sống, sống có khao khát, biết yêu thương và chịu trách nhiệm về bản thân mình.
Phóng viên: Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!

Phụng Thiên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-van-nguyen-van-hoc-van-chuong-la-de-chua-lanh-nhung-vet-thuong-long-xoa-dan-nhung-ton-thuong-xa-hoi-a25346.html